Mở rộng địa bàn hoạt động hải quan: Đòi hỏi từ thực tiễn
(Tài chính) Việc mở rộng địa bàn hoạt động hải quan được đưa ra trong dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lí mà còn phục vụ nhu cầu phát triển bức thiết từ thực tiễn. Có mặt tại tỉnh biên giới Cao Bằng những ngày gần đây, chúng tôi cảm nhận rõ hơn điều đó.
Cao Bằng là tỉnh có đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc dài nhất với hơn 300 km đường biên. Với điều kiện tự nhiên đó nên Cao Bằng cùng với Lạng Sơn là 2 địa phương có số lượng cửa khẩu nhiều nhất trên tuyến biên giới phía Bắc. Theo Nghị định 107/2002/NĐ-CP, Cao Bằng có 6 cửa khẩu gồm: Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang, Bí Hà, Pò Peo, Lí Vạn.
Những năm trước, giao thông gặp nhiều khó khăn bởi 2 tuyến đường huyết mạch là quốc lộ 3, quốc lộ 4 - cửa ngõ nối Cao Bằng với các tỉnh, đều xuống cấp trầm trọng. Chính vì vậy, dù là một trong những tỉnh có nhiều cửa khẩu nhất nhưng hoạt động XNK tại Cao Bằng vẫn còn thưa vắng, ít nhộn nhịp như Lạng Sơn, Quảng Ninh hay Lào Cai. 3 năm trước đây, khi lần đầu tiên lên Cao Bằng công tác, cán bộ hải quan và nhiều người dân bản địa chia sẻ với chúng tôi, nhìn thấy chiếc xe container chạy qua vùng biên Cao Bằng, nhiều bà con còn đổ xô ra bên đường đứng xem.
Nhưng 2 năm trở lại đây, khi tuyến quốc lộ 3 đã được nâng cấp, hoạt động XNK qua Cao Bằng cũng nhiều đổi khác. Những chiếc xe container không còn là hình ảnh xa lạ ở Cao Bằng. Những chuyến lên Cao Bằng công tác gần đây chúng tôi không ít lần bắt gặp nhiều chiếc xe container nằm chờ xuất hàng dọc đường vào khu vực cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh… Theo Cục Hải quan Cao Bằng, sự xuất hiện nhiều xe container gần đây là do hoạt động tạm nhập-tái xuất (TN-TX). Trước đây, dù cơ chế chính sách vẫn cho phép thực hiện hoạt động này tại Cao Bằng nhưng vì đối tác Trung Quốc không có nhu cầu nhận hàng nên hoạt động TN-TX ở địa phương này rất ít. Hiện nay, đối tác Trung Quốc có nhu cầu nhận hàng TN-TX ở nhiều cửa khẩu tại Cao Bằng, hàng hóa được tái xuất tập trung vào các cửa khẩu chính như Tà Lùng, Sóc Giang, Trà Lĩnh… Trong đó, Tà Lùng có lượng hàng hóa tái xuất nhiều nhất. Trong 6 tháng đầu năm 2013, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lùng đã giám sát thực xuất (đối với hàng TN-TX và kho ngoại quan) cho gần 5.000 bộ tờ khai; tổng giá trị kim ngạch hơn 431 triệu USD; với hơn 204 nghìn tấn hàng của 8.614 container. Chi cục Hải quan cửa khẩu Sóc Giang và Trà Lĩnh cũng giám sát thực xuất cho lượng hàng trên dưới 1.000 container…
Nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp, hiện nay nhiều khu vực cửa khẩu phụ và lối mở ở Cao Bằng cũng đang được cơ quan chức năng xem xét áp dụng cơ chế cho phép thực hiện một số loại hình XNK, trong đó có TN-TX. Gần đây nhất, ngày 27-5-2013, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thí điểm thực hiện một số cơ chế chính sách XNK, TN-TX tại lối mở Nà Lạn (huyện Thạch An) đến hết năm 2015. Thủ tướng giao Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo thảo quyết định (của Bộ trưởng Bộ Công Thương) thí điểm TN-TX hàng hóa qua lối mở Nà Lạn. Phó Cục trưởng Cục Hải quan Cao Bằng Hoàng Văn Hòa cho biết, đơn vị vừa đề nghị Tổng cục Hải quan cho bố trí lực lượng Hải quan để sẵn sàng giám sát hoạt động XNK tại khu vực này.
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lùng kiểm tra hàng hóa xuất khẩu. Nguồn: baohaiquan.vn |
Mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển
Thực tế tại Cao Bằng, việc mở rộng địa bàn hoạt động hải quan là hết sức cần thiết trước nhu cầu phát triển của các địa phương biên giới, nhất là trong bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội vùng biên đã và đang được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đầu tư.
Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển thực tế ở khu vực biên giới thì địa bàn hoạt động hải quan tại khu vực cửa khẩu Cao Bằng dường như trở thành “chiếc áo quá chật”. Do điều kiện tự nhiên không được bằng phẳng nên khu vực cửa khẩu ở Cao Bằng khá nhỏ hẹp, kéo theo đó địa bàn hoạt động hải quan cũng hạn chế. Ví dụ, cửa khẩu Tà Lùng địa bàn hoạt động hải quan (theo Nghị định 107) gồm: Trục chính cửa khẩu là cây cầu nối liền giữa Tà Lùng (Việt Nam) và Thuỷ Khẩu (Trung Quốc); ranh giới cửa khẩu là: bên phải (cửa khẩu) 2 km, bên trái 4 km, chiều sâu vào nội địa 4,5 km. Cửa khẩu Trà Lĩnh, địa bàn hoạt động hải quan gồm: Trục chính của cửa khẩu là con đường qua cạnh mốc 94 nối liền hai bên Hùng Quốc (Việt Nam) và Long Bang (Trung Quốc); ranh giới khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh là: Bên phải 1,5 km, bên trái là 3 km, chiều sâu vào nội địa là 3,5 km…
Nhưng thực tế, nhiều thời điểm khi lượng hàng TN-TX tăng lên nhiều, địa bàn hoạt động hải quan ở khu vực cửa khẩu không đủ để phục vụ lưu giữ xe cộ, hàng hóa chờ tái xuất. Nhiều xe container phải dừng, đỗ chờ xuất ngoài địa bàn hoạt động hải quan. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho cơ quan Hải quan cửa khẩu trong giám sát. Trong khi đó, lực lượng Kiểm soát Hải quan cũng không đủ để có thể kiểm soát hết đối tượng này. Bởi lực lượng Kiểm soát Hải quan vừa thiếu lại còn phải phân bố lực lượng phục vụ chống buôn lậu, ma túy…
Rõ ràng trong điều kiện nhu cầu phát triển tại các địa bàn cửa khẩu đang tăng mạnh, các địa phương đang đẩy mạnh việc giải phóng mặt bằng, mở rộng địa bàn hoạt động ở cửa khẩu thì đòi hỏi tất yếu là địa bàn hoạt động hải quan cũng phải có sự điều chỉnh linh hoạt để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân và đáp ứng yêu cầu quản lí.
Ở khía cạnh mở rộng địa bàn để phục vụ công tác kiểm soát hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan Cao Bằng Nông Dương Thuần cho biết, hoạt động XNK nhộn nhịp sẽ kéo theo nhiều nguy cơ về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trong khi địa bàn ở Cao Bằng vừa rộng, địa hình lại nhiều đồi núi quanh co nên nếu địa bàn hạn chế thì sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát hải quan. Ông Nông Dương Thuần cho biết thêm, thời gian qua công tác phối hợp giữa Hải quan Cao Bằng với các lực lượng chức năng khác ở địa phương rất tốt. Nhưng với điều kiện tự nhiên khó khăn và nếu gặp những trường hợp khẩn cấp cần truy đuổi ngay thì không thể chờ đợi đến khi các lực lượng chức năng ở nội địa có mặt mới thực hiện, vì như thế các đối tượng đã nhanh chóng tẩu tán hết tang vật và lẩn trốn vào những dãy núi đồi bao la, trùng điệp.