Mỹ, Nhật hoài nghi ý đồ của Trung Quốc trong việc lập AIIB
(Tài chính) Tokyo đang rất cảnh giác việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tới các nước châu Á thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính. Còn Mỹ đã tỏ ý hoài nghi về ý đồ thực sự của Trung Quốc trong việc thành lập AIIB.
Ông Seiler cho hay: “Khi nói đến sự cần thiết của một thể chế tài chính tham gia vào quá trình phát triển cơ sở hạ tầng, chúng ta đã có WB, ADB. Các thể chế tài chính này đã duy trì các tiêu chuẩn cao về các vấn đề như quản trị, môi trường, an toàn xã hội, vậy thì Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng sẽ thực hiện các tiêu chuẩn trên như thế nào và đóng góp thêm các giá trị gì cho các thể chế tài chính đa phương hiện hành vốn đã tồn tại trong nhiều năm qua?"
Ông Seiler cũng cho biết, đối với Mỹ, ADB tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong hoạt động phát triển hạ tầng cơ sở trong khu vực. Ông cũng lưu ý rằng các biện pháp cải cách đang được tiến hành tại ADB nhằm tăng khả năng cho vay, trong khi WB cũng đã tiến hành cải cách để tăng gấp đôi khả năng cho vay của mình.
"Chúng tôi thấy các thể chế tài chính hiện hành rất hữu hiệu, đóng vai trò trung tâm trong việc đáp ứng các nhu cầu của khu vực. Và đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục chờ đợi và quan sát xem liệu AIIB có thực sự mang lại thêm các giá trị mới cho các thể chế hiện hành", ông Seiler nói.
Khi được hỏi liệu Mỹ có khuyến cáo Hàn Quốc phải thận trọng về việc tham gia AIIB hay không, quan chức trên nói: "Thậm chí nếu chúng tôi (Mỹ) không làm như vậy thì tất cả các nước đã từng tham gia đóng góp và làm việc với ADB và WB cũng sẽ có câu hỏi tương tự (với Hàn Quốc)".
Phát biểu trên của ông Seiler được xem là một thông điệp gửi tới Seoul rằng nước này không nên tham gia vào dự án thành lập AIIB, mà Trung Quốc đang cố gắng thiết lập như một đối trọng với ADB, do Mỹ và Nhật Bản lãnh đạo.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh Trung – Hàn tại Seoul vào cuối tuần trước, Trung Quốc đã chính thức đề nghị và nhận được phản hồi tích cực từ phía Hàn Quốc về việc tham gia vào dự án thành lập ngân hàng trên, khi Seoul nói rằng một ngân hàng như vậy sẽ giúp thúc đẩy phát triển và tăng trưởng kinh tế khu vực và nước này “sẽ xem xét đề xuất trên”.
Trước yêu cầu góp vốn thành lập AIIB của Trung Quốc, trong cuộc họp song phương cuối tháng Sáu, phía Nhật Bản đã tạm thời không đáp ứng yêu cầu này. Báo Sankei dẫn tuyên bố rằng, Nhật Bản sẽ chưa tham gia kế hoạch do chưa làm rõ, phân biệt được vai trò của AIIB so với ADB, do Nhật Bản đóng vai trò chủ đạo.
Cho đến nay, tại các diễn đàn chính thức, phía Nhật Bản chưa từng tuyên bố sẽ tham gia vào kế hoạch thành lập AIIB. Tokyo đang rất cảnh giác việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tới các nước châu Á thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính. Nhật Bản hiện đang ngấm ngầm hợp tác với Mỹ vận động các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hàn Quốc và Australia trì hoãn góp vốn cho AIIB.
Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh quá trình đàm phán, tác động nhằm đạt được thỏa thuận với các nước vào mùa thu năm nay. Nếu tranh chấp Nhật Bản - Trung Quốc trong việc thành lập AIIB trở nên quyết liệt thì có thể sẽ ảnh hưởng tới hợp tác kinh tế ở châu Á.
Ý tưởng thành lập AIIB do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng. Theo đó, Trung Quốc kêu gọi các nước lớn ở châu Á, Trung Á, Trung Đông... đóng góp tài chính vào AIIB, qua đó hỗ trợ tài chính để các nước đang phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng.