Một số lưu ý khi góp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Công ty Luật PLF

(Tài chính) Khi thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý về góp vốn đầu tư, mở và sử dụng tài khoản góp vốn đầu tư trực tiếp bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ, chuyển vốn cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư…

Một số lưu ý khi góp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Ảnh minh họa. Nguồn: plf.vn

Đầu tư trực tiếp là việc nhà đầu tư bỏ vốn để thực hiện những công việc như: thành lập tổ chức kinh tế với 100% vốn của nhà đầu tư trong nước hoặc 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài; thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC, BOT, BTO, BT; đầu tư phát triển kinh doanh; mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư; thực hiện việc sáp nhập, mua lại doanh nghiệp và các hình thức đầu tư trực tiếp khác theo quy định của pháp luật.

Nhà đầu tư có thể góp vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ. Việc nhà đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phải được thực hiện thông qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (sau đây gọi tắt là “tài khoản”).

Khi tham gia đầu tư thông qua hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, nhà đầu tư chỉ có thể mở 1 tài khoản bằng ngoại tệ đã lựa chọn tại 1 ngân hàng được phép, bao gồm ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh và cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư đi vay bằng một ngoại tệ khác với đồng tiền đã mở tài khoản thì có thể mở thêm 1 tài khoản bằng loại đồng tiền đi vay tại ngân hàng đã mở tài khoản ngoại tệ trước đó.

Trong trường hợp nhà đầu tư muốn mở tài khoản tại một ngân hàng được phép khác, trước hết phải đóng tài khoản đã mở và sau đó chuyển toàn bộ số dư sang tài khoản mới. Nhà đầu tư cần lưu ý rằng các giao dịch thu chi trên tài khoản mới mở chỉ được thực hiện sau khi đã đóng và tất toán tài khoản trước đó.

Trước khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư được phép chuyển vốn đầu tư vào Việt Nam để đáp ứng các chi phí hợp pháp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư theo thỏa thuận bằng văn bản của các bên liên quan và thông qua tài khoản nêu trên.

Nhà đầu tư cần lưu ý chuyển vốn ra nước ngoài trong các trường hợp sau:

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư: Nhà đầu tư phải tất toán phần vốn đầu tư đã chuyển vào Việt Nam trước khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Việc chuyển phần vốn thành vốn góp hoặc vốn vay nước ngoài được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan và các quy định của pháp luật Việt Nam.

Trường hợp không sử dụng hết phần vốn đầu tư: Nhà đầu tư được phép chuyển ra nước ngoài số vốn đầu tư còn lại bằng ngoại tệ, hoặc mua ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày mua được ngoại tệ đối với số vốn đầu tư đã chuyển ra đồng Việt Nam nhưng không chi tiêu hết tại Việt Nam.

Không được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc không tiếp tục thực hiện dự án đầu tư: Nhà đầu tư được chuyển ra nước ngoài số vốn đầu tư đã chuyển vào Việt Nam và khoản tiền lãi không kỳ hạn phát sinh (nếu có) sau khi trừ đi các chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động chuẩn bị đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư được mua ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày mua ngoại tệ đối với số vốn đầu tư đã chuyển ra đồng Việt Nam nhưng không chi tiêu hết tại Việt Nam.