Mua hàng hiệu trực tuyến đã đáng tin?

Theo thoibaonganhang.vn

Từ tháng 6 hàng năm, thị trường thương mại điện tử bắt đầu nhộn nhịp do nhiều doanh nghiệp (DN) tung khuyến mãi lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại thị trường Việt Nam, nhiều trang thương mại điện tử của những nhà bán lẻ đã kết hợp với các hãng sản xuất hàng tiêu dùng lớn triển khai kinh doanh trực tuyến. Bên cạnh đó, hình thức kinh doanh này đang dần lấy lại uy tín thông qua hàng hóa có thương hiệu, dịch vụ hậu mãi, cùng với các quy định chính sách, chế tài của nhà nước đã đầy đủ, chặt chẽ hơn.

Thị trường kinh doanh trực tuyến thế giới từ năm 2016 đã có sự thay đổi lớn từ những nhà đầu tư. Cụ thể, tại Trung Quốc, trang thương mại điện tử Alibaba đã thâu tóm lại Lazada toàn cầu. Việc thay đổi này đồng nghĩa với Alibaba sẽ tăng mạnh số lượng kho hàng hóa của mình phù hợp hơn, đa dạng hơn tại các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.

Alibaba muốn thông qua Lazada mang đến cho người tiêu dùng Việt nhiều sự lựa chọn về hàng hóa, dịch vụ và tiện ích hơn. Bởi Lazada đã am hiểu thị trường Việt Nam, có thể thúc đẩy bán hàng và dễ dàng đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng Việt.

Nhà đầu tư Thái Lan, sau thương vụ mua 49% cổ phần của Công ty Thương mại Nguyễn Kim, Central Group tiếp tục các thương vụ mua bán sáp nhập với mảng bán lẻ và thương mại điện tử ở Thái Lan và cả Việt Nam. Trong đó trang Zalora Việt Nam cũng đã thuộc về Tập đoàn Central Group, nhà đầu tư đã mua lại Big C Việt Nam. Hiện nay, Central Group đang hiện diện ngày càng mạnh ở thị trường bán lẻ Việt Nam từ trực tiếp đến trực tuyến. Lĩnh vực kinh doanh cũng mở rộng từ bán lẻ hàng thời trang, tiêu dùng đến bán lẻ hàng điện máy.

Nhà đầu tư Hàn Quốc cũng không muốn mất cơ hội tại thị trường thương mại điện tử Việt Nam, vì vậy vào cuối năm 2016, Lotte chính thức công bố trang mua sắm online Lotte.vn. Trang mua sắm online này sẽ cung cấp 100% sản phẩm của ai trong hệ thống của tập đoàn.

Bên cạnh mặt hàng thực phẩm, gia dụng của Lotte Mart, những sản phẩm thời trang và mỹ phẩm cao cấp từ các trung tâm thương mại Lotte được xác định là nhóm hàng mũi nhọn. Lotte cũng tự tin sẽ chiếm 20% thị phần của thị trường này trong hai năm tới tại Việt Nam.

Còn các DN trong nước, thời gian qua gần như đuối sức, không cạnh tranh lại với các trang thương mại nước ngoài. Hiện nay, trên thị trường có hai trang của DN nội lớn là Tiki và Adayroi.

Trong đó, trang Adayroi trực thuộc mảng bán lẻ VinCommerce của Vingroup. Vingroup đang tái cơ cấu nhằm kết nối từng hệ thống thương mại của Vingroup với việc kinh doanh trên trang thương mại điện tử Adayroi. Điều này xem như một cuộc tái cơ cấu của Vingroup để tạo một thương hiệu lớn của thương mại điện tử Việt Nam là trang Adayroi.

Ngoài ra, nhiều DN bán lẻ uy tín trong nước như Saigon Co.op lập trang thương mại điện tử dành cho người tiêu dùng nội trợ, Viettel lập trang thương mại điện tử bán đặc sản, Thế giới di động mở trang Vuivui.com và đây sẽ theo mô hình đại siêu thị online và hiện chỉ giao hàng tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), hiện nay các văn bản pháp lý, chế tài, quản lý chất lượng kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam gần như đầy đủ và hoàn thiện. Vì vậy, lòng tin của người tiêu dùng Việt cũng đã tăng đáng kể. Khảo sát tại các DN những tháng đầu năm 2017 cho thấy, đơn hàng điện tử của các DN ngày càng nhiều.

Như trang mạng Lazada, đơn hàng trung bình hiện tăng gấp 6 lần đơn hàng cùng kỳ năm 2016. Với một DN lớn (như Tiki, Nguyễn Kim, Adayroi…) trung bình nhận 15.000 - 20.000 đơn hàng/ngày. Cả DN nội lẫn DN ngoại đều đang chuyển mình rất mạnh. Với tổng giá trị giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử năm 2016 là 900 triệu USD, tăng hơn 50% so với năm 2015. Con số này ước tính đến năm 2020 sẽ tăng lên đến 5 tỷ USD.

Về chất lượng hàng hóa, qua thương hiệu mà những trang mạng đang kinh doanh có thể thấy, đến trên 85% hàng hóa có thương hiệu. Ví dụ như trong tháng 6/2017, tại Lazada có đến 40 thương hiệu lớn trong nước và quốc tế tung ra bán khuyến mãi, với rất nhiều nhóm ngành hàng như công nghệ thuộc thương hiệu Samsung, hàng gia dụng Sunhouse, mỹ phẩm L'Oreal, Vichy, Laneige… Tiki.vn có hàng loạt thương hiệu hàng tiêu dùng như Phillip, Samsung, Biti’s… Nguyễn Kim có trên 30 thương hiệu hàng điện máy của Nhật Bản như Sharp, Toshiba, Phillips, Elextrolux…

Chất lượng dịch vụ và hậu mãi của mua sắm trực tuyến cũng được nâng cấp hơn đã khiến thị trường thương mại điện tử Việt Nam ổn định hơn và hướng tới những khoản lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư trong thời gian tới.