Năm 2013 sẽ xử lý xong các công ty chứng khoán yếu kém?

Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ năm 2013, tư duy mới trong tái cơ cấu Công ty Chứng khoán (CTCK) sẽ được vận hành, nhằm cơ bản xử lý xong nhóm CTCK ốm yếu trong năm nay như mục tiêu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đề ra.

Năm 2013 sẽ xử lý xong các công ty chứng khoán yếu kém?
Hiện có 3 CTCK bị đình chỉ hoạt động và 11 CTCK trong diện kiểm soát đặc biệt

Trông chờ vào một “bảo bối”

Từ năm 2012 trở về trước, việc xử lý các CTCK ốm yếu phần nhiều trông chờ vào “bảo bối” duy nhất là Thông tư 226/2010. Nói cách khác, ở phương diện xử lý hành chính, UBCK chỉ có thể “xử” CTCK khi vi phạm các quy định về an toàn tài chính, mà chưa có các biện pháp kịp thời và hữu hiệu trong xử lý các hành vi vi phạm khác.

Trong số các hành vi khác gây bức xúc cho thị trường, phải kể đến hiện trạng “nóng” hơn cả là trường hợp CTCK “đánh cắp” chứng khoán và tiền trong tài khoản của NĐT. Dẫu biết các sai phạm này có dấu hiệu cấu thành vi phạm hình sự, nhưng điều thị trường luôn mong đợi là ở phương diện quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán, UBCK không thể không kịp thời có hình thức xử lý. Thực tế, trong các lĩnh vực kinh tế, việc xử lý hành chính thường có tác dụng phòng ngừa, răn đe nhanh hơn xử lý hình sự. Lý do là bởi thường mất cả năm, thậm chí vài năm mới có thể xử lý được một vụ hình sự liên quan đến vấn đề kinh tế. Những cái tên CTCK như Tràng An, Golden Bridge Việt Nam… được liên tục nhắc đến trong năm qua, như là những điển hình của tình trạng “hô biến” tài sản trong tài khoản của NĐT mở tại CTCK. Điều này không chỉ khiến NĐT bị hao mòn niềm tin vào khối CTCK, mà vào cả thị trường.

Trong năm 2012, UBCK đã nỗ lực giảm thiểu tình trạng quá phụ thuộc vào một “cây gậy” là Thông tư 226/2010 trong quá trình xử lý các CTCK vi phạm bằng nhiều biện pháp buộc CTCK phải minh bạch.

Tuy nhiên, do tính tuân thủ của các CTCK còn hạn chế và một số lỗ hổng của quy định về chế độ kế toán đối với CTCK vẫn quá chậm được khắc phục, nên vẫn còn nhiều CTCK yếu đang tồn tại. Đáng lo ngại hơn cả là sau hơn 12 năm TTCK đi vào hoạt động, Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC. Điều này tạo kẽ hở cho các CTCK hạch toán không đầy đủ, trung thực tình hình tài chính, gây rủi ro cho NĐT và thị trường.

Năm 2013 sẽ xử lý xong các CTCK yếu kém?

Vì hạn chế trên, nên khi nhìn lại chặng đường tái cơ cấu khối CTCK trong năm 2012, UBCK thừa nhận, kết quả mang lại chưa như mong muốn. Tuy nhiên, với tư duy mới đã được cụ thể hóa trong Thông tư 165/2012 sửa đổi, bổ sung Thông tư 226/2010; Thông tư 210/2012 hướng dẫn thành lập và hoạt động CTCK, có hiệu lực từ ngày 15/1/2013; sắp tới là Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 85/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, thị trường đang mong đợi năm 2013 sẽ cơ bản xử lý xong các CTCK yếu kém, như mục tiêu mà UBCK đề ra.

Với nhiều “cây gậy” trong tay, UBCK không chỉ có công cụ để xử lý CTCK vi phạm các quy định về an toàn tài chính, mà còn “xử” được vi phạm về thanh khoản, công bố thông tin… Đặc biệt, quy định mới cho phép UBCK áp dụng biện pháp mạnh tay nhất là ra quyết định yêu cầu CTCK và các bên có liên quan thực hiện thủ tục giải thể, phá sản nếu CTCK không đáp ứng được các chuẩn hoạt động mới. Với bước chuyển động này, rất có thể sau hơn 12 năm phát triển, lần đầu tiên trong năm 2013, TTCK sẽ ghi nhận những cái tên CTCK đầu tiên bị xóa sổ. 3 CTCK đã bị đình chỉ hoạt động là Trường Sơn, Hà Nội và Cao su, cùng với 11 CTCK trong diện kiểm soát đặc biệt, đang là những cái tên cận kề trước nguy cơ bị xóa tên khỏi danh sách 105 CTCK đang hoạt động.