Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam: Để đảm bảo hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, ngay từ đầu năm 2013, tập thể lãnh đạo Tổng cục Thuế đã chủ động đề ra 15 nhóm giải pháp lớn với 36 giải pháp chi tiết và triển khai thực hiện quyết liệt trong mọi thời điểm của năm. Bên cạnh đó, chúng tôi đã triển khai giao dự toán thu hàng quý theo đúng thời hạn, phù hợp với phát sinh kinh tế của từng địa bàn, làm căn cứ để các Cục Thuế triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách.
Trong năm 2013, Tổng cục Thuế đã tham mưu với Bộ Tài chính ban hành nhiều văn bản, thư công tác gửi các ngành, các cấp và cấp ủy chính quyền các địa phương. Trong đó, phải kể đến các văn bản như: Chỉ thị số 02/CT-BTC ngày 08/08/2013 về tăng cường công tác quản lý thu ngân sách để đảm bảo thực hiện dự toán thu NSNN năm 2013; Thư công tác của Bộ trưởng gửi đồng chí Bí thư các tỉnh, thành phố và Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị quan tâm, phối hợp chỉ đạo sát sao nhiệm vụ thu ngân sách và tăng cường công tác phòng chống vi phạm, gian lận thuế...
Tổng cục Thuế cũng đã thành lập Ban chỉ đạo chống thất thu và đôn đốc thu nộp NSNN năm 2013, để chỉ đạo hoạt động của toàn hệ thống Thuế và tổ chức các đoàn công tác làm việc với các địa phương có số thu lớn. Song song với đó, toàn hệ thống cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thu ngân sách đối với các tập đoàn, tổng công ty lớn, các địa bàn trọng điểm để chỉ đạo đôn đốc thu nộp NSNN.
Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm kê, rà soát mã số thuế, đảm bảo kiểm soát và nắm bắt kịp thời đối tượng nộp thuế, để đưa vào diện theo dõi, quản lý thuế; Đẩy mạnh việc thu thuế qua hệ thống 9 ngân hàng thương mại (Viettin Bank, Vietcombank, Agribank, VIB bank, Maritime bank, VP bank, Lienviet Bank, Ocean Bank, MHB). Tính đến ngày 30/11/2013, số thu thuế qua hệ thống ngân hàng ước đạt hơn 110.500 tỷ đồng, tiếp tục cải tiến một bước phương pháp nộp thuế theo hướng hiện đại không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (NNT) cũng được chú trọng, các “Tuần lễ lắng nghe ý kiến NNT” được tổ chức thành công; Tổng cục Thuế đã tuyên dương kịp thời những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt các chính sách, pháp luật thuế và thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước; xây dựng Bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam năm 2013...
Với việc triển khai quyết liệt các giải pháp nêu trên, tổng thu NSNN của toàn hệ thống Thuế năm 2013 ước đạt 659.255 tỷ đồng, tăng 2,3% so với dự toán, bằng 109,8% so với năm 2012. Trong đó, thu nội địa ước đạt 542.755 tỷ đồng, bằng 99,5% so với dự toán, tăng 17,8% so với thực hiện năm 2012; thu từ dầu thô ước đạt 116.500 tỷ đồng, bằng 117,7% so với dự toán, bằng 83,2% so với thực hiện năm 2012; thu từ sử dụng đất ước đạt 42.525 tỷ đồng, bằng 109% so với dự toán, bằng 93,9% so với thực hiện năm 2012...
Được biết, 2013 là năm hệ thống Thuế đạt được kết quả ấn tượng trong công tác thanh tra, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế. Ông có thể cho biết rõ hơn về nhận định này?
Tính đến ngày 18/12/2013, toàn hệ thống Thuế đã thanh tra, kiểm tra được 56.045/72.498 doanh nghiệp, đạt 77,3% kế hoạch năm, bằng 106,5% so với cùng kỳ năm 2012; tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 11.717,13 tỷ đồng, bằng 104,7% so với cùng kỳ; giảm khấu trừ là 834,5 tỷ đồng, bằng 117,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng số giảm lỗ là 11.474,1 tỷ đồng, bằng 91,8% so với cùng kỳ năm 2012; số tiền thuế nộp vào ngân sách là 8.471,9 tỷ đồng đạt 72,3% tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra, bằng 138,4% so với cùng kỳ năm 2012; đôn đốc nộp tiền sử dụng đất theo kết luận của Thanh tra Chính phủ 1.267,2 tỷ đồng.
Đặc biệt, Tổng cục Thuế đã có những giải pháp quyết liệt, chỉ đạo toàn hệ thống ngăn chặn có hiệu quả việc chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Theo đó, chúng tôi đã phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng và tỉnh An Giang tổ chức thành công 2 Hội nghị về tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh cà phê, nông sản.
Đồng thời, Tổng cục Thuế đã cử 2 đoàn, thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại 4 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm luật thuế tại 2 tỉnh Đắc Lắk và An Giang; sau thanh tra, đã truy thu, thu hồi trên 57,6 tỷ đồng tiền thuế tại 2 doanh nghiệp ở An Giang. Bên cạnh đó, cơ quan Thuế đã thường xuyên phối hợp với Tổng cục Cảnh sát (C46) và Tổng cục An Ninh II (Bộ Công an) để điều tra khởi tố đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận về thuế...
Nhiều chuyên gia dự báo, năm 2014 vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức đối với công tác thu NSNN. Thưa ông, trước tình hình đó, Tổng cục Thuế đã có những giải pháp trọng tâm gì để hoàn thành nhiệm vụ được giao?
Năm 2014, Tổng cục Thuế được Quốc hội, Chính phủ giao thu NSNN là 624.200 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô là 85.200 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực cao nhất của toàn thể cán bộ, công chức toàn hệ thống Thuế. Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2014, Tổng cục Thuế thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách thu thuế theo hướng công bằng, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT trong việc thực hiện đúng pháp luật thuế. Triển khai thực hiện có hiệu quả một số chính sách mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2014; Nghị định số 204/2013/NĐ-CP ngày 05/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2014.
Thứ hai, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu, nắm chắc các nguồn thu và số lượng NNT theo từng địa bàn. Đồng thời, chú trọng công tác phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu, đặc biệt phân tích cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo từng địa bàn, từng lĩnh vực thu, từ đó tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu và dự báo thu hàng tháng, hàng quý sát đúng với thực tế phát sinh.
Thứ ba, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, phấn đấu đạt mức tối thiểu 14,65% trên số doanh nghiệp đang hoạt động thuộc địa bàn quản lý thuế, trong đó tập trung đối với các doanh nghiệp nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra; doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế; doanh nghiệp có hoạt động liên kết, doanh nghiệp lỗ có dấu hiệu chuyển giá; doanh nghiệp chuyển nhượng vốn...
Thứ tư, tập trung chỉ đạo công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đảm bảo thực hiện đúng, đủ các biện pháp quản lý nợ đối với NNT còn nợ thuế theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và quy trình quản lý nợ thuế, không để phát sinh thêm số nợ thuế mới. Thực hiện công bố công khai thông tin các doanh nghiệp nợ thuế lớn, chây ỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Thứ năm, đẩy mạnh và đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ tư vấn pháp luật về thuế cho cộng đồng xã hội để nâng cao tính tuân thủ trong việc thực thi pháp luật thuế.
Thứ sáu, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân NNT.
Thứ bảy, triển khai rộng rãi dịch vụ đối chiếu chéo bảng kê hoá đơn trong toàn hệ thống. Quản lý chặt chẽ việc in, sử dụng hoá đơn bán hàng và cung ứng dịch vụ theo Nghị định sửa đổi và bổ sung Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ.
Thứ tám, tiếp tục thực hiện các đề án thuộc Chiến lược phát triển hệ thống Thuế giai đoạn 2011- 2020, kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2015 đảm bảo lộ trình và yêu cầu đã đề ra.
Xin cảm ơn ông!
Năm nỗ lực vượt bậc của hệ thống Thuế
(Tài chính) Năm 2013 đặt ra muôn vàn khó khăn đối với ngành Tài chính nói chung và hệ thống Thuế nói riêng trong công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, với sự quyết tâm, cố gắng vượt bậc, toàn thể cán bộ, công chức Thuế đã đạt được một số kết quả nổi bật trong công tác cải cách thủ tục hành chính, đổi mới, minh bạch trong công tác quản lý thu NSNN. Nhân dịp đầu Xuân mới, Tạp chí Tài chính có cuộc phỏng vấn ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế để hiểu rõ hơn về vấn đề trên.
Xem thêm