Năm 2022: Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư được quan tâm
Liên tiếp các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép trong tháng 12/2021, dự báo, năm 2022, Việt Nam vẫn là điểm đến được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Liên tiếp các dự án FDI lớn đầu tư vào Việt Nam
Tháng cuối năm 2021, liên tiếp các dự án FDI lớn được cấp phép đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, dự án đầu tiên phải kể đến đó là Tập đoàn LEGO đã đầu tư nhà máy 1 tỷ USD tại tỉnh Bình Dương, dự kiến dự án sẽ được triển khai vào nửa cuối năm 2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024. Đây cũng là nhà máy thứ 6 của tập đoàn này trên toàn cầu và nhà máy thứ 2 ở châu Á, dự án chạy bằng năng lượng mặt trời và dự kiến sẽ tạo ra 4.000 việc làm mới.
Không chỉ được nói đến với vai trò dự án có số vốn lớn nhất của một doanh nghiệp Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam, với dự án này, LEGO kỳ vọng sẽ mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó đáp ứng linh hoạt, nhanh chóng sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng ở mỗi khu vực.
Một dự án FDI “tỷ đô” nữa quyết định đầu tư vào Việt Nam trong tháng 12/2021 đó là dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn của Công ty Amkor Technology, Inc – là một trong những nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn thuê ngoài lớn nhất thế giới có trụ sở tại Hoa Kỳ. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD, trong đó giai đoạn đầu của dự án là 520 triệu USD, được khởi công vào quý I/2022 và sẽ giải ngân trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Được biết, dự án sẽ tập trung vào việc cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra hệ thống tiên tiến cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới.
Trước đó, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 11 tháng đầu năm 2021, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đạt 26,46 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số các dự án FDI đầu tư vào Việt Nam trong những tháng đầu năm 2021 cũng có rất nhiều dự án lớn, điển hình như: Dự án nhà máy nhiệt điện LNG Long An I và II của nhà đầu tư Singapore, có tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải, phân phối, sản xuất điện tại tỉnh Long An; Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỷ USD, trong đó điều chỉnh tăng vào 2 lần, lần 1 vào tháng 2/2021 với 750 triệu USD và lần 2 vào tháng 8/2021 với 1,4 tỷ UDS; Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), có tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện, nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống quốc gia tại Cần Thơ…
Dự báo khởi sắc hơn trong năm 2022
Đánh giá về triển vọng thu hút FDI trong năm 2022, TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng, sau gần 2 năm bị hạn chế di chuyển, hạn chế các hoạt động đầu tư do dịch Covid-19 thì những tháng cuối năm 2021, dòng vốn FDI bắt đầu quay trở lại Việt Nam với rất nhiều các dự án đầu tư lớn được cấp phép. Dự báo, năm 2022, Việt Nam vẫn là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, dòng vốn FDI trong năm 2022 còn được hỗ trợ tích cực bởi những cuộc gặp ngoại giao, chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam thời gian qua đều kết hợp với xúc tiến đầu tư nước ngoài và đã có những thỏa thuận được ký kết. Gần đây nhất, trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ và Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhiều thỏa thuận hợp tác giá trị hàng tỷ USD cũng đã được ký kết.
Điển hình như, Tập đoàn Đại An, chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Đại An (Hải Dương) đã ký biên bản ghi nhớ về việc triển khai xây dựng Công viên Dược 500 triệu USD với Công ty Sri Avantika Contractors Ltd., (Ấn Độ). Đặc biệt, Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SAIGONTEL) và Công ty Ecologic Engineering (Ấn Độ) đã ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, công nghiệp và đổi mới sáng tạo, với trị giá 4 tỷ USD.
Trước đó, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22-25/11 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao đổi 44 văn kiện hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp hai nước. Trong đó, có thỏa thuận hợp tác đầu tư nhà máy điện Lạng Sơn, trị giá 1,75 tỷ USD; dự án chăn nuôi, chế biến, phân phối thịt bò tại Vĩnh Phúc trị giá 500 triệu USD; thỏa thuận hợp tác phát triển khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng), trị giá 250 triệu USD…
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để thu hút được dòng vốn FDI có chất lượng, có sức lan tỏa đến các doanh nghiệp trong nước và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo như yêu cầu Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Chính phủ Việt Nam đang hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài, chính sách thu hút đầu tư, chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư; hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, giám sát đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về FDI.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu trong chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến đầu tư nước ngoài. Xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không thực hiện cam kết. Phòng ngừa, giải quyết sớm, có hiệu quả các tranh chấp liên quan đến đầu tư nước ngoài.