Mở cửa hội nhập: Doanh nghiệp gỗ nguy cơ “vuột” mất ưu đãi TPP
(Tài chính) Giống như ngành dệt may, da giầy… ngành gỗ Việt Nam đang bắt buộc phải có những thay đổi trong khâu xuất xứ nguyên liệu nếu muốn được hưởng trọn vẹn những ưu đãi thuế từ Hiệp định TPP
TPP quy định rất rõ, sản phẩm phải đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 55% tổng giá trị trở lên; DN chỉ được phép nhập tối đa 45% nguyên vật liệu từ các nước ngoài khối để sản xuất ra một sản phẩm, kể cả chi phí gia công. Đây là một thách thức không nhỏ của các DN ngành gỗ khi hiện nay họ phải nhập tới trên 80% gỗ súc (4 triệu m³ gỗ/năm) để làm nguyên liệu sản xuất.
Chiến lược quy hoạch phát triển ngành gỗ
Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, đến cuối 2013, cả nước có 144.000 ha rừng đạt tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững của thế giới, trong đó có 50.800 ha rừng tự nhiên đạt chứng chỉ trên về nguồn gốc gỗ. Tuy đã có tăng trưởng so với trước nhưng với những đòi hỏi ngày càng cao về nguồn gốc, xuất xứ thì diện tích trên vẫn được xem là khá khiêm tốn.
Bộ NN - PTNT cho biết, hiện Bộ này đã xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển ngành gỗ tới năm 2025, theo đó ngành gỗ sẽ xây dựng và mở rộng các khu công nghiệp chế biến gỗ ở các vùng có khả năng cung cấp đủ nguyên liệu, ổn định, thuận lợi về cơ sở hạ tầng, đảm bảo có lợi nhuận và cạnh tranh được trên thị trường khu vực và quốc tế. Bên cạnh việc đẩy mạnh hiện đại hoá công nghiệp chế biến quy mô lớn, từng bước phát triển và hiện đại hoá công nghiệp chế biến gỗ quy mô nhỏ ở các vùng nông thôn và làng nghề truyền thống, góp phần đa dạng hóa kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Khuyến khích xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến tổng hợp gỗ rừng trồng…
Ngoài ra, để đảm bảo các cam kết về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu gỗ, Tổng cục Lâm nghiệp còn xây dựng hệ thống kiểm soát gỗ hợp pháp để đáp ứng đối với chính sách thương mại quốc tế như Luật LACEY của Mỹ; FLEGT của EU… về nguồn gốc và xuất xứ gỗ hợp pháp. Đây cũng là cơ hội cho đồ gỗ VN tiến sâu hơn vào các thị trường TPP, EU...
Thời điểm quan trọng của doanh nghiệp
Các cơ sở chế biến sẽ trở thành các trung tâm vừa sản xuất chế biến tổng hợp tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, vừa sản xuất các phụ kiện khác cho các cơ sở sản xuất trong vùng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chỉ mình Bộ, ngành sẽ không đủ mà cần sự quyết tâm của các DN. Đây là thời điểm quan trọng để các DN ngành gỗ nâng cấp và tái cơ cấu hệ thống cơ sở chế biến gỗ, đầu tư các dây chuyền tinh chế với công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, nâng cao trình độ tay nghề công nhân để đủ khả năng sản xuất các mặt hàng có sức cạnh tranh trên thị trường thể giới. Bên cạnh đó, sớm hình thành cụm, điểm chế biến gỗ, có quy mô thích hợp để liên doanh liên kết cùng sản xuất theo hướng chuyên môn hóa.
Các cơ sở chế biến nói trên sẽ trở thành các trung tâm vừa sản xuất chế biến tổng hợp tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, vừa sản xuất các phụ kiện khác cho các cơ sở sản xuất trong vùng. Các trung tâm chế biến gỗ vừa là cơ sở sản xuất đồng thời cũng là nơi đào tạo công nhân, cán bộ quản lý cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Ngoài ra, cần tập trung sử dụng các sản phẩm từ ván nhân tạo và gỗ từ rừng trồng, phát triển các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời và đồ mộc mỹ nghệ nhằm tăng giá trị xuất khẩu cũng như giảm việc sử dụng nguyên liệu gỗ trong chế biến xuất khẩu.
Với những định hướng rõ ràng, sự chuẩn bị của các DN… Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN (Vifores) dự báo nhập khẩu gỗ nguyên liệu cho chế biến XK của VN sẽ giảm còn 40% trong những năm tới và xuống còn khoảng 25% nhu cầu vào năm 2030, so với tỷ lệ hiện tại là 80%. Đây được xem là cơ sở để ngành chế biến gỗ tiếp tục phát triển bền vững trong những năm tới.
Nhập khẩu 80%
Theo Bộ NN - PTNT, trong tháng 9/2014, ước giá trị XK gỗ và các sản phẩm gỗ của VN đạt 464 triệu USD, đưa giá trị XK 9 tháng đầu năm đạt 4,41 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2013. Dự kiến năm 2014, kim ngạch XK ngành gỗ sẽ chạm đích khoảng 6,5 tỷ USD, trong đó nhập khẩu khoảng 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù con số mà ngành gỗ đóng góp vào kim ngạch XK khá ấn tượng, song nếu vẫn phải nhập lượng gỗ súc tới 80% thì rõ ràng ngành gỗ sẽ khó chủ động trong các đơn hàng, mặt khác chiểu theo quy định TPP thì con số nhập khẩu nguyên liệu đang bị vượt lên tới 30%. Các chuyên gia cho rằng, nếu tình trạng này không được cải thiện có thể lượng kim ngạch XK gỗ trong thời gian tới có thể giảm mạnh khi giá nhập khẩu, chi phí vận chuyển đều gia tăng. Trong khi đó, nếu không tự chủ được nguồn nguyên liệu, ngành gỗ sẽ không thể được hưởng ưu đãi thuế suất vì không đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa như theo quy định 55%.