Thực trạng giám sát hoạt động thanh tra thuế
Mục đích của giám sát hoạt động thanh tra thuế là đánh giá thực trạng và ý thức chấp hành kỷ luật của thành viên đoàn thanh tra, nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thanh tra để có biện pháp chấn chỉnh, giải quyết, nâng cao tính nghiêm minh trong thực thi công vụ của cơ quan thuế. Nội dung quá trình giám sát hoạt động thanh tra thuế bao gồm: giám sát trước, trong và sau thanh tra thuế, tức là từ khâu lập kế hoạch, thực hiện và kết luận thanh tra, đôn đốc xử lý thu hồi nợ thuế.
Thanh tra thuế vừa góp phần chống thất thu, tăng thu cho ngân sách nhà nước (NSNN), nhằm răn đe, phòng ngừa người nộp thuế (NNT) gian lận, trốn, tránh nghĩa vụ thuế. Cụ thể, thanh tra thuế giai đoạn 2007 – 2012 đạt được những kết quả đáng khích lệ sau: tổng số thuế kiến nghị thu vào NSNN tăng thêm sau thanh tra đạt 17,49 tỷ đồng. Trong đó: năm 2008 đạt 2,56 tỷ đồng, tăng 101% so với năm 2007; năm 2010 đạt 3,21 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2009; năm 2011 đạt 3,4 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2010; năm 2012 đạt 4,5 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2011.
Đáng chú ý, ngành Thuế đã phát hiện được nhiều NNT có sai phạm lớn, số thuế truy thu nộp vào NSNN tăng qua các các năm. Theo đó, năm 2008 đạt 648 triệu đồng/NNT, tăng 66% so với năm 2007; năm 2010 đạt 790 triệu đồng/NNT, tăng 15% so với năm 2009; năm 2012 đạt 639 triệu đồng/NNT, tăng 14% so với năm 2011. Điều này cho thấy trong những năm qua, ngành Thuế nói chung và các Cục thuế nói riêng đã nâng cao chất lượng và thực hiện tốt công tác thanh tra (Cục Thuế TP. Hà Nội, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, Cục Thuế Đồng Nai, Cục Thuế Bình Dương, Cục Thuế Thanh Hoá...).
Một số tồn tại và hạn chế
Bên cạnh những kết quả trên, thời gian qua thanh tra thuế vẫn bộc lộ một số tồn tại hạn chế như: số lượng doanh nghiệp (DN) được thanh tra thấp, khâu lựa chọn đối tượng thanh tra còn chưa bao quát hết NNT gian lận; một số cuộc thanh tra có kết quả truy thu và xử phạt thấp; một số cuộc thanh tra còn diễn ra kéo dài; tỷ lệ nợ thuế sau thanh tra còn cao do cơ quan thuế chưa quyết liệt vào cuộc… Cụ thể:
Thứ nhất, lập kế hoạch thanh tra. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra ở một số cơ quan thuế địa phương còn mang tính hình thức, chủ yếu phụ thuộc vào kinh nghiệm của cán bộ đảm nhiệm công tác xây dựng kế hoạch. Do cán bộ thanh tra thuế mới tiếp cận với phương pháp thanh tra dựa trên cơ sở phân tích rủi ro, đặc biệt là phân tích NNT trước và sau thanh tra, nên vẫn còn thiếu kinh nghiệm. Hơn nữa, do trình độ của cán bộ thanh tra không đồng đều, nên việc lập kế hoạch thanh tra chưa thực sự sát đúng với khả năng thực hiện của cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, việc phân tích rủi ro trong thanh tra thuế mới chỉ dừng lại ở một số bước đánh giá cơ bản, chưa chi tiết. Khi đánh giá tiêu chí quy mô và tốc độ phát triển của ngành và các DN, thiếu các chỉ tiêu bình quân chung của từng ngành, địa phương và khu vực. Cán bộ thanh tra mới chỉ dừng lại ở việc phân tích báo cáo tài chính của NNT theo chiều dọc, chiều ngang mà vẫn chưa áp dụng phân tích các tỷ suất vào đánh giá rủi ro; Hệ thống chỉ tiêu phân tích, đánh giá mức độ rủi ro về thuế của NNT chưa được xây dựng hoàn chỉnh, các tiêu chí phân loại NNT để xác định phạm vi thanh tra chưa rõ ràng, gây khó khăn cho việc lựa chọn các đối tượng được thanh tra…
Năm 2007, chỉ tiêu kế hoạch thanh tra về số lượng NNT chỉ đạt 94,3% so với kế hoạch. Năm 2008, chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch thanh tra đạt 91,7% và giảm chỉ còn 85,9% trong năm 2009… Nguyên nhân của việc không hoàn thành kế hoạch thanh tra là do công tác lập kế hoạch, dự báo của ngành Thuế chưa sát với khả năng thực hiện thanh tra của Ngành, cơ quan thuế trong từng năm. Mặt khác, ngành Thuế chưa lập công cụ và phương pháp để thực hiện hoàn chỉnh hoạt động thanh tra theo phân tích rủi ro, nhiều địa phương còn chưa thực hiện nghiêm túc phương pháp thanh tra dựa trên phân tích rủi ro và lựa chọn trường hợp thanh tra.
Thứ hai, thực hiện thanh tra. Thời gian qua, việc phân công, phân nhiệm giữa các thành viên trong đoàn thanh tra, trách nhiệm của lãnh đạo bộ phận thanh tra chưa rõ ràng, cụ thể, còn trùng lắp yêu cầu quản lý; việc thực hiện các chế độ báo cáo tiến độ cuộc thanh tra, xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thanh tra chưa kịp thời, và bộ phận thanh tra chưa tạo được hình ảnh người cán bộ làm công tác thanh tra đối với NNT, làm giảm hiệu quả thanh tra thuế. Trong khi đó, số lượng NNT được thanh tra còn ít dẫn đến tình trạng có DN nhiều năm không được thanh tra dễ dẫn đến tình trạng sai phạm mang tính chất hệ thống, kéo dài từ năm này sang năm khác.
Kết quả hoạt động thanh tra thuế giai đoạn 2007 – 2012 như sau: tổng số thuế kiến nghị thu vào NSNN tăng thêm sau thanh tra đạt 17,49 tỷ đồng. Trong đó: năm 2008 đạt 2,56 tỷ đồng, tăng 101% so với năm 2007; năm 2010 đạt 3,21 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2009; năm 2011 đạt 3,4 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2010; năm 2012 đạt 4,5 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2011.
Thứ ba, xử lý kết quả sau thanh tra. Thực tế, nợ đọng thuế sau thanh tra một bộ phận NNT đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của Ngành. Đây là vấn đề nhức nhối không chỉ với bộ phận thanh tra mà còn đối với cơ quan thuế, làm giảm tính nghiêm minh trong công tác thanh tra. Tỷ lệ số thuế còn nợ đọng chưa thu được vào NSNN giai đoạn 2008-2012 cao xấp xỉ 50% (Tại Cục Thuế Hà Nội, năm 2012, tỷ lệ nợ đọng trên số thuế truy thu là 51,6%; tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2012, tỷ lệ nợ đọng trên số truy thu là 45%). Bên cạnh đó, cơ quan thuế chưa quyết liệt và chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu trong việc đôn đốc thu hồi nợ thuế sau thanh tra; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận chức năng trong nội bộ cơ quan thuế như: kiểm tra thuế, kê khai, kế toán thuế, quản lý nợ… Do vậy, số thuế NNT thực nộp vào NSNN sau thanh tra đạt tỷ lệ thấp.
Thứ tư, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Việc giám sát hoạt động thanh tra thuế còn gặp nhiều khó khăn, do một số bất cập về chính sách. Theo Luật Thanh tra hiện hành, sau khi thành lập đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải giám sát đoàn thanh tra hoặc cử người giám sát. Tuy nhiên, trên thực tế, do số lượng biên chế của bộ phận thanh tra ngành Thuế còn hạn chế, trong khi cùng thời điểm phải tổ chức nhiều đoàn thanh tra, dẫn đến không đủ người để giám sát. Ngoài ra, trong quy trình thanh tra quy định sổ nhật ký chỉ có một và do trưởng đoàn thanh tra quản lý, trong khi đó đoàn thanh tra được chia thành các tổ, nhóm làm việc độc lập với trưởng đoàn thanh tra, nên rất khó khăn cho trưởng đoàn thanh tra trong việc theo dõi, ghi sổ nhật ký thanh tra, làm mất nhiều thời gian của trưởng đoàn.
Giải pháp giám sát hoạt động thanh tra thuế
Nhằm chấn chỉnh kịp thời những bất cập trong quản lý hoạt động thanh tra, nâng cao hiệu quả giám sát thanh tra thuế, xin đề xuất giải pháp sau:
Thứ nhất, lập kế hoạch thanh tra. Việc giám sát khâu lập kế hoạch thanh tra cần được kiểm soát chặt chẽ. Quá trình phân tích, lập kế hoạch cần có sự tham gia bắt buộc của phó trưởng phòng thanh tra phụ trách trực tiếp đoàn thanh tra và có ý kiến chỉ đạo của trưởng phòng thanh tra, để xác định rủi ro phát sinh của NNT. Trong trường hợp cần thiết đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo lãnh đạo cơ quan thuế. Danh sách NNT sau khi được bộ phận thanh tra phân tích rủi ro cần công khai, lấy ý kiến phản hồi từ bộ phận kiểm tra thuế, các chi cục thuế và bộ phận kê khai và kế toán thuế, nhằm thu thập thêm thông tin, sàng lọc kỹ các đối tượng thanh tra.
Thứ hai, thực hiện thanh tra. Nội dung giám sát trong quá trình hoạt động thanh tra gồm hai nội dung chính: Một là, bộ phận thanh tra cần chuẩn hóa trình tự các bước thanh tra và hệ thống các mẫu biểu theo quy trình thanh tra, để đảm bảo công chức thuế thực hiện đúng, đầy đủ và trình tự công tác thanh tra; Hai là, lãnh đạo bộ phận thanh tra phân công công tác giám sát theo nguyên tắc mỗi nội dung công việc của thành viên và trưởng đoàn thanh tra có ít nhất một người giám sát trên các nội dung công việc theo quy trình thanh kiểm tra; giám sát bằng chế độ báo cáo thông qua việc quy định thời gian và thực hiện mẫu biểu báo cáo.
Thứ ba, sau thanh tra. Để tạo điều kiện thuận lợi cho NNT trong việc thực hiện kiến nghị với cơ quan thuế rất cần các biện pháp xử lý sau thanh tra. Tuy nhiên, thời gian qua, cơ quan thuế mới làm tốt việc hướng dẫn thực hiện quyết định và chưa hướng dẫn tốt cho NNT khắc phục hoặc thực hiện các công việc cần thiết khác phát sinh sau thanh tra. Bên cạnh đó, việc giám sát thực hiện kiến nghị của cơ quan thuế sau thanh tra thuế cũng còn hạn chế và chưa đồng đều, khiến hiệu quả của hoạt động thanh tra thuế bị ảnh hưởng đáng kể.
Về đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế sau thanh tra: ngành Thuế xác định công tác thu hồi nợ sau thanh tra là một nhiệm vụ trọng tâm trong việc nâng cao hiệu quả thanh tra thuế. Do đó, công tác theo dõi đôn đốc nợ sau thanh tra phải đạt được mục đích sau: xác định chính xác số nợ, nguyên nhân nợ, đề xuất biện pháp; xác định được phần việc, trách nhiệm của từng khâu, từng bộ phận chức năng trong cơ quan thuế trong công tác theo dõi đôn đốc nợ, tránh chồng chéo, bỏ sót nợ. Để giảm bớt khó khăn cho NNT thì ngành Thuế nên cho phép NNT cam kết thực hiện nộp dần tiền thuế vào NSNN đối với trường hợp NNT bị truy thu thuế lớn vượt quá khả năng nộp đủ một lần tiền thuế.
Thứ tư, cơ chế, chính sách. Ngành Thuế cần nâng cao thẩm quyền của giám sát của các lãnh đạo bộ phận thanh tra (lãnh đạo phòng, lãnh đạo khối thanh tra), nâng cao trách nhiệm giám sát khi trình, ký duyệt các văn bản thanh tra.
Thứ năm, NNT giám sát đối tượng thanh tra. Cơ quan thuế cần ban hành “Thư ngỏ thanh tra gửi NNT” với mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực thanh tra có chất lượng, văn minh lịch sự trong giao tiếp, ứng xử; liêm chính và có tính kỷ luật trong khi thực thi nhiệm vụ. Cơ quan thuế yêu cầu các đoàn thanh tra khi tiến hành công bố quyết định thanh tra sẽ chuyển “Thư ngỏ” của cơ quan thuế tới NNT. Tại thư ngỏ có địa chỉ và số điện thoại của cơ quan thuế để NNT có thể gửi ý kiến phản hồi về cơ quan thuế. Đây là một thông điệp quan trọng gửi NNT thể hiện sự dân chủ trong hoạt động thanh tra, tôn trọng ý kiến của NNT, nhằm quản lý tốt hơn hoạt động thanh tra, cán bộ thanh tra, tránh tiêu cực, nhũng nhiễu trong hoạt động thanh tra làm giảm uy tín, hình ảnh của cơ quan thuế. Bên cạnh đó, cần khẩn trương áp dụng các tiêu chí đánh giá hiệu quả cuộc thanh tra về mặt định lượng và định tính, để đánh giá hoạt động thanh tra theo tiêu chí hiệu quả, đánh giá chất lượng của hoạt động thanh tra thuế của từng bộ phận thanh tra, từng cơ quan thuế.
Trong quá trình tổ chức thực hiện giám sát, cơ quan thuế cần xem xét bình chọn các cá nhân và đoàn thanh tra thực hiện tốt để tuyên dương nhằm nhân rộng gương điển hình và phát huy trong toàn ngành Thuế. Việc giám sát hoạt động thanh tra thuế cần được cơ quan thuế tổng hợp đánh giá hàng năm, để có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn công tác thanh tra. Có như vậy, hoạt động thanh tra thuế mới dần đi vào nề nếp, đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên nghiệp nhưng cũng hết sức khách quan, dân chủ, có tác dụng khuyến khích NNT tăng tính tự giác tuân thủ trong việc kê khai, nộp thuế.
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Thuế (2011), Báo cáo tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra thuế, giai đoạn 2007-2010, 2012, 2013;
2. Cục Thuế TP. Hà Nội (2013), Tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác thanh, kiểm tra năm 2012; Nhiệm vụ và giải pháp công tác thanh, kiểm tra thuế năm 2013.
Nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động thanh tra thuế
(Tài chính) Giám sát hoạt động thanh tra thuế không chỉ đánh giá được mức độ tuân thủ của cán bộ công chức thuế và người nộp thuế, mà còn đánh giá được mức độ hiệu lực của các cuộc thanh tra. Qua đó, cơ quan thuế phát hiện được những khiếm khuyết của mỗi cuộc thanh tra, nhằm nâng cao chất lượng thanh tra và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Xem thêm