Thống kê sơ bộ, đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 191 cuộc kiểm toán. Trong đó, đã hoàn thành và phát hành báo cáo 188 cuộc kiểm toán. Trên cơ sở báo cáo kiểm toán đã phát hành, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 23.431,7 tỷ đồng. Trong đó, các khoản tăng thu là 4.366,1 tỷ đồng; các khoản giảm chi là 6.897,6 tỷ đồng; các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu ngân sách nhà nước là 3.328,2 tỷ đồng; các khoản nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách nhà nước là 8.808,4 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác là 31,4 tỷ đồng. Có thể thấy, chất lượng, hiệu lực hoạt động kiểm toán đã từng bước được cải thiện, góp phần tích cực vào việc phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công thời gian qua. Tuy nhiên, đại diện Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước thẳng thắn thừa nhận, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là chưa hình thành hệ thống kiểm toán nội bộ, khó nắm bắt, đánh giá, thu thập, phân tích thông tin để lập kế hoạch kiểm toán dẫn đến kế hoạch còn dàn trải, phối hợp với kiểm toán độc lập còn ít... Về mặt pháp chế, cải cách thủ tục hành chính còn chậm, việc cải tiến các chuẩn mực, quy trình kiểm toán, xây dựng hồ sơ, mẫu biểu về kế hoạch, báo cáo kiểm toán chưa theo kịp đổi mới hoạt động kiểm toán. Việc đổi mới nội dung, phương pháp kiểm toán chưa đáp ứng yêu cầu.
Với mục tiêu khắc phục các hạn chế, trong năm 2015, Kiểm toán Nhà nước xác định đổi mới hoạt động kiểm toán theo hướng: tập trung kiểm toán hầu hết báo cáo quyết toán ngân sách năm 2014 của các địa phương và một số bộ, cơ quan trung ương có quy mô ngân sách lớn, để xác định tính đúng đắn, trung thực của báo cáo nhằm phục vụ việc phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách năm 2014 của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của Quốc hội. Hơn nữa, để hạn chế tình trạng kiểm toán dàn trải, hiệu quả thấp, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng cho biết, năm nay, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành lựa chọn, thực hiện các chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, nhất là tập trung vào các chuyên đề liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng. Theo đó, đối với các doanh nghiệp nhà nước, sẽ tập trung kiểm toán đánh giá thực trạng tài chính năm 2014; tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015; việc thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất và thị trường, giải quyết hàng tồn kho; tình hình thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng năng lượng và các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình. Đối với các tổ chức tài chính - ngân hàng, tập trung kiểm toán đánh giá thực trạng tài chính năm 2014; việc điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát; việc triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; công tác xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và công khai, minh bạch hoạt động của các tổ chức tín dụng; tình hình thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015. Các chuyên đề kiểm toán sẽ được thực hiện với sự tham gia của các Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, khu vực nhằm đưa ra những đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn về chuyên đề được lựa chọn.
Để có thể hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Kiểm toán Nhà nước sẽ tổ chức các đoàn có quy mô hợp lý hơn, bảo đảm cơ cấu ngành, lĩnh vực, chú trọng bố trí kiểm toán viên đáp ứng được yêu cầu về trình độ, năng lực và kinh nghiệm để thực hiện kiểm toán các nội dung trọng tâm đạt chất lượng, hiệu quả; bảo đảm đủ năng lực để thực hiện các công việc trước, trong và sau khi kiểm toán. Tổ chức linh hoạt các cuộc kiểm toán chuyên đề nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị được kiểm toán và nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán; tăng thời gian và mở rộng phạm vi khảo sát hợp lý để thu thập đầy đủ thông tin, xác định trọng yếu kiểm toán sát thực tế của từng đầu mối được kiểm toán; đổi mới phương thức thu thập bằng chứng kiểm toán, tăng cường thảo luận với đơn vị được kiểm toán để làm rõ cơ sở pháp lý và số liệu của các sai phạm; chú trọng cập nhật, đánh giá thông tin đến thời điểm kiểm toán nhằm nâng cao tính thời sự, khả thi của các kết luận, kiến nghị kiểm toán; đổi mới kết cấu báo cáo kiểm toán. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho kiểm toán viên... nhằm hoàn thành mục tiêu nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả kiểm toán, hướng tới hoàn thành Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020.