Mỹ sẽ gỡ mác thao túng tiền tệ cho Trung Quốc trước thềm ký thoả thuận thương mại
Theo hãng tin Bloomberg, Mỹ sẽ gỡ mác thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc, trước khi hai bên dự kiến ký kết thoả thuận thương mại giai đoạn 1 vào ngày 15/1 tới.
Vào tháng 8 năm ngoái, chính quyền Mỹ đã gắn mác thao túng tiền tệ cho Trung Quốc, sau khi ngân hàng trung ương nước này hạ giá đồng nhân dân tệ (CNY), trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung leo thang. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Trung Hoa (PBoC) đã để đồng CNY hạ giá với tỷ lệ quy đổi 7 CNY bằng 1 USD, nhằm trả đũa việc Washington chuẩn bị áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập từ nước này.
Sau thông tin Washington dự định gỡ mác thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc, thị trường chứng khoán Mỹ đã ngay lập tức có phiên khởi sắc hôm thứ Hai, với chỉ số Dow Jones tăng 0,17%, S&P 500 tăng 0,51% và Nasdaq tăng 0,83%. Động thái mới nhất này từ chính quyền Trump được giới đầu tư xem là bước tạo đà cần thiết cho buổi ký kết thoả thuận thương mại sắp sửa diễn ra.
Theo đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào ngày 15/1 tới - bước đi nhằm hạ nhiệt căng thẳng cuộc chiến thương mại vốn đã kéo dài 18 tháng qua. Động thái này cũng chính là cam kết của Bắc Kinh về một lễ ký kết mà ông Trump đã tuyên bố trước đó.
Được biết, nếu ký kết thành công, Trung Quốc sẽ tiến hành mua một số lượng lớn hàng hóa Mỹ với trị giá 200 tỷ USD trong hai năm tới. Đồng thời, ông Trump mong Trung Quốc sẽ mua từ 40 - 50 tỷ USD nông sản Mỹ. Ở chiều ngược lại, Mỹ sẽ giảm thuế cho sản phẩm Trung Quốc, song vẫn kỳ vọng duy trì mức thuế khoảng 380 tỷ USD.
"Trong khi một số dấu hỏi xoay quanh thỏa thuận lần này vẫn còn, mà chủ yếu là việc liệu nó có đủ để giải quyết các vấn đề cốt lõi hay không, và hai bên cam kết tuân thủ như thế nào, thì nhìn chung, giới đầu tư lạc quan rằng lễ ký kết sẽ đánh dấu một sự khởi đầu tốt hơn cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc", Raffi Boyadjian - chuyên viên phân tích đầu tư cấp cao tại công ty tư vấn giao dịch ngoại hối XM nhận định.
Dẫu vậy, các nhà sản xuất và cung ứng Trung Quốc vẫn lo rằng, thỏa thuận này có thể bị trì hoãn dù đã được ký kết. Thậm chí, khi Washington quyết định hoãn tăng thuế như dự kiến vào tháng 12 năm ngoái, thì nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vẫn lo ngại về những tác động tiêu cực của hàng rào thuế quan đã được Mỹ áp trên hàng Trung Quốc, cũng như số đơn đặt hàng sụt giảm do thương chiến.
Theo ông Alfred Wong - CEO của D&S Products Manufactory, dù Mỹ và Trung Quốc đi tới ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, thì không rõ liệu tình hình sau đó có thay đổi hay không. Còn theo chuyên gia kinh tế Iris Pang ING, "hành động rút lại thuế quan có thể chỉ mang đến lợi ích cho một nhóm rất nhỏ các nhà xuất khẩu".
Theo tờ Wall Street Journal ngày 11/1, cả Trung Quốc lẫn Mỹ hiện đều có kế hoạch duy trì các cuộc gặp khoảng nửa năm một lần giữa ông Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhằm giải quyết tranh chấp thương mại. Theo một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump, những cuộc gặp này có thể sẽ "rất khác" với các cuộc đàm phán thương mại và sẽ tách biệt khỏi phần thảo luận liên quan đến thỏa thuận thương mại giai đoạn 2.