Mỹ tăng thuế chống trợ cấp tôm đối với Việt Nam - Quyết định không hợp lý

Theo Sài Gòn Giải phóng

Các doanh nghiệp xuất khẩu và nhiều hộ nuôi tôm ở ĐBSCL đang lo lắng khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa có quyết định sơ bộ, cho rằng các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam được trợ cấp từ Chính phủ Việt Nam nên DOC áp thuế chống trợ cấp tôm nước ấm từ Việt Nam lên mức rất cao 5,08% - 7,05%. Đây là mức thuế vô cùng bất lợi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ.

Mỹ tăng thuế chống trợ cấp tôm đối với Việt Nam - Quyết định không hợp lý
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

600.000 người bị ảnh hưởng


Theo quyết định sơ bộ của DOC, Công ty CP Tập đoàn Minh Phú và Công ty Nha Trang Seafoods F17 chịu mức thuế suất riêng lần lượt 5,08% và 7,05%; mức thuế toàn quốc cho các công ty khác phải chịu là 6,07%.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, phán quyết sơ bộ của DOC áp đặt lên các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm của Việt Nam là bất công, bởi các doanh nghiệp đang hoạt động theo cơ chế thị trường, không nhận trợ cấp của nhà nước trong nhiều năm qua. Đây là quyết định không công bằng khi đánh 2 loại thuế lên cùng một sản phẩm, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 600.000 nông dân nuôi, công nhân chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Cùng bất bình với phán quyết trên, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Minh Phú bức xúc, mức áp thuế trên sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm xuất khẩu gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Về cơ bản, trước nay các doanh nghiệp ngành tôm chủ động mọi hoạt động của đơn vị mình, không có chuyện nhận trợ cấp từ nhà nước. Kể cả khi vay vốn từ các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp cũng tự quan hệ để tìm mức lãi suất hợp lý với điều kiện kinh doanh của công ty.

Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau nhìn nhận, nghề nuôi và xuất khẩu tôm là thế mạnh kinh tế của tỉnh; mục tiêu phấn đấu xuất khẩu tôm năm 2013 đạt 1 tỷ USD. Thời gian qua thị trường Mỹ đóng vai trò khá quan trọng trong xuất khẩu tôm, do đó việc tăng thuế của DOC sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và cả người nuôi tôm. Tỉnh Cà Mau đang tích cực phối hợp cùng các bộ ngành liên quan, VASEP, luật sư, doanh nghiệp… để chứng minh quyết định sơ bộ trên là không hợp lý.

Thêm một bài học kinh nghiệm

Theo dự kiến ngày 10/8 tới, DOC mới ra phán quyết cuối cùng. Hiện tại, VASEP và các bộ ngành chức năng đang xúc tiến làm việc với luật sư phía nguyên đơn về những điều chưa hợp lý nhằm kéo giảm mức áp thuế xuống thấp nhất. Nỗ lực đối phó như vậy, song cũng cần phải rút kinh nghiệm về những hạn chế trong khâu điều hành ngành tôm thời gian qua.

Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang, trăn trở: “Chúng tôi chưa rõ DOC cáo buộc về trợ cấp những vấn đề nào đối với ngành tôm. Tuy nhiên, chúng ta cũng không cẩn thận khi thời gian qua công bố về việc hỗ trợ hóa chất chlorine cho người dân xử lý mầm bệnh, môi trường nuôi tôm; rồi đề xuất hỗ trợ 20 triệu đồng/ha tôm chết; kể cả chủ trương ưu đãi lãi suất 10%/năm dành cho thủy sản. Vì vậy nên xem lại có phù hợp hay không khi công bố, bởi chúng ta đã hội nhập quốc tế”.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, một số chính sách ưu đãi chế biến, xuất khẩu tôm vẫn còn ở dạng “trên giấy” chứ thực tế chưa ai được hưởng. Tuy nhiên, do chúng ta không khéo nên vô tình làm các nước hiểu nhầm, từ đó dẫn đến những bất lợi đáng tiếc.

“Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn, ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu lo lắng, 2 năm nay hàng loạt hộ nuôi tôm bị thiệt hại rất lớn bởi đại dịch ập đến làm tôm nuôi ở hàng trăm ngàn hécta chết như ngã rạ. Hiện nay đã là tháng 6, vụ thả nuôi tôm năm 2013 gần đi qua nhưng tình trạng tôm chết chưa khống chế được và rất nhiều cánh đồng tôm “phơi ao” không dám thả nuôi vì dịch bệnh. Có thể nói, người nuôi tôm đang chơi vơi giữa biển nhưng chưa tìm được chiếc phao để vào bờ và nguy cơ “chết chìm” rất lớn.

Ông Ngoãn cho rằng, việc nông dân nuôi tôm cần nhất hiện nay là nhờ ngành chức năng kiểm soát chặt mầm bệnh trên con giống, làm sao cung ứng được cho dân giống tôm chất lượng để nuôi, nhằm tránh thiệt hại. Đầu tư hệ thống thủy lợi hiện còn rất yếu kém, môi trường nuôi đang xuống cấp trầm trọng và có biện pháp khống chế dịch bệnh. “Nếu nhà nước làm được những việc trên, tự thân nghề nuôi tôm sẽ phục hồi trở lại và người dân an tâm sản xuất” - ông Ngoãn đề xuất.

Diễn biến vụ tăng thuế chưa biết ra sao, nhưng trước mắt giá tôm ở ĐBSCL bắt đầu sụt giảm. Hiện tôm thẻ loại 40 con/kg giá 160.000 đồng/kg; loại 50 con/kg giá 130.000 đồng/kg; loại 70 con/kg giá 109.000 đồng/kg; loại 90 con/kg giá 96.000 đồng/kg… bình quân giảm 2.000 - 5.000 đồng/kg so thời điểm DOC chưa đưa ra quyết định sơ bộ tăng thuế. Nhiều nông dân nuôi tôm ở ĐBSCL nhìn nhận, khi DOC tăng thuế khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn nên doanh nghiệp sẽ giảm giá mua tôm nguyên liệu xuống thấp. Cuối cùng nông dân vẫn là người chịu thiệt.