Nâng cao hiệu quả ngăn chặn nguồn ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam

HN.

Đó là một trong những nội dung tại Quyết định số 1203/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 – 2015.

Nâng cao hiệu quả ngăn chặn nguồn ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam

Mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về tác hại của tệ nạn ma túy, trách nhiệm của chính quyền xã, phường, thị trấn, cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong tham gia phòng, chống ma túy; đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống ma túy để huy động các nguồn lực cho công tác này. Kiềm chế sự gia tăng phức tạp về tội phạm ma túy; giảm số người nghiện ma túy; ngăn chặn có hiệu quả ma túy xâm nhập qua biên giới; thu hẹp địa bàn có tệ nạn ma túy. Nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đối với tội phạm về ma túy. Nâng cao công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, giảm tác hại của ma túy đến sức khỏe, gia đình, xã hội và an ninh trật tự.

Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có 6 Dự án, với tổng mức vốn là 2.522 tỷ đồng, trong đó có 830 tỷ đồng vốn đầu tư và 1692 tỷ đồng vốn sự nghiệp.

Cũng theo nội dung của Quyết định trên, mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2015 là hằng năm phấn đấu giảm trên 5% người nghiện ma túy hiện có; giảm 10% xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy để nâng tổng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy của toàn quốc lên 50%. Nâng cao hiệu quả ngăn chặn nguồn ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam; đưa tỷ lệ số vụ phạm tội ma túy được phát hiện, bắt giữ tại các tỉnh biên giới đạt trên 30% so với toàn quốc; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, không để sản xuất ma túy tổng hợp ở trong nước. Triệt xóa các tụ điểm phức tạp về mua bán, tổ chức sử dụng ma túy, kiên quyết không để tình trạng tội phạm ma túy hoạt động công khai trắng trợn gây bức xúc trong quần chúng nhân dân; phấn đấu đến năm 2015 không còn “điểm nóng” về tội phạm và người nghiện ma túy trên toàn quốc. Cơ bản không để tái trồng cây thuốc phiện và cây cần sa, phát hiện triệt phá 100% diện tích cây thuốc phiện và cây cần sa trồng trái phép.

Chương trình cũng hướng đến năm 2015 sẽ có 100% người nghiện có hồ sơ quản lý được cai nghiện ma túy dưới mọi hình thức, 100% người đã cai nghiện có nguy cơ tái nghiện cao đều được quản lý sau cai; nghiên cứu đưa vào sử dụng 4 loại thuốc hỗ trợ cắt cơn và phương pháp điều trị mới trong hoạt động cai nghiện, phục hồi.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, tình hình tội phạm ma túy ở Việt Nam cũng diễn ra khá phức tạp. Lợi dụng thông thoáng trong thủ tục xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, các tổ chức tội phạm ma túy đã gia tăng hoạt động tại các biên giới, cửa khẩu nhằm đưa ma túy vào nội địa. Đối tượng không chỉ là người trong nước mà có cả người nước ngoài tổ chức đường dây trung chuyển ma túy xuyên quốc gia với nhiều phương thức mới và ngày càng tinh vi hơn, liều lĩnh hơngây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho nền an ninh, trật tự và kinh tế-xã hội của đất nước.

Do đó, để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, tại Dự án 3 của Chương trình về Tăng cường năng lực đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của lực lượng Hải quan, Thủ tướng yêu cầu đầu tư trang bị mới phương tiện, thiết bị kỹ thuật chuyên dụng; nâng cấp máy móc thiết bị đang sử dụng đáp ứng nhu cầu của cuộc đấu tranh chống tội phạm ma túy. Hỗ trợ, nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của lực lượng Hải quan với kinh phí 17,56 tỷ đồng.

Cũng theo Quyết định trên, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công an là cơ quan quản lý Chương trình, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan , Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Chương trình theo quy định.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.