Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức chiều 18/7, tại Hà Nội.
Tại Hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá, từ đầu năm đến nay, việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội quan tâm triển khai, tạo đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.
Theo đó, quy chế dân chủ đã được thực hiện tốt trên các lĩnh vực: cải cách hành chính; tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Tại các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ, công chức, viên chức được tạo điều kiện tham gia ý kiến xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, bổ sung, chỉnh sửa quy chế, quy định trong hoạt động cơ quan, phát huy dân chủ...
Bàn về những giải pháp để đẩy mạnh phát huy hiệu quả quy chế dân chủ, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Quy chế dân chủ phải được tiến hành thực sự, không được hình thức, mang lại đời sống tốt hơn, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân.
Đấy là trách nhiệm trước hết của các cấp ủy, chính quyền địa phương; người đứng đầu; cơ quan đại diện cho quyền lực nhân dân là Quốc hội, HĐND các cấp; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội với thành viên của mình và cuối cùng là trách nhiệm của chính người dân.
Đồng chí Trương Thị Mai cho rằng cần quán triệt tinh thần các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Người dân phải được thông tin, bàn bạc, tham gia góp ý kiến về chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích của mình.
Các tổ chức chính trị-xã hội, các hình thức tổ chức tự quản của nhân dân ở cơ sở có vai trò quan trọng trong giám sát, phản biện; tự bàn bạc và thực hiện trong khuôn khổ pháp luật những công việc mang tính xã hội hoá như việc xây dựng hương ước, quy ước làng văn hoá, xây dựng tổ hoà giải, tổ an ninh...
Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm tổ chức tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân; báo cáo định kỳ về công tác trước người dân.
Đặc biệt, công khai minh bạch là yêu cầu rất quan trọng để người dân tham gia thực hiện dân chủ, tạo đồng thuận trong quá trình triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đạt kết quả tốt.
“Vai trò của chính quyền, cơ quan Nhà nước rất quan trọng trong việc thực hiện quy chế dân chủ. Đây là nơi đề xuất ban hành cũng như thực thi chính sách, nếu khu vực này làm không tốt sẽ có vấn đề. Chúng ta cần khắc phục tính hình thức trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, Trưởng Ban Dân vận Trung ương lưu ý.