Mở rộng cơ sở thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ tài chính kinh nghiệm quốc tế
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho thấy, hiện một số quốc gia đã triển khai mở rộng cơ sở thuế giá trị gia tăng thông qua việc tính thuế đối với một số lĩnh vực liên quan đến dịch vụ tài chính, bảo hiểm.
ThS Phạm Thị Thu Hồng- Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho biết, tại Argentina tất cả các dịch vụ tài chính như phí duy trì tài khoản, phí sử dụng ATM đều phải chịu thuế giá trị gia tăng phổ thông hiện hành là 21%.
Bên cạnh đó, dịch vụ cho vay trung gian cũng bị tính thuế giá trị gia tăng với mức 10,5% áp dụng cho tiền lãi đối với khoản vay từ các tổ chức tài chính; dịch vụ cho vay trung gian từ nước ngoài và được sử dụng trong phạm vi quốc gia với điều kiện chủ thể cho vay là tổ chức tài chính tại Argentina, nơi mà ngân hàng trung ương hoặc cơ quan có thẩm quyền đã thông qua tiêu chuẩn quốc tế về Basel. Ngoài ra, theo quy định của Luật Ngân hàng Argentina, người đi vay sẽ phải trả thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, Argentina cũng miễn thuế giá trị gia tăng đối với các khoản vay thế chấp được người đi vay sử dụng với mục đích mua sắm, xây dựng hoặc cải thiện chỗ ở.
Riêng các nhà cung cấp dịch vụ tài chính, được miễn thuế giá trị gia tăng trong trường hợp tiền gửi bao gồm tài khoản tiết kiệm, gửi có kỳ hạn (cả nội tệ và ngoại tệ) tại các tổ chức tài chính; các khoản vay giữa các tổ chức tài chính với nhau; tiền lãi phát sinh từ cơ chế cho vay và tiết kiệm; tiền lãi phát sinh từ khoản vay giữa công ty và nhân viên; khoản tiền lãi phát sinh từ chứng khoán nợ DN.
Tại Bahamas, mặc dù áp dụng thuế suất 0% đối với dịch vụ tài chính, song vẫn thu thuế giá trị gia tăng đối với đầu vào có thu phí. Chính phủ Bahamas phân biệt rõ các loại hình dịch vụ tài chính như đối với tài chính quốc tế (tức là các dịch vụ cung cấp cho người không cư trú), thì được miễn thuế. Còn dịch vụ tài chính nội địa (tức là dịch vụ cung cấp cho người dân cư trú) thì phải trả thuế khi thực hiện các dịch vụ mà có thu phí với thuế suất là 7,5%.
Trong khi đó ở Malaysia, từ 1/4/2015 đã áp dụng hệ thống thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) thay cho thuế doanh thu và dịch vụ, với mức phổ thông 6% áp dụng cho hầu hết các loại hàng hoá và dịch vụ. Một số hàng hóa và dịch vụ được miễn thuế bao gồm xuất khẩu, đầu tư kim loại quý, giao dịch liên quan đến bán và cho thuê bất động sản (kể cả đất), đường cao tốc có thu phí, giáo dục và y tế tư nhân, đất sử dụng cho mục đích nông nghiệp và đất cho mục đích chôn cất, vui chơi hoặc tín ngưỡng.
Tuy nhiên, Malaysia áp dụng GST đối với dịch vụ tài chính có thu phí. Cụ thể, đối với dịch vụ bảo hiểm, GST áp dụng đối với dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ. Đối với dịch vụ ngân hàng, GST áp dụng đối với các tài khoản tiền gửi, dịch vụ thẻ, dịch vụ thương mại, các khoản đảm bảo, dịch vụ tín dụng và các dịch vụ tài chính khác.
Tại Nam Phi, từ 5/1/2015 áp dụng thuế giá trị gia tăng phổ thông 14% đối với một số dịch vụ tài chính có thu phí, trong đó chủ yếu là tập trung vào dịch vụ của các ngân hàng. Còn ở Australia, thuế suất GST phổ thông 10% áp dụng đối với dịch vụ cung cấp các sản phẩm tài chính và các hoạt động dịch vụ ngẫu nhiên, như thanh toán bù trừ và thanh toán thẻ tín dụng. Ngược lại ở Singapore, GST chỉ áp dụng đối với dịch vụ sắp xếp hoặc tư vấn về giao dịch tài chính có thu phí, với mức thuế suất là 7%.
Từ kinh nghiệm của các nước, bà Hồng cho rằng, đối với Việt Nam khi áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ tài chính, cần phân định rõ từng loại dịch vụ để có thể đưa ra mức động viên phù hợp. Kể cả với một số loại dịch vụ nên được đưa vào diện miễn thuế giá trị gia tăng nhằm không gây tác động quá lớn đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng như người gửi tiền.