Mỹ chấm dứt QE, Trung Quốc lo lắng
(Tài chính) Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang có những tín hiệu tiêu cực về khả năng sụt giảm tăng trưởng trong năm nay, giới chuyên gia nhận định, việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chấm dứt các gói cứu trợ (QE) đã tác động không nhỏ tới sức khỏe kinh tế của Bắc Kinh.
FED đã quyết định chấm dứt toàn bộ các gói cứu trợ từ tháng 11/2008, được đưa ra nhằm cứu giúp nền kinh tế Mỹ vượt qua cuộc đại suy thoái 2007-2009, nhưng vẫn giữ nguyên tỷ lệ lãi suất thấp nhằm kích thích đầu tư và tín dụng. Chấm dứt chương trình cứu trợ được nhìn nhận là bước ngoặt quan trọng trong chính sách tài chính của Mỹ.
Thông báo của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) nêu rõ, với 3 gói cứu trợ, trong 6 năm qua FED đã tung vào thị trường tổng cộng 4.400 tỷ USD để mua lại các trái phiếu dài hạn có liên quan tới thế chấp nhằm giữ tỷ lệ lãi suất cơ bản ở mức thấp, qua đó kích thích đầu tư, tín dụng và giúp thúc đẩy đà phục hồi kinh tế.
Để đi tới chấm dứt toàn bộ chương trình này, trong một năm trở lại đây, FED đã từng bước cắt giảm gói cứu trợ thứ ba (QE-3) từ mức 85 tỷ USD/tháng xuống 15 tỷ USD trong tháng 10 này. Thông báo cũng cho biết toàn bộ 12 thành viên của FOMC đã bỏ phiếu nhất trí tiếp tục duy trì thêm một thời gian nhất định tỷ lệ lãi suất các khoản vay qua đêm liên ngân hàng thương mại ở mức 0-0,25% từ tháng 12/2008 tới nay.
Nguyên nhân dẫn tới quyết định chấm dứt toàn bộ chương trình cứu trợ được giải thích là FED tin tưởng rằng sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục, cho dù kinh tế toàn cầu đang có chiều hướng phát triển chậm lại. Một nguyên nhân nữa là thị trường việc làm của Mỹ trong 8 tháng qua liên tục được cải thiện với tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9 giảm từ 6,1% xuống 5,9%. Đây là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất ở Mỹ trong 6 năm qua.
Thông báo cho biết, nhiệm vụ của FED trong thời gian tới là giữ tỷ lệ lạm phát ở mức 2% và tiếp tục hỗ trợ thị trường việc làm trở lại mức bình thường với tỷ lệ thất nghiệp khoảng 5%. Các chuyên gia dự báo nhiều khả năng FED tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất cơ bản gần như bằng 0% cho tới giữa năm 2015.
Đánh giá về những tác động từ quyết định này của FED đối với phần còn lại của thế giới, giới chuyên gia nhận định về những nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống tài chính toàn cầu vốn phụ thuộc vào nguồn cung USD dồi dào với giá rẻ.
Không phải ngẫu nhiên mà nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS trong năm nay đã vội vã thành lập quỹ dự trữ ngoại hối trị giá 100 tỷ USD để giúp chống lại cuộc khủng hoảng cán cân thanh khoản, được nhìn nhận như một bước đi phòng ngừa các nguy cơ tiềm ẩn từ chính sách của Washington. Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng cảnh báo việc FED chấm dứt các gói QE tất yếu sẽ dẫn tới lãi suất tăng, điều này không chỉ đe dọa các doanh nghiệp cần tiền mà còn tác động mạnh đến thị trường giao dịch vàng, dầu thô hay chứng khoán toàn cầu.
Riêng đối với nền kinh tế Trung Quốc, tác động sẽ rất rõ nét. Theo nhà kinh tế trưởng của HSBC, ông Qu Hongbin, các QE đã giúp nền kinh tế Mỹ phục hồi trong khi Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đối mặt với nguy cơ tái suy thoái, còn Nhật Bản vẫn rất mong manh và Trung Quốc chịu áp lực từ suy giảm kinh tế. Tỷ giá đồng USD tăng 1% sau thông báo của FED và đồng USD sẽ tác động mạnh tới đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc, làm gia tăng sức ép đối với nền kinh tế đang chững lại của Bắc Kinh.
Chia sẻ quan điểm này, ông Guan Qingyou, chuyên gia phân tích cấp cao của Sàn chứng khoán Minsheng, dự đoán đồng USD mạnh sẽ kéo dài trong trung và dài hạn, tác động tới thị trường vàng và giá cả hàng tiêu dùng. Các quỹ dự trữ bằng đồng NDT sẽ giảm và buộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) phải thay đổi các kênh cung tiền. Thể chế này dự định sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ trong năm tới để bơm thêm tiền vào thị trường và nới lỏng định lượng.
Ngoài ra, theo ông Guan, việc Washington chấm dứt QE cũng tác động xấu tới đà phục hồi xuất khẩu và Trung Quốc có thể buộc phải đưa ra các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng và cải cách nền kinh tế. Các doanh nghiệp xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn từ việc đồng NDT tăng giá so với các đồng tiền khác.
Trong khi đó, ông Ma Guangyuan, một chuyên gia kinh tế tại Bắc Kinh, cho rằng chấm dứt QE sẽ tác động tới các thị trường mới nổi trên hai phương diện, đó là dòng vốn đồng USD từ các nền kinh tế mới nổi sang Mỹ và đồng USD mạnh lên. Điều này tác động trực tiếp tới Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ không được phép phạm sai lầm trong các chính sách tiền tệ.