Mỏ vàng công nghệ
(Tài chính) Lợi nhuận của doanh nghiệp công nghệ thông tin được dự đoán sẽ cải thiện tích cực trong năm 2015
Năm 2015, dự báo doanh thu thuần của MWG tăng trưởng 42% so với cùng kỳ, đạt 22,418 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 924 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Như vậy, với thị giá 107.000 đồng/cổ phiếu, MWG đang được giao dịch ở P/E 13.0, tương ứng với mức bình quân toàn thị trường và các công ty cùng ngành trong khu vực. Giá mục tiêu 129.000 đồng/cổ phiếu 6 tháng tới là cao hơn 20% giá hiện tại.
Cũng được dự báo triển vọng tích cực, sự phục hồi của lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) được hỗ trợ bởi chi đầu tư của nền kinh tế, đặc biệt ở ngành CNTT, sẽ tăng mạnh hơn so với năm 2014. FPT, với vai trò là DN trong nước có nhiều kinh nghiệm ở lĩnh vực CNTT và mối quan hệ khá tốt với khu vực công, chắc chắn sẽ được hưởng lợi đầu tiên. Theo đó, doanh thu mảng CNTT của FPT sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2015.
Ở lĩnh vực phân phối và bán lẻ sản phẩm CNTT, FPT cũng khá thành công trong năm 2014 với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tốt nhất so với các lĩnh vực còn lại. Cụ thể, kế hoạch tăng số lượng cửa hàng bán lẻ lên 210 - 220 cửa hàng trong năm 2015 nhằm tận dụng lợi thế quy mô, giảm tỷ lệ chi phí cố định/doanh thu sẽ không chỉ giúp DN này duy trì tốc độ tăng trưởng mà còn cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ viễn thông được kỳ vọng sẽ giữ được mức tăng trưởng bình quân 18%. Dù vậy, biên lợi nhuận gộp có thể vẫn sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, do chi phí đầu tư quang hóa hạ tầng. Đó là lý do vì sao cổ phiếu của FPT được dự phóng doanh thu thuần năm 2015 sẽ tăng trưởng 22% và đạt khoảng 36.081 tỷ đồng. EPS dự phóng năm 2015 tương ứng là 5.257 đồng. P/E năm 2014 là 9.8 và năm 2015 là 9.1.
Dự báo là vậy, song một số thông tin liên quan, như việc Nguyễn Kim được bán cho một tập đoàn của Thái Lan, đang khiến không ít NĐT lo lắng, vì nó có thể làm thay đổi vị trí của các cổ phiếu “trụ cột”. Chẳng hạn, lãnh đạo của MWG cho biết sẽ mở rộng mạng lưới, số lượng siêu thị MWG, tối thiểu sẽ mở trong năm 2015 là 120 siêu thị, trong đó có khoảng 12 siêu thị điện máy.
Với các chương trình hành động trong năm 2015, ban lãnh đạo MWG cũng hướng đến mục tiêu đạt được mốc thị phần 40% trong tháng 12/2015, so với mức ước tính hiện tại khoảng 30% mảng bán lẻ điện thoại di động. Nhưng với sự lớn mạnh về bán lẻ của Tập đoàn Thái Lan, rõ ràng Nguyễn Kim sắp tới đây sẽ không để kế hoạch của các đối thủ có thể dễ dàng thực hiện. Và như vậy, cạnh tranh tại mảng điện tử tiêu dùng sắp tới chắc chắn sẽ khốc liệt hơn.
NĐT đã chứng kiến bài học này qua câu chuyện thua sút dần của các DN trong ngành bán lẻ tiêu dùng. Kể từ khi cam kết mở cửa thị trường bán lẻ bắt đầu được thực hiện từ năm 2010, cho phép thành lập liên doanh trong lĩnh vực phân phối và NĐT nước ngoài được sở hữu đến 50% vốn điều lệ của liên doanh, ngoại trừ Saigon Co.opmart tiếp tục dẫn đầu khi chiếm hơn 50% thị phần toàn ngành (thống kê của Bộ Công Thương) thì các DN trong nước khác như Maximark, Citimart, Fivimart… dường như ngày càng đuối sức.
Trong khi đó, các đối thủ ngoại như BigC, Metro, Lotte và mới đây là Aeon rầm rộ xây dựng các siêu thị mới tại Việt Nam. Liệu một mình Co.opmart có đủ chống lại 4 ông lớn này trong các năm tới? MWG và FPT cũng vậy, kế hoạch đưa ra rất hoành tráng và rõ ràng cổ phiếu ngành đang thể hiện triển vọng khả quan, đặc biệt là doanh thu của DN vẫn tiếp tục tăng lên. Song, lời khuyên của giới phân tích cho NĐT lúc này là nên thận trọng xem xét thời điểm giải ngân và đánh giá một cách cụ thể danh mục đầu tư ở những DN có doanh thu tiếp tục trên đà tăng trưởng.