Tiềm năng tăng trưởng ngành bán lẻ
Các phân tích gần đây về ngành tiêu dùng Việt Nam cho thấy, tiềm năng tăng trưởng doanh thu của ngành này còn lớn. Tổng doanh thu thực của các lĩnh vực có liên quan đến hàng tiêu dùng ở Việt Nam dự tính sẽ tăng lên tới 140 tỷ USD vào năm 2016. Nhờ cơ cấu dân số nằm trong nhóm trẻ nhất thế giới (theo Nielsen), quy mô toàn thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đạt xấp xỉ 34 tỷ USD vào năm 2016, tổng mức chi tiêu của người tiêu dùng tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi và đạt xấp xỉ 173 tỷ USD vào năm 2020 (Euromonitor, Global Insight, Bain Analysis). Tỷ lệ tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2020 được dự báo sẽ thuộc loại cao nhất trong khu vực ASEAN, đạt 8%, cao hơn cả Indonesia và Malaysia 5%, và Philippines, Thái Lan, Singapore cùng là 4%.
Trong thời gian tới, gần 3/4 dân số (69%) sẽ nằm trong độ tuổi từ 15 - 64. Điều này sẽ tạo nên một cuộc cách mạng về thị trường kinh doanh bán lẻ tại các khu vực thành thị của Việt Nam mà yếu tố quyết định là thế hệ tiêu dùng trẻ. Không chỉ tạo ra xu hướng tiêu dùng và thị trường của những loại hàng hóa họ muốn, mà còn tác động đến tâm lý, hành vi và nhu cầu tiêu dùng của những người tiêu dùng thuộc nhóm tuổi khác trong xã hội. Đó là một trong những kết luận mà Euromonitor International vừa đưa ra trong điều tra về xu hướng tiêu dùng của người Việt.
Những con số trên cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam đặc biệt hấp dẫn đối với cả doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong và ngoài nước. Nhiều cơ hội đang mở ra với các DN nội địa nếu biết nghiên cứu kỹ thị trường, có chiến lược kinh doanh hợp lý, tận dụng xu hướng tiêu dùng của người dân và liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp địa phương.
Trên thực tế, số DN bán lẻ nội địa chiếm một số lượng không nhỏ trên thị trường. Nếu như Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) với hệ thống OceanMart, hoặc Công ty Cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu tổng hợp (Conexim) với tên gọi Eximart được xem là những thương hiệu khá tên tuổi trong "làng” bán lẻ ở khu vực phía Bắc thì tại TP. Hồ Chí Minh, Liên minh hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Tổng Công ty TNHH MTV thương mại Sài Gòn (Satra)… với chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích cũng đã phủ kín các quận, huyện.
Thách thức từ hội nhập
Theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, bắt đầu từ ngày 11/1/2015, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập DN 100% vốn tại Việt Nam thay vì mức tối đa 50% như hiện nay. Đây là thời điểm để thị trường bán lẻ mở rộng cánh cửa hội nhập. Song có lẽ, cũng chính bởi điểm hấp dẫn đó mà các DN trong nước lại đang trở nên yếu thế trong cuộc cạnh tranh ở thị trường này bởi sự hiện diện ngày càng nhiều của các DN bán lẻ ngoại.
Theo thống kê của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (AVR), thị trường Việt Nam hiện có khoảng 130 trung tâm thương mại, 700 siêu thị, hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi, trong đó có sự góp mặt của 21 DN 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Có thể kể đến sự xuất hiện mới đây của Tập đoàn siêu thị Aeon (Nhật Bản) với việc đầu tư vào siêu thị đầu tiên tại Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh với tổng vốn ngất ngưởng con số 100 triệu USD và việc đang xây dựng Trung tâm thương mại Aeon Bình Dương (95 triệu USD) sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Đến thời điểm này, vào dịp cuối tuần hay các ngày lễ lớn, hình ảnh hàng dài người xếp hàng mua đồ ăn, hay các cửa hiệu luôn dày đặc người tiêu dùng không còn là “hiện tượng” ở siêu thị này. Lãnh đạo trung tâm thương mại này cho biết mục tiêu từ đây đến năm 2020, Aeon sẽ có 20 trung tâm mua sắm tại Việt Nam
Không chịu thua, vào cuối tháng 3 vừa qua Tập đoàn Central Group (Thái Lan) cũng đưa Trung tâm mua sắm Robinsons (tòa nhà Royal City, Hà Nội) vào hoạt động. Không chuyên sâu xây dựng siêu thị tiêu dùng, Robinsons lại chọn thời trang và mỹ phẩm để hướng đến. Theo kế hoạch của tập đoàn này, ngay trong năm 2014 cũng sẽ mở thêm siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh sự xuất hiện của những “đối thủ” mới, các siêu thị ngoại đã có nhiều năm hoạt động tại thị trường Việt Nam như: Metro, Big C, Lotte... vẫn không ngừng đầu tư vào nhiều loại hình bán lẻ hiện đại cũng như mở thêm hàng loạt siêu thị mới. Big C đã nâng tổng số siêu thị lên con số 27 tại Việt Nam. Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cho biết tại thị trường Việt Nam, Lotte Mart đang vận hành 7 trung tâm thương mại ở Việt Nam và dự kiến đến năm 2020, sẽ sở hữu 60 trung tâm thương mại trên khắp cả nước.
Bên cạnh đó, việc các tập đoàn đa quốc gia chuyên về phục vụ thức ăn nhanh mở cửa hàng kinh doanh tại Việt Nam cũng cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ và những cải thiện của môi trường đầu tư Việt Nam. Ngày 8/2, Tập đoàn thức ăn nhanh McDonald’s của Hoa Kỳ đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh. McDonald’s lên kế hoạch mở ít nhất 100 cửa hàng trong vòng 10 năm tới. Với sự hiện diện của McDonald’s, đến thời điểm này, trong “sân chơi” thức ăn nhanh Việt Nam đã hiện diện hầu như đầy đủ các “đại gia” trên thế giới như: KFC, Lotteria, Burger King, Subway, Jollibee, Pizza Hut, McDonald’s...
Bên cạnh sự xuất hiện của các DN bán lẻ nước ngoài, các DN bán lẻ nội địa còn gặp phải nhiều thách thức khác. Thách thức lớn nhất là chiến lược phát triển của ngành bán lẻ nước ta chưa được xây dựng ở ba cấp: Nhà nước, ngành và DN. Quy mô kinh doanh với vốn nhỏ, hạ tầng phục vụ của chúng ta nhìn chung còn thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao, văn hóa phục vụ còn nhiều điều cần khắc phục, quản trị DN chưa theo kịp với tình hình, đặc biệt là tính liên kết, hợp tác giữa các DN bán lẻ với nhau, giữa bán lẻ với sản xuất còn chưa cao.
Tìm hướng cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước
Để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh cho các DN bán lẻ Việt Nam, trước hết, Nhà nước, chính quyền các địa phương cần nhận thức đúng đắn hơn về vai trò của lĩnh vực này, trên cơ sở đó có biện pháp hỗ trợ cụ thể. Ngoài ra, Bộ Công Thương cần có quy hoạch phát triển hệ thống thương mại hiện đại gắn liền với phát triển kinh tế vùng miền. Bên cạnh đó, cần tập trung vào một số giải pháp quan trọng sau:
Một là, cần có những chính sách và quy định chặt chẽ hơn, không trái với các cam kết gia nhập WTO, FTA… để hỗ trợ cho các hiệp hội ngành hàng, DN, như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu thị trường, xu hướng mua sắm…
Hai là, đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt ở khu vực nông thôn thông qua các hội chợ, chương trình bán hàng lưu động.
Ba là, cần có các chương trình liên kết thương mại giữa các tỉnh trong toàn quốc về nguồn hàng, tham gia chương trình xúc tiến thương mại trong nội bộ của các tỉnh.
Bốn là, các DN phải tính đến mô hình liên kết giữa người sản xuất và bán hàng. Kinh nghiệm ở các nước phát triển cho thấy, các DN phân phối đều phải đi theo con đường như vậy. Tuy nhiên, để giúp cho các DN có thể liên kết được tốt hơn, đưa ra các sản phẩm cạnh tranh hơn thì phải có một nguồn vốn giá rẻ, vậy nhưng so với các nước trong khu vực thì lãi suất vốn vay hiện nay ở Việt Nam vẫn còn cao…
Một vấn đề khó khăn nữa là phần lớn các cơ sở sản xuất và nuôi trồng của bà con nông dân có quy mô nhỏ, tự phát, manh mún, không đại trà. Ngay quy trình sản xuất cũng chưa tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vì vậy, rất cần cơ quan nhà nước hỗ trợ về kỹ thuật, quy trình công nghệ, chính sách ưu đãi…
Tài liệu tham khảo:
1. Thị trường hàng hóa trong nước: Bối cảnh và những vấn đề đặt ra – PGS.,TS. Phạm Công Đoàn – Đại học Thương mại (2014);
2. Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam làm gì để đứng vững trong cuộc cạnh tranh khốc liệt – TS. Liên Hà – Đại học Ngoại thương;
3. Tổng cục Thống kê (năm 2012, 2013): Số liệu thống kê về thương mại trong nước.
Nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam
(Tài chính) Theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, kể từ ngày 11/1/2015, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại Việt Nam thay vì mức tối đa 50% như hiện nay. Có lẽ sẽ chẳng có thời điểm nào thích hợp hơn cho các doanh nghiệp bán lẻ nội vạch ra chiến lược kinh doanh phù hợp nhằm thu hút khách hàng và tăng thị phần hơn thời điểm này.
Xem thêm