Mối lo cận kề khi hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)
(Tài chính) Cùng với sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), năm 2015 sẽ là mốc thời gian quan trọng đối với Việt Nam khi phải hoàn thành nhiều lộ trình cam kết cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Theo Bộ Công thương, trong hầu hết các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, mức độ tự do hóa hầu hết là trên 85% số dòng thuế. Trong đó, mức độ cam kết của Việt Nam trong FTA ASEAN là cao nhất: năm 2015, Việt Nam phải hoàn thành việc đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với gần 93% biểu thuế và chỉ còn duy trì mức thuế 0 - 5% đối với 7% biểu thuế đến năm 2018. Đối với thương mại, dịch vụ, đầu tư, Việt Nam cùng với các nước ASEAN khác sẽ phải hoàn thành lộ trình tự do hóa thương mại trong khuôn khổ Hiệp định khung về dịch vụ (AFAS) theo 10 gói cam kết dịch vụ hành chính và các gói cam kết về dịch vụ tài chính, vận tải hàng không và tự do hóa đầu tư theo Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA).
Ông Nguyễn Phú Hòa, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng, hội nhập tạo ra sức ép cạnh tranh mạnh đối với các doanh nghiệp Việt Nam; nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn. Tự do hóa thương mại quá độ ngột cũng có thể dẫn tới phá sản và tình trạng thất nghiệp ở các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu. Tuy nhiên, do nhập khẩu từ các đối tác như Hoa Kỳ trong Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), EU trong Hiệp định EVFTA là các đối tác chưa có FTA với Việt Nam, hay một số nước/khu vực khác không lớn nên với lộ trình giảm thuế hợp lý, kết hợp với hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, Việt Nam có thể hạn chế được các bất lợi phát sinh.
Dù vậy, để tận dụng ưu đãi trong các FTA, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa; tuân thủ các quy định về vệ sinh, môi trường, lao động, quy trình công nghệ… Đây vừa là cơ hội để tự nâng cao năng lực, vừa là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam, vì đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thiếu công nghệ, thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất.
Thực tế, không cần đợi đến khi việc giảm thuế theo các cam kết FTA hay các hiệp định thương mại mới chính thức có hiệu lực, thị trường Việt Nam đã và đang tràn ngập hàng hóa ngoại, cả từ châu Âu và châu Á. Hàng ngoại xâm nhập thị trường Việt Nam bằng nhiều con đường, chính ngạch, tiểu ngạch và xách tay. Rồi cũng qua đa dạng kênh phân phối tới người tiêu dùng như trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, và các kênh bán hàng trực tuyến như Facebook…
Trong các mặt hàng tiêu dùng ngoại nhập, hàng hóa của Thái Lan có vẻ đang “lấn lướt” tại thị trường Việt Nam nhờ chất lượng, giá cả hợp lý. Trước xu hướng các “đại gia” bán lẻ Thái Lan đang dần trở thành các ông chủ cửa hàng, siêu thị bán lẻ tại Việt Nam, không ít ý kiến lo ngại một “làn sóng” hàng Thái sẽ tiếp tục “đổ bộ” vào thị trường. Nếu như hàng hóa Việt Nam không kịp thời thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng…, thì việc để mất thị trường vào tay các nhãn hiệu nước ngoài là có thể nhìn thấy trước.
Các chuyên gia kinh tế còn lo ngại, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đang phải cạnh tranh trực diện với cơn lốc hàng ngoại được đưa vào Việt Nam theo con đường chính ngạch, mà tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại cũng là rủi ro lớn đối với các doanh nghiệp.
“Đây là vấn đề thuộc tầm quốc gia, nhưng chế tài quản lý vấn đề này còn rất yếu”, TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo tại Hội thảo Kịch bản kinh tế Việt Nam hôm 22/1.
Nhìn nhận vấn đề hội nhập và mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp Việt hiện nay, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen nói rằng, các nhà đầu tư Nhật Bản hay Hàn Quốc đổ vốn vào Việt Nam đầu tư, nhưng họ cũng mang theo các doanh nghiệp vệ tinh của nước họ. Việt Nam không còn cơ hội để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Không chỉ ngành công nghiệp, mà dịch vụ bán lẻ cũng đang trong tình trạng báo động khi các “đại gia” nước ngoài dần dần thâu tóm hệ thống siêu thị. Khi các siêu thị này rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài, liệu hàng Việt Nam có còn cơ hội bán ở đây?
“Câu trả lời gần như là không. Nếu hàng Việt Nam còn không bán được ở trên đất Việt Nam thì xuất khẩu đi đâu?”, ông Vũ nói.