Năm 2024, đặt mục tiêu xuất khẩu cá tra đạt 2 tỷ USD
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)Phùng Đức Tiến, dự kiến, năm 2024, diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt khoảng 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2 tỷ USD.
Năm 2023, dưới tác động của lạm phát và bất ổn chính trị, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn. Ước năm 2023, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.700 ha (bằng 98% năm 2022); sản lượng khoảng 1,61 triệu tấn (tương đương cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,8 tỷ USD, chỉ bằng 75% so năm 2022.
Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, tính đến tháng 11, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,6 tỷ USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam năm 2023 đều có xu hướng giảm, Trung Quốc giảm 21,8%, Hoa Kỳ giảm 53,1%, EU giảm 17,2%... Thị trường Đức, Anh, Braxin, Ảrập Xêut tăng trưởng dương nhưng đây là những thị trường chiếm tỷ trọng nhỏ.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), sản lượng cá tra ước đạt 3,13 triệu tấn vào năm 2023 (tăng 0,5% so với sản lượng 3,11 triệu tấn năm 2022), dẫn đầu là Việt Nam với 1,62 triệu tấn, tiếp theo là Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh và Trung Quốc. Dự báo sản lượng cá da trơn/cá tra năm 2024 tăng 2,8% so với năm 2023.
Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) dự báo, sản lượng cá tra năm 2024 tăng 2,8% so với năm 2023. Lạm phát toàn cầu có khả năng được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng có khả năng sẽ hồi phục từ quý II/2024. Sản lượng thu hoạch trong 2 quý đầu năm 2024 dự báo không cao như kỳ vọng. Tuy nhiên, với đà phục hồi như hiện nay, sản lượng cá tra dự kiến thu hoạch trong quý I, II/2024 vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến, xuất khẩu.
Về triển vọng của ngành hàng này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ, mặc dù năm 2024 còn nhiều khó khăn, thách thức, song ngành cá tra vẫn đặt mục tiêu sản lượng cá tra thương phẩm đạt 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh An Giang và Đồng Tháp cùng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cần tập trung nâng cao chất lượng cá tra giống; đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, áp dụng công nghệ vaccine phòng bệnh, di truyền phân tử… Các đơn vị thuộc Bộ và các hiệp hội ngành hàng cần chủ động, kịp thời phối hợp cơ quan thẩm quyền các quốc gia nhập khẩu và các đơn vị liên quan để xử lý các rào cản kỹ thuật. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, kết nối, phát triển thị trường cho sản phẩm cá tra, nhất là khối thị trường Hồi giáo và thị trường Trung Quốc; thường xuyên cập nhật thông tin về yêu cầu và diễn biến thị trường, kịp thời tham mưu, chia sẻ thông tin với các đơn vị có liên quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra trong thời gian tới
Thứ trưởng thông tin thêm, hiện nay, Bộ đang phối hợp với các địa phương để xây dựng lại đề án cá tra 3 cấp mới, hoàn thiện, đầy đủ định hướng, giải pháp để thúc đẩy ngành hàng phát triển hơn.