Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, thâm hụt ngân sách với lạm phát ở Việt Nam

Nguyễn Thành Nam

(Tài chính) Trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều bất ổn kinh tế vĩ mô như tốc độ tăng trưởng chậm lại (mức bình quân 8,2% giai đoạn 2004 - 2007, giảm xuống khoảng gần 6% giai đoạn 2008 - 2011), thâm hụt ngân sách lớn (khoảng trên 5% GDP) và tỷ lệ lạm phát tăng cao ở mức hai con số (bình quân khoảng gần 13% trong giai đoạn 2007 - 2012).

Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, thâm hụt ngân sách với lạm phát ở Việt Nam
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Xem xét các nguyên nhân dẫn đến những bất ổn này, chúng ta thấy rằng bên cạnh những tác động bên ngoài từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu bùng phát năm 2008; phải kể đến các nguyên nhân chủ quan như quản lý tài khóa chưa đạt hiệu quả cao, từ phương pháp tính toán, hạch toán ngân sách không theo thông lệ quốc tế, quá trình quản lý phân bổ các khoản chi tiêu công nhiều bất cập đến công tác huy động, gia tăng nguồn thu ngân sách chưa bền vững.

Trước bối cảnh trên của nền kinh tế, trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ tổng hợp lại toàn bộ thực trạng tăng trưởng kinh tế, thâm hụt ngân sách của Việt Nam từ năm 1990 đến nay để đưa ra một góc nhìn toàn diện về tăng trưởng kinh tế, thâm hụt ngân sách trong mối quan hệ với lạm phát cả trên phương diện lý thuyết cũng như thực tế. Trên cơ sở đó, tác giả sẽ đưa ra một số hàm ý chính sách nhằm giảm thâm hụt ngân sách, kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Tăng trưởng kinh tế

Những cải cách kinh tế quan trọng vào năm 1986 chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã giúp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, GDP thực tế Việt Nam tăng nhanh hơn các quốc gia khác với mức tăng trưởng trung bình giai đoạn 1990 - 2009 là 7,32% (Bảng 1).

Vào những năm đầu thập kỷ 1990, kinh tế Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao, đặc biệt những năm 1992 và 1997 gần 9%. Tuy nhiên, đà tăng trưởng chậm lại vào cuối thập kỷ này do những ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997. Kết thúc năm 1999, tăng trưởng chỉ còn là 4,8% kèm theo hiện tượng giảm phát những năm sau đó. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã thực hiện chính sách nới lỏng tín dụng và kích thích mở rộng đầu tư từ năm 2000, đồng thời ký kết quan hệ trao đổi thương mại song phương Mỹ 7/2000. Kết quả là kinh tế đã phục hồi trên đà tăng trưởng cao, nhưng đi kèm là tỷ lệ lạm phát tăng lên. (Bảng 1)

Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, thâm hụt ngân sách với lạm phát ở Việt Nam - Ảnh 1


Hơn nữa, sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại quốc tế (WTO) tháng 11/2006 đã mở đường cho sự tự do hóa thị trường lớn hơn và làm dấy lên làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, lượng ngoại tệ đầu tư trực tiếp, gián tiếp, vay nợ nước ngoài đã tăng đỉnh điểm gấp 13 lần năm 2000. Lúc này, để duy trì khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu, ổn định tương đối tỷ giá và hạn chế gia tăng nghĩa vụ nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp quy đổi bằng VND, Ngân hàng Nhà nước đã cung lượng tiền VND để mua một lượng ngoại tệ vào, gây áp lực lạm phát tăng cao ở mức 2 con số vào năm 2007 (12,6%) và năm 2008 (19,89%).

Thêm vào đó, khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2008 ảnh hưởng tới sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, cụ thể là bội chi ngân sách lớn, nợ công tăng cao, thâm hụt cán cân vãng lai, tốc độ tăng trưởng chậm lại 6,78% năm 2010 và 5,9% năm 2011 mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp kích cầu để thúc đẩy tăng trưởng, chống suy giảm kinh tế. Đồng thời với đó là lạm phát tăng cao, kết thúc năm 2010 và 2011, lạm phát lần lượt ở mức 11,75% và 18,58%.

Năm 2012, tăng trưởng kinh tế ở mức 5,03%, đã giảm khoảng 0,87% so với năm 2011. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ suy giảm tổng cầu do chính sách tiền tệ thắt chặt kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Nhà nước từ năm 2011, hàng tồn kho tăng cao đặc biệt là tồn kho bất động sản, nhiều doanh nghiệp phá sản (theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trên 50.000 doanh nghiệp phá sản từ đầu năm 2011 đến cuối quý I/2012), nhiều tập đoàn Nhà nước thua lỗ lớn tại Vinalines, Vinashin, EVN, Tổng công ty Xi măng Việt Nam Vicem, tập đoàn Sông Đà,...

Ngoài ra, do đà giảm kinh tế toàn cầu khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm xuống (thu hút đầu tư nước ngoài từ đầu năm 2012 đến ngày 20/4/2012 chỉ bằng 68,5% so với cùng kỳ năm trước, vốn thực hiện giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước), xuất khẩu Việt Nam cũng giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ của nước ngoài giảm, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dầu thô giảm 3,1%; cà phê giảm 7,9%; cao su giảm 8,3%; than đá giảm 12,2%; gạo giảm 27,8%...

Năm 2012, cũng là năm mà mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô được đặt lên hàng đầu. Theo đó, Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách; Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt và linh hoạt; Bộ Tài chính tiếp tục lộ trình quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường, kiểm soát chặt chẽ giá độc quyền, chống bán phá giá, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa...

Kết thúc năm, chúng ta đã thành công khi giữ mức lạm phát ở mức một con số 6,81 %. Mặc dù mức tăng trưởng thấp, nhưng theo đánh giá của Tổng cục Thống kê trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn, cả nước tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát thì đây được xem là mức tăng hợp lý.

Mối quan hệ tăng trưởng kinh tế và lạm phát

Xem xét về mặt lý thuyết, lạm phát vừa có tác động tích cực và thiếu tích cực tới tăng trưởng kinh tế. Một tỷ lệ lạm phát thấp có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng. Theo nghiên cứu của Tobin (1965), Mundell (1965) mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng là tỷ lệ thuận. Các nghiên cứu này cũng trùng với quan điểm của trường phái Keynes và trường phái tiền tệ khi cho rằng trong ngắn hạn, các chính sách nhằm hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ sẻ làm gia tăng lạm phát.

Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát cao sẽ tác động tiêu cực lên tăng trưởng. Lạm phát gây giảm sút tổng cầu, gia tăng thất nghiệp, nó gây ra sự bất ổn cho môi trường kinh tế xã hội, làm thông tin trong nền kinh tế bị bóp méo, khiến các quyết định đầu tư, tiêu dùng, tiết kiệm trở nên khó khăn hơn; lạm phát được xem như một loại thuế đánh vào nền kinh tế.

Một số nghiên cúu của Rscher (1993), Barro (1995), Bruno và Easterly (1998) đều chỉ ra mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát mang dấu âm. Còn nghiên cứu của Khan và Senhadji (2001) ở 140 nuớc giai đoạn 1960 - 1998 đã tìm thấy “ngưỡng” lạm phát từ 11-12% đối với các nước đang phát triển và khoảng 1-3% đối với các nước công nghiệp. Nếu nền kính tế ở dưới ngưỡng này, mối quan hệ tăng trưởng - lạm phát mang dấu dương và ngược lại.

Thực tế ở Việt Nam, mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng cũng phù hợp về mặt lý thuyết. Với mức lạm phát cao thì lạm phát tác động tiêu cực đến tăng trưởng (giai đoạn trước 1992). Còn nền kinh tế duy trì một tỷ lệ lạm phát thấp có tác dụng hỗ trợ tăng trưởng (giai đoạn 1992 - 2007).

Có quan điểm cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng thì chấp nhận một tỷ lệ lạm phát cao. Khi nền kinh tế chưa đạt đến sản luợng tiềm năng, các chính sách thúc đẩy tổng cầu như gia tăng tiêu dùng, đẩy mạnh đầu tư trong khu vực công và khu vực tư nhân, khuyến khích xuất khẩu sẽ góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phải chấp nhận mặt bằng giá cả hàng hóa dịch vụ cao hơn.

Chính điều này làm cho các nhà hoạch định chính sách tin rằng lạm phát có lợi hơn là có hại cho nền kinh tế (đặc biệt tỷ lệ lạm phát ở mức một con số), đó là khi lạm phát tăng khiến các chủ thể giảm thói quen giữ tiền mặt, thay vào đó sẽ chi tiêu, đầu tư nhiều hơn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng truởng nhanh.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế đã đạt sản luợng tiềm năng, sự gia tăng tổng cầu sẽ chỉ làm giá tăng lên mà không làm tăng sản lượng nền kinh tế. Điều này bởi vì, tỷ lệ lạm phát cao làm đình trệ sản xuất thông qua kênh đầu tư, tín dụng, tiêu dùng, về phía người tiết kiệm không dám gửi tiền vì lãi suất thực âm, gửi tiền kỳ hạn càng dài càng lỗ. Về phía nguời đi vay phải chịu lãi suất cao, với chi phí vốn cao họ sẽ e ngại vay vốn, không có động lực để đầu tư, hay sản xuất kinh doanh. Kết quả là kênh tín dụng bị thu hẹp.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, mức dư nợ tín dụng 10 tháng đầu năm 2008 chỉ tăng hơn 19,6%, thấp hơn mức tăng 37,73% so vớí cùng kỳ năm 2007, tỷ lệ lạm phát cao tháng 10/2008 là 22,14% cũng làm cho thu nhập của hộ gia đình giảm 22% so với cuối năm 2007. Thu nhập giảm dẫn tới tiêu dùng giảm đầu tư cũng giảm vì rủi ro cao tất yếu làm chậm tăng truởng kinh tế. Như vậy, quan điểm sử dụng lạm phát cao để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có tác dụng giúp kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng không bền vững (còn gọi là giải pháp tăng trưởng "bong bóng"), gây hậu quả tiêu cực đến đời sống dân cư, đặc biệt là tầng lớp thu nhập thấp.

Trong nhiều năm trở lại đây, lạm phát Việt Nam luôn ở mức cao, câu hỏi đặt ra là phải chăng sản lượng nền kinh tế đã vượt mức tiềm năng, nên các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ (gói kích cầu thứ nhất hỗ trợ lãi suất trị giá 1 tỷ USD và gói kích cầu 2 trị giá 8 tỷ USD nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế vào cuối năm 2008 - 2009) khiến lạm phát tăng mạnh trong khi sản lượng không đạt mục tiêu? Theo đánh giá của IMF (2006) thì kể từ năm 2005, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu sự gia tăng sản lượng vượt mức tiềm năng (những năm trước đó, mối quan hệ này thể hiện không nhất quán và rõ nét).

Qua thực tế chứng minh rằng, Chính phủ muốn đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững bằng các gói kích thích kinh tế thì yêu cầu phải dựa trên nền tảng mức lạm phát thấp, giá trị đồng nội tệ ổn định. Thật vậy, khi lạm phát thấp các nhà đầu tư có thể dự tính được cơ hội đầu tư, mức rủi ro của dự án. Từ đó, có các quyết định đầu tư hiệu quả, còn nguời tiêu dùng có thể yên tâm chi tiêu, không lo ngại, cân nhắc mua các mặt hàng thay thế vì giá tăng, kỳ vọng lạm phát của dân chúng không xảy ra giúp kích thích tăng trưởng kinh tế. Vậy mức lạm phát thấp ở đây là bao nhiêu?

Hiện nay, ở các nước phát triển, lạm phát được chọn gần 2% là ngưỡng tối ưu cho tăng trưởng, còn theo nghiên cứu của IMF (2006) chỉ ra ngưỡng lạm phát tối ưu cho tăng trưởng ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là 3,6%. Tuy nhiên, cần phải hiểu thêm rằng, lạm phát thấp và ổn định chỉ là điều kiện đủ cho tăng trưởng kinh tế, còn điều kiện cần cho tăng trưởng phải là các chính sách, chủ trương, định hướng của Chính phủ trong việc phát triển con người, nguồn lực tài nguyên, vốn, khoa học công nghệ…

Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, thâm hụt ngân sách với lạm phát ở Việt Nam - Ảnh 2

Như vậy, xem xét mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát giai đoạn 1990 đến 2012 có thể thấy rằng kinh tế Việt Nam chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, đi kèm với tỷ tệ lạm phát tăng cao vào những năm đầu và những năm gần cuối của giai đoạn này.

Ngân sách Nhà nước

Ngân sách nhà nước (NSNN) luôn trong tình trạng thâm hụt ở mức cao. Nhìn lại giai đoạn trước năm 1986, thu không đủ cho chi ngân sách, mức chi tiêu Chính phủ chủ yếu nhờ vào viện trợ nước ngoài. Giai đoạn sau đó 1986 - 1990, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã cắt dần viện trợ cho Việt Nam, bội chi Ngân sách càng trầm trọng, nguồn thu lúc này chủ yếu dựa vào vay nợ trong nước, ngoài nước và phát hành tiền. Đây cũng là nguyên nhân gây lạm phát cao thời kỳ này.

Bước sang giai đoạn 1991 - 1996, kinh tế đất nước có nhiều dấu hiệu tốt như siêu lạm phát được đẩy lùi nhờ Chính phủ thắt chặt chi tiêu cùng với thay đổi cơ cấu chi ngân sách, chi tập trung vào đúng đối tượng tạo hiệu quả phát triển kinh tế, nguồn thu đã đủ cho chi thường xuyên, thâm hụt ngân sách giai đoạn trước được bù đắp bằng vay nợ. Do vậy, thời kỳ này bội chi ngân sách đã giảm đáng kể, bội chi chỉ ở mức trung bình 2,56 % GDP trong khi giai đoạn 1985 - 1990 bội chi khoảng 7% GDP (Bảng 2)

Giai đoạn 1997 - 2001, nguồn thu NSNN đáp ứng cho cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Bội chi ở mức thấp trung bình 3,87% GDP từ năm 1996 - 2000, nợ công cũng giảm đáng kể do kết quả của cơ cấu lại các khoản nợ công qua câu lạc bộ Paris. Vào cuối những năm 1990, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế châu Á, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, tốc độ tăng đầu tư của Nhà nước giảm, hiện tượng thiểu phát xuất hiện vào năm 2000, 2001. Đây cũng là hai năm có tỷ lệ bội chi NSNN cao nhất chiếm gần 5% GDP, nhưng điều này được xem như một tín hiệu tốt trong bối cảnh nền kỉnh tế giảm phát, sản lượng chưa đạt đến sản lượng tiềm năng, các chính sách tăng chi tiêu của Chính phủ chẳng những sẽ không gây ra lạm phát, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo.

Giai đoạn từ năm 2002 đến nay, thu và chi ngân sách đều tăng mạnh, theo thống kê giai đoạn 2002 - 2009 tốc độ tăng thu hàng năm bình quân là 20%, tốc độ tăng chi bình quân là 20,2%. Bội chi NSNN ở mức trên dưới 5% GDP, tăng cao hơn so với các giai đoạn trước. Đây là kết quả của chính sách tài khóa nới lỏng theo đuổi mục tiêu tăng trưởng, đặc biệt là năm 2009 với chính sách kích cầu nhằm hạn chế suy giảm kinh tế từ ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu cuối năm 2008, đã làm cho bội chi ở mức cao 6,9% GDP.

Những năm tiếp theo, Chính phủ nỗ lực trong việc tăng thu ngân sách, giảm bội chi, giảm nợ công. Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ được ban hành nhằm thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt và chính sách tài khóa cắt giảm chi tiêu công nhằm giảm bội chi và kiềm chế lạm phát. Nhờ đó, tình hình bội chi NSNN đã giảm chỉ còn 5,8% GDP năm 2010, 4,9% GDP năm 2011 và 4,8% GDP năm 2012 (Biểu đồ 2).

Mối quan hệ giữa bội chi Ngân sách nhà nước và lạm phát

Bội chi NSNN ở mức cao đều có nguy cơ gây ra lạm phát. Bởi vì, khi ngân sách bị bội chi có thể được bù đắp bằng phát hành tiền hoặc vay nợ, đều gây nên nguy cơ lạm phát tăng.

Thứ nhất, việc phát hành tiền trực tiếp làm tăng cung tiền tệ trên thị trường sẽ gây lạm phát cao, đặc biệt khi việc tài trợ thâm hụt lớn và diễn ra liên tục thì nền kinh tế phải trải qua lạm phát cao và kéo dài như giai đoạn 1986 - 1990. Sự gia tăng cung tiền có thể không làm tăng lạm phát nếu nền kinh tế đang đà tăng trưởng, mức cầu tiền giao dịch tăng lên phù hợp với mức tăng của cung tiền. Tuy nhiên, trong trường hợp khu vực tư nhân đã thỏa mãn với lượng tiền họ đang nắm giữ (mức cầu tiền tương đối ổn định) thì sự gia tăng của cung tiền làm cho lãi suất thị trường giảm, nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa dịch vụ, nhu cầu đầu tư sẽ tăng lên kéo theo sự tăng của tổng cầu nền kinh tế, mặt bằng giá cả sẽ tăng lên gây áp lực lạm phát. Người ta gọi trường hợp khi chính phủ tài trợ thâm hụt ngân sách bằng cách tăng cung tiền là hiện tượng chính phủ đang thu "thuế lạm phát" từ những người đang nắm giữ tiền.

Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, thâm hụt ngân sách với lạm phát ở Việt Nam - Ảnh 3

Thứ hai, bù đắp thâm hụt bằng nguồn vay nợ trong nước hoặc nước ngoài, việc vay nợ trong nước bằng cách phát hành trái phiếu ra thị trường vốn, nếu việc phát hành diễn ra liên tục thì sẽ làm tăng lượng cầu quỹ cho vay, do dó, làm lãi suất thị trường tăng. Để giảm lãi suất, Ngân hàng Trung ương phải can thiệp bằng cách mua các trái phiếu đó, điều này làm tăng lượng tiền tệ gây lạm phát. Hay vay nợ nước ngoài để bù đắp bội chi ngân sách bằng ngoại tệ, lượng ngoại tệ phải đổi ra nội tệ để chi tiêu bằng cách bán cho Ngân hàng Trung ương, điều này làm tăng lượng tiền nội tệ trên thị trường tạo áp lực lên lạm phát.

Thực tế những năm qua, thâm hụt ngân sách Việt Nam được tài trợ phần lớn bằng cách vay nợ thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ. Lượng trái phiếu này có thể được mua bởi Ngân hàng Nhà nước (hình thức cấp tín dụng trực tiếp cho Chính phủ) sẽ làm tăng lượng tiền cơ sở. Hoặc lượng trái phiếu được mua bởi các ngân hàng thương mại, sau đó các ngân hàng thương mại đem cầm cố chúng tại Ngân hàng Nhà nước thông qua nghiệp vụ thị trường mở hoặc nghiệp vụ tái cấp vốn (cấp tín dụng gián tiếp cho Chính phủ). Điều này cũng làm tăng lượng tiền cơ sở và tăng cung tiền gây lạm phát. Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), khối lượng trái phiếu Chính phủ và Trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đang lưu hành có giá trị lên tới 336.000 tỷ đồng, tương đương hơn 13% GDP danh nghĩa và gần 12% cung tiền M2 năm 2011. Ngoài ra, bên cạnh việc vay nợ trong nước, Việt Nam còn vay nợ nước ngoài để tài trợ thâm hụt, số tiền vay nợ nước ngoài chiếm 1/3 thâm hụt NSNN, tương đương 1,5 – 1,7% GDP. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát cao ở Việt Nam trong những năm 2007 - 2008 và 2010 - 2011.

Một số gợi ý chính sách

Một , Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu kiềm chế lạm phát đảm bảo an sinh xã hội, làm tiền đề đạt mức tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Qua những phân tích ở trên thấy rằng một mức lạm phát cao ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế (giai đoạn trước năm 1992 và giai đoạn từ năm 2007 đến nay). Trong khi đó, nền kinh tế duy trì tỷ lệ lạm phát thấp sẽ giống như một "thứ dầu bôi trơn" hỗ trợ tăng trưởng (giai đoạn năm 1992 đến 2007). Nhưng cũng cần hiểu rằng, điều này không có nghĩa là kìm lạm phát xuống quá thấp, bởi hệ quả của các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thắt chặt quá mức là đầu tư nền kinh tế giảm, không khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất tăng sản lượng, không kích thích tiêu dùng của dân cư…, dẫn đến tăng trưởng sẽ chậm lại.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang nghiên cứu áp dụng cơ chế lạm phát mục tiêu. Đây là bước đi cần thiết nhằm kiềm chế lạm phát về mức một con số trong trung, dài hạn. Tuy nhiên, để cơ chế này được áp dụng một cách hiệu quả cần phải lưu ý một số vấn dề sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần tăng cường quyền hạn và tính độc lập hơn cho Ngân hàng Nhà nước trong việc xây dựng, thực thi, điều hành chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước sẽ thiết lập và tự chịu trách nhiệm về mức lạm phát mục tiêu trong trung hạn, chủ động sử dụng các công cụ chính sách để đạt được mục tiêu đó.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét đưa ra mức lạm phát mục tiêu trong ngắn hạn hàng năm. Việc thực hiện mức mục tiêu trong ngắn hạn sẽ tạo tiền đề để thành công chính sách lạm phát mục tiêu trong trung hạn. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng cần đưa ra "ngưỡng" lạm phát tối ưu cho kinh tế Việt Nam. Trong trường hợp tỷ lệ lạm phát của Việt Nam ở dưới ngưỡng này, Chính phủ có thể áp dụng các biện pháp để tăng lạm phát đạt xấp xĩ ngưỡng lạm phát mà không sợ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Còn nếu tỷ lệ lạm phát vượt ngưỡng này thì sẽ tác động tiêu cực (ảnh hưởng ngược chiều) đến tăng trưởng, Chính phủ phải tìm cách giảm lạm phát để hỗ trợ tăng trưởng.

Hai , giảm thâm hụt ngân sách để kiềm chế lạm phát và duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi lẽ, thâm hụt ngân sách tăng lên làm giảm tiết kiệm nội địa, giảm đầu tư tư nhân, gia tăng thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai. Đồng thời, ngân sách thâm hụt cao và kéo dài làm xói mòn niềm tin đối với năng lực điều hành vĩ mô của chính phủ, làm tăng mức lạm phát kỳ vọng của ngưởi dân và của các nhà đầu tư vì họ cho rằng Chính phủ trước sau gì cũng sẽ phải in thêm tiền để tài trợ thâm hụt.

Do đó, thâm hụt ngân sách cao kéo dài sẽ đe dọa sự ổn định vĩ mô, gây lạm phát. Thực tế ở Việt Nam cũng chứng minh điều này, thâm hụt ngân sách cao được bù đắp phát hành tiền và vay nợ khiến lạm phát tăng cao (giai đoạn trước năm 1990). Sau đó nhờ nỗ lực của Chính phủ trong việc thắt chặt chi tiêu đã góp phần kiềm chế lạm phát (giai đoạn 1991 - 2006), ngoại trừ giai đoạn 1999 - 2001 là thời kỳ kinh tế suy thoái, thậm chí thiểu phát nên mức bội chi NSNN hầu như không ảnh hưởng đến lạm phát, mà còn có tác động tích cực hỗ trợ kinh tế đi lên. Trong những năm gần đây, chính sách tài khóa nới lỏng kích cầu đầu tư khiến tỷ lệ bội chi hàng năm khoảng 5% GDP, sức ép tăng cung tiền vào lưu thông không nhỏ đã khiến lạm phát tăng cao trở lại (giai đoạn 2007 đến nay).

Do vậy, kiểm soát bội chi ngân sách là điều hết sức cấp thiết. Liên quan đến vấn đề này cần thực hiện một số yêu cầu sau:

Thứ nhất, phương pháp tính, hạch toán ngân sách phải được thực hiện công khai, minh bạch theo chuẩn mực quốc tế. Hiện nay, có nhiều khoản chi ngân sách từ nguồn trái phiếu Chính phủ tài trợ cho lĩnh vực y tế, giáo dục, các khoản cho vay, cho vay lại của Chính phủ… để ngoại bảng cân đối ngân sách, không tính đầy đủ vào thâm hụt ngân sách và nợ công như thông lệ quốc tế. Nhiều khoản chi vào những dự án lớn dài hạn được phân bổ dần vào quyết toán ngân sách trong nhiều năm thay vì tính cả vào năm trái phiếu được phát hành để vay nợ... Ngoài ra, sự không thống nhất trong cách hạch toán ngân sách khiến cho các con số thống kê không phản ảnh chính xác thực trạng nợ công của Việt Nam, gây nhiễu loạn thông tin cho các chủ thể nền kinh tế, và gây trở ngại cho việc so sánh, đánh giá, quản lý rủi ro nợ công giữa Việt Nam với các quốc gia khác. Do vậy, Việt Nam phải có phương pháp tính đúng, đầy đủ ngân sách theo chuẩn quốc tế nhằm phản ánh chính xác tình trạng tài khóa, làm cơ sở cho sử dụng chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý nhằm giảm bội chi và kiểm soát lạm phát.

Thứ hai, cắt giảm các khoản chi tiêu công chưa thật cần thiết và kém hiệu quả bằng cách đề ra các tiêu chí, tiêu chuẩn để cắt bỏ, đình hoãn những công trình đầu tư kém hiệu quả hoặc chưa khởi công. Tuy nhiên, cần phải có cách đánh giá toàn diện hiệu quả chi tiêu công theo các lĩnh vực khác nhau, không nên cắt giảm đồng loạt các chi tiêu theo một tỷ lệ cố định nào đó, thực hiện rà soát, đánh giá chuyển vốn từ các công trình chưa khởi công, khởi công chậm, thủ tục chưa hoàn thành sang các công trình cấp bách, hiệu quả kinh tế cao hoặc hướng tới các lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể tham gia cùng. Ngoài ra, các khoản chi tiêu thường xuyên cũng cần được tra soát lại tất cả các khâu hoạt động để tổ chức lại bộ máy cho hợp lý hơn, cắt giảm các khoản chi chưa thật cần thiết.

Thứ ba, kiểm soát các khoản đầu tư công của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) bằng cách thành lập một Hội đồng thẩm định đầu tư của DNNN độc lập, nhiệm vụ của Hội đồng sẽ đánh giá, thẩm định toàn diện khách quan các dự án đầu tư của DNNN. Các kết luận của Hội đồng sau đó sẽ được công bố rộng rãi. Đồng thời, Hội đồng cũng đánh giá hiệu quả của DNNN theo các tiêu chí về lợi nhuận, công nghệ, tạo công ăn việc làm, đóng góp vào ngân sách... dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch các thông tin về hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục cổ phần hóa, tái cấu trúc các DNNN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn cho các doanh nghiệp tư nhân trên thị truờng.

Thứ tư, cải thiện nguồn thu ngân sách một cách bền vững hiệu quả. Hiện nay, theo lộ trình cam kết WTO Việt Nam phải cắt giảm thuế nhập khẩu với các nước trong khu vực và trên thế giới nên nguồn thu ngân sách tập trung chủ yếu vào thuế trong nước. Tuy nhiên, nếu tăng thuế để gia tăng nguồn thu sẽ không khuyến khích doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (nếu tăng thuế thu nhập doanh nghiệp) và không khuyến khích tiêu dùng của cá nhân hộ gia đình (nếu tăng thuế thu nhập cá nhân), làm giảm tổng cầu và tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, gánh nặng thuế cao sẽ khiến hệ thống thuế hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến tình trạng trốn thuế, phân bổ nguồn lực bị bóp méo.

Vì vậy, để gia tăng nguồn thu cần việc thực hiện khâu cải cách hệ thống thuế, đặc biệt thuế thu nhập cá nhân (hiện chiếm 2% tổng ngân sách của Việt Nam trong khi con số này ở các nền kinh tế phát triển đều lớn hơn 20%). Thực hiện đánh thuế vào một số nguồn thu nhập từ đầu tư như thuế thu nhập bất động sản, thuế thu nhập vàng, thuế thu nhập chứng khoán... Đây là những nguồn thu nhập lớn, sẽ góp phần tăng nguồn thu cho NSNN. Ngoài ra, muốn nguồn thu ngân sách tăng lên cần thực hiện triệt để nguồn thu, chống tình trạng trốn lậu thuế, tăng cường công tác kiểm tra nhằm chống và ngăn chặn hiện tượng khai báo thuế sai sự thật của các doanh nghiệp, cá nhân.