Một số bất cập

Hiện nay, do phân cấp quản lý đầu tư còn nhiều bất cập nên các dự án đầu tư công do các địa phương quyết định thường thiếu cân đối với nguồn vốn và bị dàn trải; thiếu kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia. Do vậy, đã dẫn đến sự dàn trải thiếu đồng bộ, không ít dự án chậm đưa vào sử dụng, chất lượng thấp, hạn chế hiệu quả của đầu tư công. Tình trạng tham nhũng, thất thoát và lãng phí dưới mọi hình thức trong mọi dạng đầu tư công có nguy cơ khó kiểm soát. Hiệu quả đầu tư công thấp, thúc đẩy lạm phát cao, thâm hụt ngân sách lớn, nợ công tăng cao...

Đặc biệt, đầu tư công cho các dự án cơ sở hạ tầng giao thông chiếm tỷ trọng áp đảo và lấn át các nguồn đầu tư khác. Các dự án BOT có tỷ lệ vay nợ cao và được Nhà nước bảo lãnh khiến thực chất vẫn là đầu tư công nhưng chủ đầu tư sẽ hưởng lợi ngay trong quá trình xây dựng, không phải là thu hồi vốn sau này và gánh nặng nợ vay và rủi ro thua lỗ thì Nhà nước gánh chịu.

Bên cạnh đó, các quy định phân cấp hiện hành chưa phù hợp với thực tiễn của mỗi khu vực, vùng lãnh thổ, chưa phân biệt rõ sự khác nhau giữa quản lý nhà nước đối với đô thị và nông thôn. Hiện nay, chúng ta cũng chưa phân định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tổ chức cung cấp dịch vụ công, đại diện chủ sở hữu đối với các tổ chức kinh tế nhà nước và tài sản nhà nước...

Giải pháp, đề xuất

Trong bối cảnh đó, để nâng cao hiệu quả đầu tư công trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau đây:

Một là, thay đổi thể chế đầu tư công theo hướng đảm bảo tính thống nhất của chiến lược phát triển quốc gia. Theo đó, Chính phủ điều hành đầu tư từ ngân sách trung ương do Quốc hội phê chuẩn. UBND cấp tỉnh lập dự toán, điều chỉnh, phân bổ, quyết toán các dự án đầu tư từ ngân sách địa phương trình HĐND cùng cấp phê duyệt. Căn cứ Nghị quyết của HĐND, UBND cấp tỉnh quyết định một số chế độ, tiêu chuẩn định mức chi tiêu đầu tư ngân sách trong trường hợp không trái quy định của pháp luật; quyết định một số loại, mức lệ phí và các khoản đóng góp của chủ đầu tư và nhân dân phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương. Chính quyền cấp tỉnh được quyền quyết định các dự án đầu tư từ ngân sách địa phương và cấp giấy phép cho các dự án đầu tư nước ngoài phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng quản lý của địa phương. Để tăng vốn đầu tư cho địa phương, tiếp tục điều chỉnh lại các nguồn thu và tăng tỷ lệ để lại cho địa phương theo hướng để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt mức phát triển trung bình của cả nước tự cân đối được chi thường xuyên theo định mức của Chính phủ.

Đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng, dẫn dắt, kích thích, khuyến khích đầu tư xã hội, đảm nhận các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội không sinh lời, có ít khả năng hoàn vốn hay ở các lĩnh vực mà khu vực tư nhân không thể đảm nhận được.

Hai là, sớm ban hành Luật Đầu tư công và mua sắm công; xây dựng nghị định của Chính phủ về kế hoạch đầu tư trung hạn. Luật Đầu tư công tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý sử dụng vốn nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư, từ khâu quyết định chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đến quá trình quản lý khai thác, vận hành dự án; Góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn nhà nước theo định hướng phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế; Chống thất thoát, lãng phí, dàn trải và đảm bảo tính minh bạch, công khai trong hoạt động đầu tư; Kịp thời bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư công phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ các hiệp định song phương, khu vực và đa phương.

Ba là, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN). Kiên quyết cắt giảm những dự án đầu tư nếu không đạt các tiêu chí về hiệu quả kinh tế - xã hội và chưa bảo đảm các yêu cầu về thủ tục, tập trung vốn cho các dự án bảo đảm hoàn thành trong hạn định và có hiệu quả cao; Cắt giảm các công trình đầu tư công bằng nguồn ngân sách có quy mô quá lớn, chưa thật cấp bách, có thời gian đầu tư dài. Về dài hạn, cần chủ động giảm thiểu dần đầu tư công, tăng đầu tư ngoài NSNN trong tổng đầu tư xã hội; Tái cơ cấu đầu tư công, tăng đầu tư phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, khoa học và công nghệ, đào tạo và y tế; Tiết giảm việc cấp vốn NSNN cho nhu cầu đầu tư của khối các tổng công ty, tập đoàn nhà nước và chuyển trọng tâm đầu tư công ra ngoài lĩnh vực kinh tế, để tập trung vào phát triển các lĩnh vực hạ tầng và xã hội. Ngoài ra, Nhà nước nên tập trung vào dịch vụ công cộng của đầu tư công, giảm dần đầu tư công vào phát triển sản xuất. Khuyến khích các chủ đầu tư huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo phương thức “chìa khóa trao tay”.

Bốn là, tiếp tục đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo hướng tăng cường năng lực quản trị nhằm nâng cao năng lực tài chính và tăng cường hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh; Đổi mới quản trị để DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh; Mở rộng quy mô đi đôi với nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững; Có cơ chế quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị... của DN; Xác định cụ thể và làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của hội đồng thành viên, tổng giám đốc, giám đốc DN trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước để bảo đảm quyền chủ động sản xuất, kinh doanh và bảo toàn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản; Tiếp tục phân định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN, Ban hành cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước; Tiếp tục nghiên cứu mô hình tổ chức thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN.

Năm là, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác giám sát các dự án đầu tư nhà nước thông qua việc tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, công tác kiểm toán các dự án đầu tư công; Kiên quyết chống tham nhũng và thực hiện thường xuyên hơn trách nhiệm giải trình trong đầu tư công; Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các dự án đầu tư công; Kiểm toán nhà nước và các cơ quan thanh tra, kiểm tra tài chính cần tăng cường công tác chuyên môn nghiệp vụ để thẩm định, đối chiếu, so sánh, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; Làm rõ trách nhiệm và hình thức xử phạt đối với từng tổ chức, cá nhân và thực hiện chế độ trách nhiệm đối với thủ trưởng đơn vị trong quản lý đầu tư công. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả, chất lượng của dự án, chấm dứt tình trạng giao cho người không đủ điều kiện năng lực và chuyên môn nghiệp vụ thực hiện quản lý dự án…

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 7 - 2013

Nâng cao hiệu quả đầu tư công trong tái cơ cấu nền kinh tế

LÊ THIÊN BIÊN

(Tài chính) Theo “Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020”, tổng đầu tư của nền kinh tế sẽ được duy trì ở tỷ lệ 30-35% GDP, Nhà nước huy động vốn đầu tư với tỷ trọng 35-40% tổng đầu tư và 20-25% tổng chi ngân sách được dành cho đầu tư phát triển. Để tránh tình trạng đầu tư công thiếu hiệu quả, bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế.

Xem thêm

Video nổi bật