Nâng hạng thị trường chứng khoán được lợi gì?
Trong đợt review (rà soát) vào tháng 9-2018, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã được FTSE đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi thứ cấp (secondary emerging) trong vòng ít nhất 1 năm.
Sau khoảng thời gian theo dõi, FTSE sẽ xem xét để đưa ra quyết định nâng hạng, và trong trường hợp sớm nhất việc này sẽ được thực hiện vào tháng 9-2020. Có thể thấy, từ khi câu chuyện nâng hạng được bàn tán sôi nổi vào năm 2017 đến khoảng thời gian tháng 9-2020 là hơn 3 năm, đây rõ ràng là một game dài.
Nhưng sự hưng phấn có phần thái quá khi TTCK Việt Nam diễn biến thuận lợi vào giai đoạn 2017-2018, đã tạo ra cảm giác việc nâng hạng đang ở rất gần. Phần đông các nhà đầu tư (NĐT), nhất là nhóm NĐT nhỏ lẻ vẫn nhìn nhận việc nâng hạng dưới góc độ định tính hơn là định lượng, chẳng hạn nâng hạng sẽ hút thêm dòng tiền, hỗ trợ tốt cho thị trường.
Điều này đúng, nhưng một yếu tố quan trọng không kém là thời điểm, thậm chí câu chuyện dài hạn để gán ghép cho ngắn hạn sẽ trở nên miễn cưỡng. Chẳng hạn về dòng tiền, hay lượng hóa được số tiền có thể đổ vào TTCK Việt Nam khi nâng hạng cũng không hề đơn giản.
Nếu thị trường Việt Nam được nâng hạng thì sẽ có chỉ số FTSE Vietnam Index, chỉ số này sẽ nằm trong hệ thống của chỉ số FTSE Emerging Markets Index, và tất nhiên các quỹ ETF dù muốn hay không cũng sẽ phải phân bổ vốn vào cho thị trường nước ta. Vấn đề là tỷ trọng của FTSE Vietnam Index chiếm bao nhiêu % trong rổ FTSE Emerging Markets Index, sẽ quyết định độ lớn của dòng vốn đổ vào TTCK Việt Nam. Nếu ước tính tổng số vốn mà các ETF đưa thị trường mới nổi thứ cấp vào khoảng 6,1 tỷ USD, và tỷ trọng của FTSE Vietnam Index vào khoảng 0,3%, thì số vốn mà các ETF có thể đổ vào TTCK Việt Nam gần 200 triệu USD.
Song đây cũng là con số tương đối, bởi trước khi thị trường nước ta được nâng hạng cũng đã có những dòng vốn đón sóng nâng hạng; hay kể cả sau khi được nâng hạng, dòng vốn đổ vào đẩy vốn hóa tăng lên, tỷ trọng so với chỉ số chung cũng tăng, khiến cho vốn có thể đổ vào nhiều lần và gia tăng, nên con số chắc chắn không chỉ là 200 triệu USD. Lúc đó, thương hiệu của TTCK Việt Nam sẽ được củng cố, thu hút thêm nhiều dòng vốn cả ngắn lẫn dài hạn. Nhiều quỹ trước đây có thể không mua, nhưng buộc vào thế phải mua, TTCK Việt Nam giống như giai đoạn cuối 2017 đầu 2018 vậy.
Tiền đổ vào TTCK nhờ nâng hạng cũng sẽ chảy cụ thể vào những cổ phiếu (CP) cụ thể, tất nhiên là những CP vốn hóa lớn, chiếm tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số FTSE Vietnam như VNM, VCB, VJC, HPG… sẽ hưởng lợi. Nhưng những ước tính này cũng chỉ tương đối, bởi lẽ vốn hóa của CP biến động theo từng ngày, không chắc rằng CP này hiện có vốn hóa lớn nhất nhưng đến khi TTCK Việt Nam được nâng hạng có còn duy trì, hay lui xuống thứ mấy, CP nào sẽ thay thế…
Do vậy sẽ là đánh cược nếu dồn tiền mua vào một hay vài CP nào đó, xong rồi đợi thị trường bước vào giai đoạn nâng hạng để hưởng lợi, vì khoảng thời gian chờ đợi tính bằng năm thì kiểm soát không đơn giản. Mối bận tâm trong ngắn hạn của các NĐT cá nhân hiện nay là VN Index liệu có trụ được ở ngưỡng 900 điểm hay không? Nếu trụ được TTCK diễn biến ra sao? Còn nếu không trụ được sẽ giảm đến bao nhiêu để liệu có thể “short” (vị thế bán) phái sinh nhằm tìm kiếm cơ hội sinh lời.
Nâng hạng vẫn còn ở phía trước. Đã có một thời đình đám tạo catalyst (lực đẩy) cho VN Index chính là việc gia nhập TPP (hiện giờ là CPTPP) và thoái vốn. Những câu chuyện này đã xuất hiện và được bàn tán trên thị trường đã gần nửa thập kỷ, nhưng không chỉ đem lại tác dụng cho một lần hay một khoảng thời gian mà rất nhiều lần. Do vậy chắc chắn khi nâng hạng chưa chính thức xảy ra, tác động cũng giống như TPP hay thoái vốn.
Giai đoạn 1 của câu chuyện nâng hạng xem như đã kết thúc, vì ít nhất các kỳ vọng của NĐT đã được phản ánh vào giá CP cũng như diễn biến trên thị trường, kể cả về dòng tiền… Giai đoạn 2 nhiều khả năng sẽ được nhắc đến nhiều trong khoảng thời gian cận kề tháng 9-2019, tức là khi thời hạn để FTSE xem xét nâng hạng cho TTCK Việt Nam kết thúc. Nhưng trước và sau bao lâu còn phụ thuộc vào diễn biến của thị trường chung, nếu hưng phấn có khi 3-4 tháng, tức là từ cuối quý II năm nay khi câu chuyện nâng hạng đã được nhắc lại. Và thậm chí trong trường hợp tiêu cực không có tác động gì, thì cách lý giải rằng đã “phản ứng thái quá” từ những năm trước cũng có thể hợp lý.
Như vậy TTCK Việt Nam sẽ lại xuất hiện một cuộc chạy đua về dòng tiền đón lõng, chuẩn bị cho sự nâng hạng chính thức, rồi CP nào vốn hóa bao nhiêu, sẽ đón bao nhiêu tiền. Nhưng nói gì thì nói, chuyện nâng hạng của TTCK Việt Nam sẽ có tác động củng cố về mặt dài hạn ở dòng tiền, hơn là kỳ vọng sự bùng nổ ngắn hạn vẫn có thể xảy ra và nâng hạng cũng chỉ là một chất xúc tác để tạo ra hưng phấn cho TTCK Việt Nam.