Mỹ giục các nước mới nổi tăng giá tiền tệ
Theo FED, việc này sẽ giúp các nước tái cân bằng nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, củng cố các lực đẩy nội địa và hạn chế lạm phát nhập khẩu.
Kể từ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tung gói nới lỏng QE3, các nước mới nổi luôn phàn nàn rằng chính sách này sẽ làm hại đến nhiều đối tác thương mại của Mỹ. Họ cho rằng việc FED in tiền sẽ thôi thúc mọi người sẽ tìm đến những kênh đầu tư khác, làm tăng dòng vốn nóng đổ vào các nền kinh tế ít phát triển hơn. Việc này sẽ gây ra lạm phát và bong bóng tài sản tại nước họ, khiến nội tệ tăng giá và ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu tại Hội nghị thường niên IMF/WB ở Tokyo (Nhật Bản) cuối tuần trước, ông Bernanke cho rằng các nước này có thể làm chậm lại dòng vốn và giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của việc này bằng cách cho nội tệ tăng giá. Thế nhưng, phần lớn họ đều đang làm theo cách ngược lại.
Ông nhận định: "Các nền kinh tế mới nổi đều ngăn nội tệ tăng giá để thúc đẩy xuất khẩu và củng cố tăng trưởng. Tuy nhiên, việc này chỉ khiến họ càng phụ thuộc vào tiền tệ và dễ bị ảnh hưởng bởi lạm phát nhập khẩu". Những tuyên bố trên của ông Bernanke được cho là nhắm vào Trung Quốc. Vì thời gian gần đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này luôn can thiệp mạnh vào thị trường hối đoái để giữ đồng NDT neo chặt với USD.
Bình luận trên được đưa ra sau khi nhiều nhà hoạch định chính sách các nước chỉ trích động thái nới lỏng của FED. Bộ trưởng Tài chính Brazil, Guido Mantega, thậm chí còn kết tội FED khơi mào một "cuộc chiến tiền tệ".
Ông Bernanke đã từng phát biểu tương tự trước đây. Tuy nhiên, tuyên bố lần này lại được đưa ra đúng thời điểm nhạy cảm khi FED thực hiện gói nới lỏng QE3 trong tháng 9 để kích thích kinh tế. Việc này đã làm dấy lên làn sóng phản đối trên khắp thế giới.
Ông Bernanke cho rằng ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế mới nổi nên "ngừng việc can thiệp vào thị trường hối đoái để cho phép nội tệ tăng giá". Bằng cách đó, họ mới có nhiều thời gian để đối phó với lạm phát khi cần thiết. Việc này cũng cho phép các nước tái cân bằng nền kinh tế để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và củng cố các lực đẩy nội địa. Các nhà hoạch định chính sách cũng có thể sử dụng chi tiêu công và thuế để hỗ trợ nền kinh tế nếu cần.
Bernanke cho rằng: "Việc tái cân bằng các lực đẩy trong nước và nước ngoài không chỉ giúp họ duy trì tăng trưởng trong ngắn hạn, mà còn mang lại lợi ích trong dài hạn khi kinh tế toàn cầu bền vững và ổn định hơn".
Chủ tịch FED cũng đưa ra nhiều lý do bảo vệ cho chính sách nới lỏng của mình. Thứ nhất, những biện pháp này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khi các nước phát triển phục hồi kinh tế, nhu cầu sẽ tăng lên, khiến thương mại của các nước mới nổi cũng khởi sắc theo.
Ngoài ra, chính sách của FED cũng không phải yếu tố duy nhất làm tăng dòng tiền nóng vào các nền kinh tế mới nổi trong những năm gần đây. Theo ông, nguyên nhân là các nước đang phát triển tăng trưởng nhanh hơn các nước phát triển. Chính việc này đã hấp dẫn các nhà đầu tư.
Cuối cùng, tốc độ yếu đi của đồng USD là không đáng kể nếu so sánh với các đồng tiền khác. Ông cho biết: "Kể từ giữa năm 2008, trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế làm ảnh hưởng đến đồng USD, đồng tiền này mới chỉ giảm một chút so với nội tệ của các nền kinh tế mới nổi".