Mức thuế và Đạo lý

Mạnh Bôn (Báo Đầu tư).

“Chính phủ thương dân, mình đại diện cho dân, mình có thương dân không?”. Phát biểu của Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn tại Phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi đã gây ấn tượng mạnh đối với đông đảo cử tri, thể hiện cao nhất bổn phận của người đại diện chân chính cho nhân dân.

Mức thuế  và Đạo lý
Trước khi diễn ra phiên thảo luận gay gắt này, dư luận xã hội ngỡ ngàng trước ý kiến thẩm tra Dự án Luật Thuế TNCN sửa đổi của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khi hạ mức thuế khởi điểm 9 triệu đồng theo tờ trình của Bộ Tài chính xuống 7 triệu đồng, với lý do việc nâng mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh sẽ khiến nguồn thu ngân sách bị giảm hàng chục ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, phương án của Bộ Tài chính nhận được sự ủng hộ tuyệt đối (trừ đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách) của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Công tâm mà xét, cả phương án của Bộ Tài chính và phương án của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (khởi điểm chịu thuế 7 triệu đồng, giảm trừ gia cảnh 2,8 triệu đồng/người/tháng) đều hướng đến mục tiêu bảo đảm công bằng xã hội; bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; tạo điều kiện cho người dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; tạo nguồn thu bền vững để thực hiện các chính sách an sinh xã hội…

Thế nhưng, Bộ Tài chính - cơ quan nắm giữ “ngân khố quốc gia” vẫn mạnh dạn đề xuất nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng và giảm trừ gia cảnh lên 3,6 triệu đồng - gấp 2,25 lần so với hiện nay, cho dù nhìn thấy ngân sách sẽ giảm thu ngay 5.600 tỷ đồng vào năm 2013 và 13.350 tỷ đồng vào năm 2014.

Cũng như phương án của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, phương án của Bộ Tài chính đưa ra cũng là vì dân, bảo đảm công bằng xã hội. Nhưng khác với Ủy ban Tài chính - Ngân sách lo ngại nếu nâng mức khởi điểm quá cao sẽ làm giảm nguồn thu, ngân sách không có nguồn để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, thì Bộ Tài chính có cái nhìn “vì dân” dưới góc độ khác, vì dân dưới góc nhìn rộng hơn, toàn diện hơn đó là nhìn vào đời sống của đại đa số người dân, trong đó có cả những người đang phải nộp thuế TNCN ngày một khó khăn hơn do giá cả tiêu dùng tăng cao liên tục khiến thu nhập thực tế ngày càng giảm.

Giá điện, xăng dầu, gas, viện phí, học phí… đang tiệm cận với cơ chế thị trường. Kể từ năm 2009 đến nay, giá điện đã tăng tổng cộng 5 lần. Giá xăng dầu cũng đã tăng tới 5 lần chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây cho… phù hợp với thị trường thế giới. Giá gas cũng đã chính thức tăng. Nhiều loại giá dịch vụ không liên quan gì đến thị trường thế giới như viện phí, học phí cũng đã, đang và còn tiếp tục tăng. Các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tăng, người dân ngày càng phải “móc hầu bao” nhiều hơn để trang trải các khoản chi phí tối thiểu trong cuộc sống, kể cả vấn đề nhà ở. Đây là lý do quan trọng nhất để Bộ Tài chính quyết định đề xuất nâng khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng và phù hợp với đạo lý người Việt Nam.

Đề xuất của Bộ Tài chính cũng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng – người đã có nhiều năm là người đứng đầu Bộ Tài chính chia sẻ là, người dân phải có trách nhiệm nộp thuế, song “trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, mức 7 hay 9 triệu đồng đã gọi là thu nhập cao chưa? Tôi áng cỡ Chính phủ đưa ra mức 9 triệu đồng là chưa cao, chỉ đủ sống thôi”.

Việc đề xuất nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng của Bộ Tài chính đã và đang nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi đây là hành động dũng cảm, nếu không muốn nói là hành động dũng cảm nhất từ trước đến nay của cơ quan nắm giữ ngân khố quốc gia. Hy vọng, trên đà này, thời gian tới, Bộ Tài chính dũng cảm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% thay vì mức 25% như hiện nay; rà soát để giảm hoặc bãi bỏ các loại phí không còn phù hợp, giảm gánh nặng chi phí về thuế, phí cho doanh nghiệp và xã hội.

Vấn đề đặt ra lúc này là, Bộ Tài chính phải thuyết phục được Quốc hội thông qua phương án của mình. Muốn vậy, ngay từ bây giờ, song song với công tác hoàn thiện Dự thảo Luật thuế TNCN, Bộ Tài chính phải chuẩn bị các tài liệu, số liệu, phương án để báo cáo với Quốc hội các giải pháp chống gian lận thuế, chống thất thu, chống chuyển giá, chống trốn thuế nhằm tạo nguồn bảo đảm các chính sách an sinh xã hội, trợ giúp người nghèo, người có công…