Một số bất cập trong quản lý thu thuế xuất, nhập khẩu
Trong những năm qua, việc tổ chức thực hiện thu thuế xuất, nhập khẩu đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận, bảo đảm thu đúng, thu đủ. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, tình trạng thất thu ngân sách trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu vẫn còn tồn tại một số bất cập, do một số nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, về phân loại hàng hóa, mã hóa hàng hóa để xác định mức thuế phải nộp. Mặc dù đã có nhiều cải tiến sửa đổi về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi như thu hẹp mức thuế suất chênh lệch, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, nhưng thực tế vẫn còn một số mặt hàng có tên gọi hoặc phạm vi sử dụng giống nhau, có mức thuế suất chênh lệch và không có tiêu chuẩn phân biệt, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng chưa tương thích việc mô tả tên hàng và áp mã số hàng hóa của thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng với Danh mục Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, từ đó gây khó khăn cho khâu thực hiện.
Thứ hai, về trị giá hải quan mới bắt đầu áp dụng việc xác định trước trị giá tính thuế, vấn đề xác định trị giá đối với các trường hợp chuyển giá còn chậm. Một số nội dung thực hiện về “trị giá tính thuế đến cửa khẩu đầu tiên” chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế, gây khó khăn, cho người nộp thuế thực hiện. Mặt khác, việc nghiên cứu bài bản, chuyên sâu về gian lận qua trị giá chưa được quan tâm đúng mức và hiệu quả. Hệ thống cơ sở dữ liệu còn chưa phong phú, thông tin có giá trị sử dụng thấp, độ tin cậy thấp, chưa gắn kết với các tập đoàn, cơ sở định giá quốc tế, cách làm thủ công, đơn điệu, kém hiệu quả.
Thứ ba, về quản lý miễn giảm thuế, hoàn thuế đã có nhiều tiến bộ khi áp dụng Luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, chế độ ưu đãi miễn giảm thuế đối với một số loại hình hàng hóa như hàng gia công và hàng nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu chưa hợp lý, có xu hướng bị lợi dụng gian lận, trốn thuế ở diện rộng, song vấn đề này lại đang chậm được xem xét nghiên cứu và kiến nghị biện pháp chuyển sang chế độ bảo thuế.
Thứ tư, về quản lý thu nợ thuế cũng còn nhiều bất cập. Quy định về thời hạn nộp thuế vẫn bị lợi dụng để chây ỳ nợ thuế, dẫn đến trốn thuế hoặc tự giải thể, gây thất thu cho ngân sách nhà nước (NSNN). Quy định thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền phạt; Xoá nợ tiền thuế nên chưa nâng cao hiệu quả quản lý nợ thu hồi trước những khoản nợ quá hạn, nhằm giảm nợ xấu và giảm thiểu các vụ việc phải cưỡng chế.
Thứ năm, mặc dù cơ quan hải quan đã áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro (QLRR) hải quan từ 9 năm nay nhưng từ góc độ đánh giá rủi ro trong tạo thuận lợi thương mại, qua quá trình áp dụng QLRR còn nổi lên một số vấn đề. Cụ thể như, công tác chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động kiểm tra hải quan vẫn còn bất cập, chồng chéo, thiếu tính đồng bộ, thống nhất dẫn đến những lúng túng trong hoạt động kiểm tra hải quan và hậu quả là thất thu qua gian lận thương mại, buôn lậu qua biên giới. Thực tế cho thấy, việc kiểm tra hải quan đang bị điều chỉnh chủ yếu bởi các quy định, hướng dẫn có tính khuôn mẫu cứng nhắc (chiếm tỷ lệ trên 70%), hiện tại có đến hơn 6 triệu dòng hàng hóa bị tác động bởi hơn 200 văn bản của các bộ, ngành ban hành yêu cầu phải kiểm soát các mặt hàng này bằng việc kiểm tra hồ sơ luồng vàng hoặc kiểm tra thực tế qua luồng đỏ…
Xem xét từ nhiều góc độ vẫn còn tồn tại những sơ hở, thiếu sót, hạn chế nhưng chưa được khắc phục kịp thời, điển hình như: Sơ hở trong những quy định về chế độ chính sách, thủ tục hải quan; Quy trình, quy định về kiểm tra hải quan chưa được hoàn thiện kịp thời, còn sự lẫn lộn giữa thủ tục với kiểm tra hải quan, thiếu các hệ thống chỉ dẫn về kiểm tra hải quan; Việc kiểm tra của một bộ phận công chức còn mang tính hình thức; Còn hiện tượng bỏ qua vi phạm trong quá trình kiểm tra.
Thứ sáu, hoạt động kiểm tra sau thông quan trong những năm qua đã đóng góp cho nguồn thu ngân sách hàng trăm tỷ đồng qua việc phát hiện những hồ sơ đã thông quan, tuy nhiên nhìn nhận lại thì thấy còn nhiều vấn đề bất cập lớn.
Một số giải pháp kiến nghị
Cần triển khai xây dựng các nội dung của Luật Hải quan (sửa đổi) tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện đại hóa hoạt động quản lý hải quan, từng bước chuyển dần từ phương thức quản lý thủ công sang phương thức quản lý hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin và thủ tục hải quan điện tử.
Một là, áp dụng thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa và phương tiện vận tải: Kể từ năm 2005, khi bắt đầu triển khai thí điểm thủ tục hải quan điện tử đến 6/2014, đã đạt được hiệu quả nhất định, tác động tích cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp (DN), đến cơ quan hải quan và các bộ, ngành liên quan. Các cơ quan bộ, ngành liên quan nhận được sự phối hợp tích cực của cơ quan hải quan trong việc xây dựng các danh mục chuẩn hóa, mã hóa và xây dựng bộ máy chỉ đạo triển khai thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN; Thúc đẩy quá trình điện tử hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực được Chính phủ giao quản lý của các bộ, ngành. Thủ tục hải quan điện tử đã góp phần đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ hải quan, đưa đến 3 giảm “giấy tờ, thời gian và chi phí”. Tờ khai hải quan điện tử được chấp nhận và là căn cứ pháp lý để thông quan hàng hóa. Đối với lô hàng được phân luồng xanh, DN chỉ phải khai tờ khai điện tử. Thời gian thông quan giảm, tỷ lệ phân luồng xanh tăng, giảm việc tiếp xúc trực tiếp giữa DN và công chức hải quan trong khâu thông quan.
Hai là, áp dụng kỹ thuật QLRR, quản lý tuân thủ DN: Bắt đầu từ 01/01/2006, ngành Hải quan chính thức áp dụng kỹ thuật QLRR làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất, nhập khẩu thương mại; Giải toả được ách tắc tại khâu đăng ký tờ khai do các thông tin về nợ thuế và chủ hàng sẽ được hệ thống máy tính xác định; Đảm bảo khách quan trong việc quyết định hình thức, mức độ kiểm tra, cũng như việc lựa chọn ngẫu nhiên lô hàng phải kiểm tra. Trên cơ sở việc xây dựng, cập nhật, quản lý các hồ sơ rủi ro và hồ sơ DN, đã giúp cho cán bộ, công chức hải quan quản lý, theo dõi các đối tượng có rủi ro về vi phạm pháp luật hải quan, đồng thời, thiết lập tiêu chí phục vụ việc phân luồng kiểm tra trong thông quan và chuyển giao kiểm tra sau thông quan.
Ba là, thực hiện Hiệp định trị giá GATT/WTO 1994. Theo đó, từ 2002 đến 2005, đã áp dụng 4 phương pháp xác định trị giá tính thuế theo Hiệp định này. Năm 2004, bỏ hoàn toàn phương pháp xác định trị giá theo bảng giá tối thiểu. Từ năm 2006 đến nay, thực hiện đầy đủ 6 phương pháp xác định trị giá theo Hiệp định và áp dụng với tất cả kim ngạch hàng nhập khẩu.
Bốn là, thực hiện kiểm tra sau thông quan. Đã tạo ra biện pháp quản lý phù hợp cho công tác quản lý hải quan hiện đại; Giúp cho DN nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật; Góp phần tích cực chống thất thu thuế hàng hóa xuất, nhập khẩu; Từng bước có tác dụng ngăn ngừa, răn đe đối với các chủ thể cố ý vi phạm pháp luật hải quan.
Năm là, thực hiện đồng bộ điện tử hóa một số hoạt động quản lý hải quan. Ngay từ năm 2005, đã thí điểm thủ tục hải quan điện tử e-Declaration, tuy nhiên áp dụng điện tử hóa đối với hàng hóa chỉ giải quyết được một phần khâu quản lý. Đặc biệt, chưa hỗ trợ tối đa cho đầu vào của quy trình thông quan, do vậy cần xây dựng thiết kế chương trình điện tử hóa các hoạt động của phương tiện vận tải qua e-Manifest, trước mắt áp dụng với hàng hóa, phương tiện qua đường biển. Việc kết nối mạng với các bộ, ngành trong mối quan hệ hữu cơ quản lý khoảng hơn 6 triệu dòng hàng chịu sự điều chỉnh của hệ thống văn bản quản lý chuyên ngành của 18 bộ, ngành với hơn 200 văn bản cụ thể là một công việc lớn và phức tạp theo e-Permission, trong đó chính là cơ chế quản lý một cửa quốc gia. Qua hoạt động quản lý kinh tế đối ngoại, trao đổi giao lưu hàng hóa với các khối khu vực và thế giới, việc quản lý xuất xứ và giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có tầm quan trọng đặc biệt qua chương trình e-C/O; Tiếp tục mở rộng hơn nữa và nâng cấp hoạt động thanh toán thu ngân sách qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng theo e-Payment đã đạt nhiều kết quả đáng mừng.
Sáu là, trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả chống thất thu NSNN trong lĩnh vực hải quan, cần điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế kiểm tra hải quan, trong đó xác định QLRR là trụ cột xuyên suốt, làm căn cứ cho việc kiểm tra hải quan. Thực hiện hiệu quả, Thông tư 175/2013/TT-BTC quy định QLRR trong hoạt động hải quan, trong đó hướng dẫn cụ thể về tiêu chí lựa chọn kiểm tra, căn cứ cho việc quyết định hình thức, mức độ kiểm tra, giải quyết các vướng mắc giữa thủ tục và kiểm tra; Tạo cơ sở pháp lý cho cán bộ, công chức quyết định hình thức, mức độ kiểm tra. Qua đó, giải quyết tình trạng chuyển luồng tùy tiện; Thống nhất đầu mối điều phối, chỉ đạo hoạt động kiểm tra hải quan trong phạm vi toàn Ngành.
Cần thống nhất về nhận thức, đã áp dụng QLRR thì đơn vị QLRR phải là đầu mối chịu trách nhiệm xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động này. Trong đó, lấy việc đánh giá rủi ro là cơ sở cho việc quyết định thực hiện kiểm tra (hoặc không thực hiện); Các văn bản quy định, hướng dẫn về kiểm tra cần được lọc qua QLRR; Cần xác định nội dung các văn bản này chỉ là đối tượng trọng điểm cho việc đánh giá rủi ro không nên coi đó là căn cứ quyết định kiểm tra; Đẩy mạnh công tác phân tích rủi ro, xác định trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng kiểm tra hải quan; Phân tích thông tin trước về hàng hóa, phương tiện trên cơ sở dự án E-manifest đang triển khai trong toàn Ngành; Đào tạo, nâng cao năng lực phân tích rủi ro của công chức hải quan; Hoàn thiện cơ chế thu thập, phản hồi thông tin, đặc biệt là thông tin vi phạm được phát hiện trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.
Bảy là, tiếp tục nghiên cứu triển khai Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc cho DN; Nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng bổ sung quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Tài chính trong xử lý mức thuế đối với mặt hàng mới, dễ lẫn, phức tạp, phù hợp với yêu cầu bảo hộ sản xuất có chọn lọc, có điều kiện, có thời hạn, khuyến khích đầu tư sản xuất trong nước, đảm bảo bình ổn thị trường, gây xáo trộn sản xuất kinh doanh; Bỏ quy định miễn thuế đối với phương tiện vận tải trong dây chuyền công nghệ, miễn thuế đối với hàng hóa là trang thiết bị nhập khẩu lần đầu của dự án đầu tư về khách sạn, văn phòng, căn hộ cho thuê, nhà ở, trung tâm thương mại.
Tám là, xây dựng đầy đủ hoặc nâng cấp các cơ sở dữ liệu về phân loại hàng hoá, áp dụng mức thuế; trị giá hải quan; quản lý xuất xứ hàng hóa; danh mục quản lý chuyên ngành. Đa dạng hóa định dạng thông tin trong hệ thống dữ liệu để có thông tin nhiều chiều về hàng hóa. Phát triển các phần mềm ứng dụng để liên kết thông tin trong hệ thống dữ liệu giá, mã, xuất xứ... tiến tới thực hiện phân loại hàng hóa, xác định mức thuế tự động.
Chín là, tăng cường kiểm tra, thanh tra, chống thất thu và gian lận thương mại; Kiểm soát hải quan nghiêm ngặt không để tổ chức, cá nhân lợi dụng một số cơ chế, chính sách về phân loại hàng hóa, trị giá tính thuế để trốn thuế. Tăng cường kiểm tra sau thông quan tại trụ sở DN, phát hiện kịp thời các sai sót và các hành vi gian lận, trốn thuế; Cần rà soát, đánh giá lại công tác phúc tập tờ khai tại Chi cục Hải quan để tìm ra những bất cập và có biện pháp chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả của công tác này, ngăn ngừa tình trạng sau nhiều năm mới kiểm tra sau thông quan, phát hiện truy thu thuế gây khó khăn cho cả cơ quan hải quan và DN.
Mười là, xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp trong ngành Hải quan, trong cơ quan Tổng cục Hải quan và Tổng cục Hải quan với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Việc xây dựng quy chế nội bộ trong Ngành phải đáp ứng yêu cầu: Phân định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, từng khâu nghiệp vụ, từng cá nhân đồng thời chỉ rõ điều kiện, cách thức phối hợp giữa các khâu, các bộ phận trong quá trình phân loại hàng hóa; Phát huy vai trò, chức năng, ưu thế của từng bộ phận trong các khâu. Trên cơ sở đó kết hợp để đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác phân loại hàng hóa. Trường hợp đã có quy chế thì quán triệt việc thực hiện đến từng cấp, kịp thời chấn chỉnh nếu công tác phối hợp giữa các cấp, các bộ phận chưa tốt, chưa hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Hải quan (sửa đổi, bổ sung);
2. Báo cáo đánh giá tác động của Luật Hải quan (sửa đổi) của Chính phủ gửi Quốc hội tháng 5/2013;
3. Các Báo cáo tham luận tại Hội nghị chuyên đề chống thất thu NSNN của Tổng cục Hải quan tháng 3/2012;
4. Số liệu thống kê của ngành Hải quan trong các năm.
Nâng cao năng lực quản lý hải quan đối với thuế xuất, nhập khẩu ở Việt Nam
(Tài chính) Để cải cách, hiện đại hóa hải quan cũng như đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động xuất, nhập khẩu, đòi hỏi đặt ra đối với ngành Hải quan cần nâng cao hơn nữa năng lực quản lý đối với Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trước mắt, cần nghiên cứu một cách toàn diện về vấn đề này, từ đó xây dựng lộ trình, nâng cao công tác quản lý.
Xem thêm