Ở Việt Nam, kế toán quản trị (KTQT) là một thuật ngữ tương đối mới mẻ, chỉ được chứng minh cụ thể nhất trong Luật Kế toán vào ngày 17/06/2003.
KTQT là lĩnh vực chuyên môn của kế toán nhằm nắm bắt các vấn đề về thực trạng, đặc biệt thực trạng tài chính của doanh nghiệp (DN). Qua đó, phục vụ công tác quản trị nội bộ và ra quyết định quản trị. Thông tin của KTQT đặc biệt quan trọng trong quá trình vận hành của DN, đồng thời phục vụ việc kiểm soát, đánh giá DN đó. Thông tin mà KTQT cần nắm bắt bao gồm cả thông tin tài chính và thông tin phi tài chính. Có thể nói, bản chất của thông tin trong KTQT là thông tin quản lý, không phải thông tin tài chính đơn thuần. Trước khi tập hợp thông tin KTQT phải biết rõ mục đích của thông tin đó. Bên cạnh đó, KTQT trong DN cũng có những mục tiêu rất rõ ràng:
Một là, biết được từng thành phần chi phí, tính toán và tổng hợp chi phí sản xuất, giá thành cho từng loại sản phẩm, từng loại công trình dịch vụ.
Hai là, xây dựng được các khoản dự toán ngân sách cho các mục tiêu hoạt động.
Ba là, kiểm soát thực hiện và giải trình các nguyên nhân chênh lệch giữa chi phí theo dự toán và thực tế.
Bốn là, cung cấp các thông tin cần thiết cho các nhà quản lý để có các quyết định kinh doanh hợp lý, nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đạt được mục tiêu mà DN đề ra, từ đó làm tăng giá trị DN (giá trị cổ đông) và giá trị khách hàng.
“Nhận diện” điểm khác biệt và tương đồng giữa KTQT với kế toán tài chính
Điểm khác biệt:
- Về đối tượng sử dụng thông tin: kế toán tài chính (KTTC) chủ yếu hướng đến đối tượng bên ngoài: Cổ đông, chính phủ (cơ quan thuế, cơ quan quản lý tài chính…), khách hàng, nhà cung cấp... còn KTQT chủ yếu chỉ phục vụ các đối tượng bên trong DN như: Các chủ sở hữu, ban giám đốc, quản lý viên, giám sát viên, các quản đốc…
- Về tính chất thời gian: KTQT chú trọng tương lai, KTTC đi sâu vào quá khứ. Cụ thể, thông tin của KTTC là thông tin thực hiện về những nghiệp vụ đã phát sinh, đã xảy ra. Trong khi đó, thông tin của KTQT chủ yếu đặt trọng tâm cho tương lai vì phần lớn nhiệm vụ của nhà quản trị là lựa chọn phương án, đề án cho một sự kiện hoặc một quá trình chưa xảy ra.
- Về tính chính xác: KTTC nhấn mạnh tính chính xác, khả năng xác minh còn KTQT chú trọng đến sự kịp thời, không cần thật chính xác, thậm chí nhiều ước định.
- Về nguyên tắc trình bày thông tin: Thông tin KTTC phải tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực và chế độ hiện hành về kế toán của từng quốc gia, kể cả các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế về kế toán được các quốc gia công nhận. Trái lại, trong nền kinh tế thị trường, do yêu cầu phải nhạy bén và nắm bắt nhanh các cơ hội kinh doanh đa dạng nên thông tin KTQT cần linh hoạt, nhanh chóng và thích hợp với từng quyết định cụ thể của người quản lý, không buộc phải tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán chung.
- Về tính pháp lý: KTTC có tính pháp lệnh, nghĩa là hệ thống sổ, ghi chép, trình bày và cung cấp thông tin của KTTC đều phải tuân theo các quy định thống nhất nếu muốn được thừa nhận. Ngược lại, tổ chức công tác quản trị lại mang tính nội bộ, thuộc thẩm quyền của từng DN phù hợp với đặc thù quản lý, yêu cầu quản lý, điều kiện và khả năng quản lý cụ thể của từng DN.
- Về kỳ báo cáo: Thông thường, báo cáo của KTQT thường xuyên hơn và ngắn hơn kỳ báo cáo của KTTC. Báo cáo của KTTC được soạn thảo theo định kỳ, thường là hàng năm, còn báo cáo của KTQT được soạn thảo thường xuyên theo yêu cầu quản trị DN. KTQT không có lộ trình cố định như KTTC. Báo cáo của KTTC được thực hiện thông qua một lịch trình cụ thể và vào được DN thông qua có kế hoạch.
- Về hình thức báo cáo sử dụng: Báo cáo được sử dụng trong KTTC là các báo cáo kế toán tổng hợp (gọi là các Báo cáo tài chính) phản ánh tổng quát về sản nghiệp, kết quả hoạt động của DN trong một thời kỳ (gồm, bảng cân đối kế toán; Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Thuyết minh báo cáo tài chính). Trong khi đó, báo cáo của KTQT đi sâu vào từng bộ phận, từng khâu công việc của DN (như báo cáo chi phí sản xuất và giá thành, báo cáo nợ phải trả, báo cáo nhập xuất và tồn kho của hàng tồn kho…).
Điểm tương đồng:
- Một là, KTQT và KTTC đều đề cập đến các sự kiện kinh tế trong DN và đều quan tâm đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn sở hữu, doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động và quá trình lưu chuyển tiền tệ của DN. Một bên phản ánh tổng quát và một bên phản ánh chi tiết, tỉ mỉ của các vấn đề đó.
- Hai là, KTQT và KTTC đều dựa trên hệ thống ghi chép ban đầu của kế toán - cơ sở để KTTC soạn thảo các báo cáo tài chính định kỳ, cung cấp cho các đối tượng ở bên ngoài. Đối với KTQT, hệ thống đó cũng là cơ sở để vận dụng, xử lý nhằm tạo ra các thông tin thích hợp cho việc ra quyết định của các nhà quản trị.
- Ba là, KTQT và KTTC đều biểu hiện trách nhiệm của người quản lý. KTTC biểu hiện trách nhiệm của người quản lý cao cấp, còn KTQT biểu hiện trách nhiệm của các nhà quản lý các cấp trên trong DN.
Đề xuất, kiến nghị
KTQT hiện đang nhận được sự đón nhận tích cực từ nhiều nhà quản lý. Tuy nhiên, việc quản lý yếu kém trong áp dụng KTQT đối với các DN quy mô vừa trở lên dẫn đến hạn chế trong hội nhập. Để giúp DN nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, cần có giải pháp về KTQT, cụ thể:
- Một là, cần nhanh chóng thay đổi nhận thức về KTQT. KTQT hiện nay của chúng ta đang ở đâu và có những rào cản nào trong quá trình phát triển? Các DN cần có cái nhìn đúng đắn về KTQT, và quan trọng hơn cả là chủ động, đẩy mạnh áp dụng KTQT trong hoạt động điều hành sản xuất – kinh doanh nhằm đạt được hiệu quả quản lý cao nhất.
- Hai là, theo kịp chuẩn kế toán quốc tế. Theo đó, các DN Việt Nam cần tuân thủ và đảm bảo chế độ kế toán rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để số liệu của các DN Việt Nam được cơ quan điều tra chấp nhận sử dụng khi cần, đồng thời cần lưu giữ tất cả các số liệu, sổ sách chứng từ cần thiết nhằm tránh rủi ro có thể xảy ra.
- Ba là, ngay từ khâu lập kế hoạch kinh doanh cũng như xây dựng chiến lược đề phòng rủi ro từ trước, các DN cần phải có sự nhìn nhận một cách đúng đắn và thấu đáo. Các báo cáo doanh thu, chi phí và số lượng sản phẩm tiêu thụ là điều kiện cơ bản để đánh giá hiệu quả phát triển của DN. Đây chính là việc thu nhập, xử lý, đánh giá và cung cấp thông tin kinh tế tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán - công việc của KTQT.
- Bốn là, tăng cường học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới. KTQT hiện rất phổ biến ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển. Chính điều này tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam có thể “đi tắt, đón đầu” thông qua việc tăng cường hợp tác và đào tạo về KTQT.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Kế toán năm 2013;
2. Kế toán quản trị trong doanh nghiệp http://ketoan24h.com/;
3. Tài liệu Kế toán quản trị Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông.
Nâng cao hiệu quả ứng dụng kế toán quản trị tại các doanh nghiệp Việt Nam
(Tài chính) Trước xu thế hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, Việt Nam đang từng bước tiến hành cải cách toàn diện hệ thống kế toán nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, đòi hỏi về thông tin đa dạng, phục vụ cho công tác điều hành của doanh nghiệp. Đây cũng là cơ sở để hình thành kế toán quản trị trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Xem thêm