Mua xe máy trả góp hay mánh lới "cắt cổ" người tiêu dùng?

Theo vietq.vn

(Tài chính) Tưởng chừng rất “tiện và lợị” nhưng thực tế, mua xe máy trả góp lại đem tới nhiều hệ lụy phiền hà và đắt đỏ cho những người lựa chọn phương thức mua bán này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Không phải chi ngay một số tiền lớn để mua xe. Không phải thế chấp tài sản, chứng minh thu nhập, công chứng giấy tờ mà vẫn nhận được sự hỗ trợ tốt nhất để có thể mua được chiếc xe như mong muốn. Thế nhưng, tiện lợi bao nhiêu khi được sở hữu vật dụng mình đang cần một cách nhanh chóng, thì nhiều khách mua trả góp cũng sững sờ bấy nhiêu khi gặp phải những hệ lụy, rắc rối không lường trước được.

Mua xe máy trả góp “cắt cổ” người mua bằng lãi suất

Một nhân viên tư vấn đại lý xe Honda ở Cầu Giấy co hay, mua một chiếc xe trả góp hiện nay có thể chọn trả tối đa 70% trong 6 tháng, 12 tháng hoặc 24 tháng. Tuy vậy, những người mua xe trả góp thường chỉ có thu nhập trung bình nên thường chọn trả trước 30% xe với thời hạn 6-24 tháng, tùy vào nhà cung cấp dịch vụ cho vay mua trả góp.

Tuy nhiên, nếu tính chi tiết ra thì thực chất, mua xe trả góp lại là một hình thức cho vay lãi cao với lãi suất ‘cắt cổ’. Cụ thể, lãi suất mua trả góp hiện nay phổ biến từ 1,41- 1,91%/tháng, tương đương gần 17% và 23%/năm. Còn có thời điểm, lãi suất xe trả góp vượt 2,4% một tháng, tương đương gần 30%/năm.

Ví dụ, mua trả góp một chiếc xe với giá bán 37,5 triệu đồng, khách hàng được vay 70% giá trị xe (25,9 triệu đồng), lãi suất 3,5%/tháng (42%/năm). Nếu trả góp 9 tháng, mỗi tháng trả 3,767 triệu đồng (tổng số tiền phải trả 33,903 triệu đồng), còn trả góp 12 tháng, mỗi tháng trả 3,047 triệu đồng nên tổng số tiền phải trả là 36,564 triệu đồng. Cộng thêm hơn 15 triệu đồng (30% giá trị xe) trả lúc đầu, giá bán mỗi chiếc xe là hơn 50 triệu đồng. Trong số này, có khoảng 41 triệu đồng tiền xe, số còn lại là lãi phải trả.

Hậu mua xe máy trả góp là đủ thứ rắc rối...

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng mua trả góp, một số tổ chức tài chính đã liên kết cùng các đại lý, cửa hàng để đưa cả 2 loại lãi suất tính theo dư nợ ban đầu và dư nợ giảm dần vào hợp đồng mua bán. Như vậy, nếu khách hàng trả gốc và lãi hàng tháng sẽ không có vấn đề gì, nhưng nếu khách hàng kết thúc hợp đồng sớm sẽ nảy sinh vô số rắc rối.

Hơn nữa, phần lớn khách hàng mua trả góp chỉ quan tâm tới số tiền phải trả ban đầu và số tiền phải trả hằng tháng mà không tính xem tổng số tiền mình phải trả là bao nhiêu, hay nếu trả chậm, trả sớm thì sẽ phải chịu phạt như thế nào,... Vậy nên, ngay cả khi có tiền, người mua muốn trả hết số nợ của mình cũng không được, chẳng khác nào vay vốn ngân hàng mà trả trước thời hạn.

Để tránh được những rắc rối không đáng có như vậy, trước khi mua xe trả góp, người mua cần tính toán thật kỹ số tiền chênh lệch, lãi suất trả góp; yêu cầu ghi rõ mức lãi suất trong hợp đồng, cơ sở tính tiền phải trả hằng tháng… Cần nhìn nhận thực tế rằng, mua trả góp với lãi suất nào cũng là một hình thức vay tiền để tiêu dùng, vì vậy, cần có những tính toán cẩn trọng để không gặp rủi ro về tài chính phát sinh từ việc phải trả lãi suất cho khoản tiền vay và phí dịch vụ mua hàng trả góp.

Sập "bẫy" mua xe máy trả góp 0%

Trước tình hình kinh tế khó khăn và tình trạng ế ẩm kéo dài, nhiều cửa hàng kinh doanh xe máy nói riêng và các mặt hàng điện tử khác nói chung liên tục triển khai chương trình mua trả góp lãi suất 0%. Tuy nhiên ẩn sau những lời chào mời hấp dẫn này là các chiêu trò "móc túi" người tiêu dùng thông qua hàng loạt các loại “phụ phí”…

Khi mua các sản phẩm dạng này, khách sẽ phải thanh toán trước từ 30-50% giá trị, khoản còn lại sẽ được trả góp lần lượt trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm. Trong quá trình trả góp hàng tháng nếu khách hàng trả chậm ngày sẽ bị phạt từ 100.000 - 300.000 đồng. Còn nếu không trả được trong thời hạn quy định, người mua sẽ phải chịu mức lãi tương đương với lãi suất ngân hàng cho số tiền còn thiếu.

Tóm lại, mô hình chung của hình thức trả góp lãi suất 0% đã được xây dựng sao cho lợi ích lớn nhất luôn nằm về "phe" ngân hàng và bán sản phẩm. Còn người dùng, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên hoặc người có thu nhập thấp sẽ luôn bị "ảo tưởng" về quyền lợi hấp dẫn mà mình được hưởng.