Nâng cao chất lượng công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương yêu cầu các cấp ủy đảng trong toàn Đảng bộ tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận, nâng cao chất lượng công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước.
Cụ thể, tại các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra trong công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương đã yêu cầu tiếp tục cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đạt kết quả thiết thực ở mỗi cấp và trong từng cơ quan, đơn vị.
Các cấp ủy đảng chủ động phối hợp với đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị xây dựng, thể chế hóa việc thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước.
Thực hiện có hiệu quả Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Kết luận số 03-KL/TW ngày 13/5/2016 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; Chỉ thị số 16-CT/TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”.
Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa bằng các cơ chế, quy chế, quy định nhằm xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Qua đó, bảo đảm dân chủ thực sự trong sinh hoạt đảng và hoạt động chuyên môn, tạo điều kiện để cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khó khăn, vướng mắc trong công tác, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; tổ chức tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật. Công khai, minh bạch toàn bộ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quy hoạch, kế hoạch công tác, nhất là công tác tổ chức, cán bộ, quản lý tài chính, tài sản.
Chủ trì, phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện Quy chế văn hóa công sở trong từng cơ quan, đơn vị. Phối hợp tổ chức định kỳ việc đối thoại giữa bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.
Cấp ủy các cấp, nhất là cấp ủy trong các cơ quan quản lý Nhà nước lấy chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm một trong những căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm. Xây dựng các quy chế, quy định trách nhiệm cụ thể của từng cán bộ, đảng viên trong việc đi công tác, tiếp xúc cơ sở.