Môi trường kiểm soát chi thường xuyên tại Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi
Môi trường kiểm soát là nền tảng cho tất cả các yếu tố khác trong hệ thống kiểm soát nội bộ, tạo lập nề nếp kỷ cương, đạo đức, cơ cấu tổ cho tổ chức. Bài viết này, đánh giá môi trường kiểm soát cho thường xuyên ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi.
Sự liêm chính và giá trị đạo đức
Nhân tố này xác định thái độ cư xử chuẩn mực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thể hiện qua việc tuân thủ các điều lệ, quy định, đạo đức ứng xử của cán bộ công chức (CBCC). Để nâng cao đạo đức cán bộ công chức (CBCC) trong thi hành nhiệm vụ, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã ban hành nhiều quy định, quy chế nhằm cụ thể hóa đạo đức công vụ để triển khai áp dụng thực hiện trong hệ thống Kho bạc như: Quy định “10 điều kỷ luật” ban hành kèm theo Quyết định số 875/KB-QĐ-VP ngày 18/9/2002 của Tổng Giám đốc; Quy định tiêu chuẩn “05 xây, 05 chống” ban hành kèm theo Quyết định số 105/KB/QĐ/TCCB ngày 04/3/2005 của Tổng Giám đốc; Quy định tiêu thức “Văn minh, văn hóa nghề Kho bạc” ban hành kèm theo Quyết định số 831/QĐ-KBNN ngày 10/10/2006 của Tổng Giám đốc; Quy định tiêu chuẩn “Đạo đức, lối sống” ban hành kèm theo Quyết định số 1503/QĐ-KBNN ngày 30/11/2007 của Tổng Giám đốc KBNN... Kết quả, chất lượng đạo đức công vụ của đội ngũ CBCC KBNN đã được nâng lên rõ nét.
Năng lực nhân viên
Để phát triển nguồn lực và tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, KBNN Quảng Ngãi đã chú trọng đến việc xây dựng và phát triển lực lượng CBCC trên cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo tiêu chuẩn ngạch công chức và chức danh lãnh đạo.
Đến nay, trình độ chuyên môn của CBCC thực hiện kiểm soát chi (KSC) thường xuyên NSNN đều tốt nghiệp đại học trở lên (100%), số lượng nữ công chức chiếm hơn 60%. Như vậy là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu về chuyên môn và đặc điểm công việc của vị trí chuyên viên KSC.
CBCC có kinh nghiệm trong công tác chuyên môn liên quan đến KSC thường xuyên NSNN và kế toán nhà nước tại KBNN Quảng Ngãi chiếm trên 90%. Chính vì vậy, phần lớn hoạt động KSC thường xuyên NSNN tại đơn vị được thực hiện nhịp nhàng, hạn chế tình trạng lúng túng khi xử lý công việc và giao tiếp với khách hàng.
Tuy nhiên, độ tuổi trung bình của đội ngũ CBCC Phòng Kế toán Nhà nước lại khá cao, trên 50 chiếm đến một nửa, con số này thể hiện đội ngũ công chức dày dặn kinh nghiệm nhưng có khó khăn nhất định trong ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như cập nhật chính sách, chế độ mới...
Bên cạnh đó, số lượng CBCC tại KBNN Quảng Ngãi còn thiếu. Thời gian qua, thực hiện quy định, KBNN Quảng Ngãi cắt giảm nhân lực, dẫn đến số lượng CBCC ngày càng ít. Hơn nữa, Phòng KSC thường xuyên NSNN KBNN Quảng Ngãi được cấp 22 biên chế, nhưng hiện nay chỉ mới có 20 công chức, điều này tạo ra áp lực lớn trong công việc.
Triết lý quản lý và phòng cách lãnh đạo
Qua 30 năm xây dựng và phát triển, KBNN Quảng Ngãi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngoài các yếu tố như vai trò lãnh đạo của người đứng đầu, sự đoàn kết thống nhất của tập thể CBCC KBNN Quảng Ngãi, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ luôn được Ban lãnh đạo KBNN Quảng Ngãi đưa lên hàng đầu.
Ban lãnh đạo luôn xác định, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải gắn với công tác quy hoạch, bồi dưỡng tốt để có nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch; Đồng thời, quy hoạch là cơ sở để tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho CBCC nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của hệ thống KBNN.
Ban lãnh đạo KBNN Quảng Ngãi luôn giám sát thường xuyên mọi hoạt động của đơn vị, cung cách phục vụ của CBCC đối với khách giao dịch. Hàng năm đều có Biểu trưng cầu ý kiến để khảo sát lấy ý kiến của khách giao dịch về thái độ phục vụ của CBCC.
Lãnh đạo KBNN Quảng Ngãi luôn động viên và có chính sách quản lý giúp cho CBCC thoải mái trong khi thực thi nhiệm vụ, luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của CBCC. Khi CBCC hoặc người thân CBCC ốm đau hay gặp khó khăn trong cuộc sống Lãnh đạo KBNN luôn quan tâm thăm hỏi và động viên kịp thời về vật chất lẫn tinh thần.
Thực hiện tốt chính sách thi đua khen thưởng hàng quý, năm, kết quả xét thi đua hàng quý năm là thước đo đánh giá mức độ hoàn thành của CBCC. Mặt khác, KBNN Qnagr Ngãi luôn có chế độ khen thưởng đột xuất khi CBCC có sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại hiệu quả cho hoạt động ở đơn vị. Ngoài ra đơn vị cũng đã xây dựng quỹ khuyến học nhằm khuyến kích động viên CBCC và con em CBCC có thành tích cao trong học tập. Việc quan tâm của Lãnh đạo KBNN đã tạo thêm sức mạnh để CBCC yên tâm phục vụ cho đơn vị, CBCC làm việc với tinh thần trách nhiệm cao.
Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức bộ máy của KBNN Quảng Ngãi hiện nay đang thực hiện theo Quyết định số 1618/QĐ-BTC ngày 22/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm 01 Giám đốc, 01 số Phó giám đốc và 05 phòng chức năng, gồm: Văn phòng; Phòng Kế toán nhà nước; Phòng Kiểm soát chi; Phòng Thanh tra kiểm tra và Phòng Tài vụ - Quản trị.
Giám đốc chịu trách nhiệm toàn diện trước Tổng giám đốc KBNN và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của KBNN trên địa bàn tỉnh, thành phố. Phó Giám đốc chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công phụ trách.
KBNN Quảng Ngãi được tổ chức thành các phòng nghiệp vụ. Lãnh đạo các phòng nghiệp vụ là Trưởng phòng, phó phòng. Trong từng bộ phận, các trưởng phòng đều có sự phân định quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân trên cơ sở đánh giá năng lực thực tế và trình độ chuyên môn, đạo đức của mỗi CBCC.
Lãnh đạo đơn vị luôn đảm bảo tuân thủ nguyên tắc phân công phân nhiệm, bất kiêm nhiệm, phê chuẩn ủy quyền trong việc phân công cán bộ. Theo quy định hiện hành, nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán, hạch toán kế toán các khoản chi thường xuyên qua KBNN do Phòng Kế toán Nhà nước đảm nhận.
Nguồn nhân lực của bộ phận này hiện có là 20 CBCC, trong đó kế toán trưởng là người chịu trách nhiệm chung. Nhiệm vụ của từng cá nhân đều được phân công cụ thể, rõ ràng. Ngoài sự kiểm soát của Trưởng phòng, các cá nhân thực hiện nhiệm vụ đều có sự phối hợp và kiểm soát chéo lẫn nhau trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Chính sách nhân sự
Năng lực chuyên môn của người cán bộ KBNN là yếu tố quyết định hiệu quả KSC thường xuyên NSNN. Không làm tốt công tác này sẽ không phát hiện ra những thất thoát, lãng phí trong chi thường xuyên NSNN. Những năm qua, KBNN Việt Nam nói chung và KBNN Quảng Ngãi nói riêng ngày càng quan tâm đến việc tuyển dụng, đào tạo để nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ KBNN. Một trong những mục tiêu của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020: Là xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển vững chắc trên cơ sở cải cách thể chế, chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy, gắn với hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực để thực hiện tốt các chức năng: “Hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử”. Để đạt được những mục tiêu đó chính sách công tác tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được KBNN Quảng Ngãi hết sức chú trọng. Cụ thể:
- Chính sách tuyển dụng: Công tác tuyển dụng CBCC nói chung và CBCC làm nhiệm vụ KSC thường xuyên NSNN nói riêng cơ bản chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy định nhằm lựa chọn được những CBCC có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Chỉ tiêu biên chế công chức năm 2020 được KBNN Quảng Ngãi thực hiện theo Quyết định số 210/QĐ-KBNN ngày 10/6/2020. Cụ thể: Cơ chế tuyển dụng công chức được thực hiện công khai, khi có chỉ tiêu tuyển sinh ở KBNN cấp trên giao, đơn vị đều thông báo và áp dụng đúng với tiêu chuẩn, đúng chuyên ngành. Chỉ tiêu biên chế thực tế của đơn vị được tính toán trên cơ sở doanh số hoạt động, số lượng đơn vị giao dịch, lượng chứng từ giao dịch thường xuyên.
Trong phân công công việc và đánh giá kết quả, KBNN Quảng Ngãi đã thực hiện theo Luật CBCC; Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính và KBNN hiện hành. Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại CBCC được thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng quy trình, dân chủ, công khai, minh bạch.
Việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác từ chức vụ lãnh đạo đến công chức làm nhiệm vụ chuyên môn đã được KBNN Quảng Ngãi bố trí phù hợp. Về cơ bản nguồn lực công chức tuyển dụng mới đáp ứng tốt nhiệm vụ chuyên môn cũng như bù đắp kịp thời số CBCC nghỉ hưu hàng năm.
- Chính sách đào tạo và phát triển: Đối với đào tạo và phát triển, hàng năm KBNN Quảng Ngãi đều có đăng ký danh sách đào tào, bồi dưỡng đối với những CBCC trong diện quy hoạch hoặc CBCC làm nghiệp vụ để bổ sung kiến thức và nâng cao trình độ về mọi mặt của CBCC đáp ứng được yêu cầu ngày càng phát triển của hệ thống Kho bạc.
Nhằm tạo điều kiện cho CBCC tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do Bộ Tài Chính hoặc KBNN tổ chức, Lãnh đạo KBNN Quảng Ngãi đã sắp xếp, bố trí thời gian và có những chính sách hỗ trợ kinh phí nhất định. Cụ thể:
+ Đối với đào tạo sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ): KBNN Quảng Ngãi hỗ trợ kinh phí theo; cơ chế tài chính hiện hành cho công chức, viên chức theo học sau đại học các chuyên ngành phù hợp, bao gồm: Kinh tế, Tài chính, Kế toán, Ngân hàng.
+ Đối với đào tạo ngoại ngữ, tiếng dân tộc, tin học: KBNN Quảng Ngãi hỗ trợ chi phí để công chức viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhằm hoàn chỉnh tiêu chuẩn chức danh công chức theo quy định
Chế độ chi được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 2013/QĐ-BTC ngày 31/10/21018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị thuộc Bộ Tài chính; Quyết định số 1321/QĐ-KBNN ngày 21/3/2019 của Tổng Giám đốc KBNN ban hành Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức trong hệ thống KBNN và các văn bản hướng dẫn của KBNN.
Căn cứ vào chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng được giao, KBNN Quảng Ngãi triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2020 theo hướng dẫn của KBNN và cử công chức, viên chức tham gia đúng đối tượng quy định.