Một số lưu ý trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn Quảng Ninh
Thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh rất sôi động, giá luôn biến động tăng. Tuy nhiên, trên thực tế việc mua bán BĐS còn chưa phản ánh đúng giá giao dịch thanh toán giữa người mua và người bán...
Với mô hình hoạt động của các nhà đầu tư tại Quảng Ninh, khi các dự án hoàn thành đủ điều kiện để chuyển nhượng BĐS cho cá nhân thì việc chuyển nhượng phải đảm bảo nguyên tắc theo quy định giá bán phải phù hợp với giá giao dịch trên thị trường, đồng thời người bán và người mua phải khai nộp các khoản thuế như thuế GTGT, thuế TNCN, thuế TNDN, lệ phí trước bạ… căn cứ giá thanh toán và không thấp hơn giá quy định của UBND tỉnh tại thời điểm chuyển nhượng.
Tuy nhiên, trên thực tế việc mua bán BĐS còn chưa phản ánh đúng giá giao dịch thanh toán giữa người mua và người bán; thực trạng về hoạt động chuyển nhượng BĐS vẫn còn tồn tại tình trạng người bán và người mua khai giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển nhượng không phù hợp với giá thực tế giao dịch dẫn đến kê khai thiếu các nghĩa vụ với NSNN nhằm mục đích gian lận về thuế phải nộp, trốn thuế.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo môi trường lành mạnh, bình đẳng, đảm bảo lợi ích của người dân và doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý một số nội dung sau:
Đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản
Chấp hành nghiêm quy định của Luật kinh doanh bất động sản, nghiêm cấm các hành vi sau: Kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản;
Quyết định việc đầu tư dự án bất động sản không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản; Gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản;
Huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết; Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Đối với các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản
Thực hiện nghiêm quy định về kinh doanh dịch vụ bất động sản, đáp ứng các điều kiện kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, cụ thể là: Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật Kinh doanh bất động sản;
Cá nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập nhưng phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế;
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản không được đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản; Sử dụng chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản không đúng quy định của Luật kinh doanh bất động sản.
Đối với các tổ chức hành nghề công chứng, Văn phòng đăng ký đất đai, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất
Khi xác lập hồ sơ về giao dịch bất động sản (mua bán, chuyển nhượng) có trách nhiệm hướng dẫn người mua và người bán khai giá ghi trên hợp đồng mua bán đúng giá giao dịch trên thị trường.
Mọi hành vi khai giá không đúng thực tế đều là hành vi vi phạm pháp luật về thuế và bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Việc ghi giá mua, bán trên hợp đồng mua, bán không đúng giá thực tế khi xảy ra tranh chấp thì người mua là người bị thiệt thòi về quyền lợi và người mua, người bán đều vi phạm pháp luật.
Đối với người mua, bán bất động sản
Việc kê khai giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán, chuyển nhượng hay trên các tờ khai xác định nghĩa vụ tài chính nhằm mục tiêu giảm số thuế phải nộp khi phát sinh khiếu nại, đền bù hoặc các tình huống pháp lý khác sẽ thiệt hại cho cả bên mua và bên bán.
Người mua, bán bất động sản khai giá không đúng thực tế thanh toán đều là hành vị vi phạm pháp luật về thuế và bị truy thu thuế, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, cụ thể:
- Về hành vi trốn thuế: Tại khoản 5 iều 143 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định hành vi được coi là hành vi trốn thuế “Sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp”.
- Hình thức xử phạt về hành vi trốn thuế: Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi trốn thuế chưa tới mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự thì người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế trốn và số tiền vi phạm từ một đến ba lần số tiền thuế đã trốn tùy theo mức độ, hành vi vi phạm.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, hành vi trốn thuế của cá nhân có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù; đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh thương mại vi phạm có thể bị phạt tiền hoặc đình chỉ hoạt động tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Để tăng cường quản lý đối với hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian tới, Cục Thuế Quảng Ninh phối hợp với các cơ quan quản lý về đất đai, tổ chức hành nghề công chứng tăng cường công tác kiểm tra, quản lý doanh nghiệp kinh doanh BĐS, người nộp thuế khi tham gia mua bán, chuyển nhượng BĐS thực hiện đúng các quy định của pháp luật về kinh doanh và chuyển nhượng bất động sản, thực hiện khai thuế, nộp thuế theo đúng giá thực tế giao dịch, đúng thời hạn quy định của pháp luật thuế.
Cục Thuế Quảng Ninh luôn đồng hành với NNT trong việc chấp hành chính sách pháp luật thuế, góp phần tạo môi trường lành mạnh, bình đẳng trong hoạt động kinh doanh bất động sản, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp.