Mua vàng phải xem kỹ nhãn mác

Theo thoibaonganhang.vn

Người tiêu dùng, khi mua vàng phải xem hàng cẩn thận, hoặc yêu cầu chủ cửa hàng phải ghi hóa đơn chi tiết về tỷ lệ, chất lượng vàng để hạn chế thiệt thòi khi đổi trả.

Người tiêu dùng phải cẩn thận xem thông tin vàng in trên sản phẩm trước khi mua. Nguồn: internet.
Người tiêu dùng phải cẩn thận xem thông tin vàng in trên sản phẩm trước khi mua. Nguồn: internet.

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) vừa công bố kết quả cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng trên phạm vi toàn quốc trong năm 2016 với nội dung “Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường trong kinh doanh vàng; về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ”.

Sau 3 tháng triển khai, Bộ KH-CN cho biết hành vi vi phạm phổ biến phát hiện được qua cuộc thanh tra chuyên đề năm nay là vi phạm quy định về nhãn hàng hóa (47% số lượt hành vi vi phạm); tiếp đến là vi phạm về đo lường (19% số lượt hành vi vi phạm). Đáng chú ý là hành vi vi phạm không đạt chất lượng (tuổi vàng) vẫn chiếm đến 15%.

Được biết, lần thanh tra này, Bộ KH-CN tiến hành khảo sát 2.942 cơ sở, thì có 761 cơ sở vi phạm với 1.060 lượt hành vi vi phạm. Trong đó, điều mà người tiêu dùng quan tâm nhất vẫn là chuyện khối lượng vàng mà các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng bán ra không đạt theo giá trị công bố chiếm 6% tổng số lượt hành vi vi phạm, và vi phạm không đạt chất lượng, chiếm 15%.

Như vậy, dù được cảnh báo và xử lý rất nhiều theo Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhưng số DN vi phạm liên quan đến gian lận tuổi vàng vẫn còn khá lớn (khoảng 26%). Điều này cho thấy, người tiêu dùng trong nước vẫn tiếp tục mất nhiều tiền để mua vàng nữ trang kém chất lượng.

Bức xúc với việc bán vàng không đúng quy định của một cơ sở kinh doanh vàng chợ Hòa Bình, Q10, TP. Hồ Chí Minh, chị Phạm Thị Thu Thủy chia sẻ, dù đã rất cẩn thận mua vàng ở tiệm vàng lớn nhất, và thương hiệu cũng được nhiều người biết đến, song chị vẫn “ăn quả đắng”. Số là mới đây, nhân đám cưới con gái, chị Thủy ra mua một bộ trang sức cưới trị giá 10 chỉ vàng với giá 35,4 triệu đồng/lượng.

Cửa hàng này cam kết với chị vàng bốn số chín và đủ tuổi. Sau đám cưới, con gái chị Thủy bất cẩn làm gãy kiềng đeo cổ, thế nên mang ra tiệm vàng gần nhà để bán lại thì cửa hàng này bỏ lên cân, tính toán tỷ lệ xong nói rằng vàng bị pha tạp chất, không đủ tuổi, nên không tính theo giá vàng bốn số chín. Có nghĩa là vàng được ghi 18K, nhưng hàm lượng vàng (hay còn gọi là tuổi vàng – phần trăm vàng có trong thành phần chính của sản phẩm vàng trang sức) không đạt 75% như quy định, mà chỉ khoảng 61%-68%.

Thực tế, câu chuyện mua phải vàng không đủ tuổi của người tiêu dùng Việt Nam diễn ra từ rất lâu và không phải hiếm. Có điều, đến thời điểm này, các DN kinh doanh vàng vẫn tiếp tục gian lận vì lợi nhuận là điều khiến người tiêu dùng phải suy nghĩ.

Và trưởng phòng kinh doanh của một công ty vàng lớn, chuyên bỏ sỉ vàng nữ trang cho biết, hiện có rất nhiều DN kinh doanh vàng đặt làm hàng tại công ty và nêu rõ yêu cầu làm vàng chừng đó tuổi. Đối với các công ty làm gia công, yêu cầu của khách hàng như thế nào thì sẽ thực hiện như vậy, vì đây là mối quan hệ cung-cầu tự nhiên.

Tuy nhiên, công ty sẽ không ghi trên sản phẩm là vàng 18K nếu số sản phẩm đó không đạt đúng tiêu chuẩn. “Chúng tôi chỉ có thể làm được đến đó, còn đối với người tiêu dùng, khi mua vàng phải xem hàng cẩn thận, hoặc yêu cầu chủ cửa hàng phải ghi hóa đơn chi tiết về tỷ lệ, chất lượng vàng để hạn chế thiệt thòi khi đổi trả”, vị này chia sẻ.

Theo báo cáo của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, sau 3 tháng phối hợp với Sở KH-CN để kiểm tra tình hình thực hiện quy định tại Thông tư 22, kết quả cho thấy đa phần các DN viết sai nhãn hàng hóa, còn vi phạm về chất lượng vàng không đúng như ghi trên nhãn thì ít hơn. Cụ thể, trong 30 DN đã kiểm tra thì chỉ có 2 DN vi phạm về hàm lượng vàng thực tế. Một lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, sau 3 năm thực hiện Thông tư 22, các DN đã tập trung hơn vào việc bán vàng đúng chất lượng.

Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, những lần kiểm tra của các cơ quan chức năng cũng chưa thể rà soát hết tất cả, vì các cơ sở kinh doanh vàng luôn có phương án đối phó tinh vi. Thế nên, việc “móc túi” người tiêu dùng của các đơn vị kinh doanh nữ trang bằng cách bán vàng thiếu tuổi vẫn đang tồn tại.

Thậm chí, ở một số địa phương nhỏ, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bán sản phẩm có 61% vàng, trên nhãn cũng ghi đúng như vậy, nhưng lợi dụng người tiêu dùng không để ý, họ vẫn nhập nhèm đồng giá các món hàng này với những sản phẩm vàng 18K. Theo đó, để hạn chế rủi ro, người tiêu dùng phải thật thận trọng khi chọn mua.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, tính đến thời điểm này, tem và nhãn trên nữ trang có thể xem là giấy khai sinh/giấy chứng thực cho sự nghiêm túc trong kinh doanh của DN. Trên tem thường có các thông tin cụ thể về hàm lượng vàng (ví dụ 99,99% vàng, 61% vàng), tên đơn vị sản xuất, ngày sản xuất, tên loại hàng hóa (ví dụ dây chuyền), khối lượng vàng (ví dụ 1 chỉ), khối lượng hột đá, ký hiệu cho chủng loại sản phẩm.

Do vậy, người tiêu dùng nếu thấy nhãn ghi rõ các thông tin trên, và thống nhất với thông tin ghi trên hóa đơn thì có thể yên tâm mua. “Đừng vì tin tưởng, chủ quan mà mua vàng ở những cửa hàng không có hóa đơn, hoặc thông tin in nhãn mác in trên sản phẩm không rõ ràng”, vị chuyên gia nói.

Một điều cần lưu ý nữa, là hiện tại đã có những quy định khắt khe để các tiệm vàng phải tuân thủ hàm lượng vàng, khối lượng vàng trong sản phẩm, nhưng lại không có quy định về việc sử dụng đá gì, phải niêm yết giá của hột đá… Trong khi đó, trên các sản phẩm nữ trang có đính đá thì giá hột đá rất khác nhau, tùy loại, tùy màu sắc, là đá tự nhiên hay nhân tạo. Vì vậy, người tiêu dùng phải thận trọng nếu mua nữ trang đính đá, nên chọn nơi uy tín, có hóa đơn mua hàng, nên tham khảo nhiều nơi vì thị trường đá hiện nay rất nhiều loại, nhiều giá khác nhau.