Nga – Trung tìm kiếm liên minh tiền tệ
(Tài chính) Trong bối cảnh bị phương Tây cô lập về kinh tế, Mỹ phá giá đồng ruble và giá dầu lửa giảm mạnh, Nga hướng tới Trung Quốc tìm kiếm một liên minh tiền tệ.
Nói cách khác, một lượng dầu lớn cũng sẽ sớm không giao thương bằng đồng petro-dollar (dollar dầu lửa) nữa, mà sẽ bằng ruble, NDT và các đồng tiền trong nước tương ứng của đối tác. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu trên toàn thế giới đối với đồng dollar dầu lửa, điều sẽ làm giá trị của đồng USD giảm và trong trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến siêu lạm phát trong các nền kinh tế dùng đồng USD, bao gồm những nước liên kết chặt chẽ với nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, Nga không phải lo sợ, vì đồng ruble không thực sự được giao dịch ở bất cứ đâu, trừ được bán ở các ngân hàng trung ương phương Tây nhằm phá hủy nền kinh tế Nga bằng cách làm ngập một thị trường tưởng tượng với đồng tiền Nga.
Ngân hàng Trung ương Nga về cơ bản không can thiệp vì Moscow sẽ cần đồng ruble cho liên minh thương mại mới của mình - và sẽ mua lại đồng ruble từ thị trường đang thừa đồng ruble với giá hời bằng đồng USD, đồng euro cũng như các đồng tiền liên kết với phương Tây khác. Trong hệ thống tiền tệ dựa vào Nga-Trung Quốc tương lai, những đồng tiền này ít nhất ban đầu sẽ có tầm quan trọng thứ hai hoặc thứ ba.
Hơn một năm trước, Nga bắt đầu bán dầu lửa bằng đồng ruble và đồng nội tệ của các đối tác thương mại, như Trung Quốc và các nước BRICS. Hiện nay Nga đang bán dầu lửa bằng vàng. Đây được coi là một bước đi chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi chấp nhận đồng USD tăng giá một cách giả tạo do lạm phát và lập tức đổi chúng lấy vàng, từ đó tăng lượng dự trữ vàng của Nga đến mức đáng kể. Hiện tại, đồng ruble đã được vàng hỗ trợ - một thực tế phương Tây không thể phủ nhận.
Những nỗ lực của Mỹ để phá hủy nền kinh tế Nga có thể trở thành gậy ông đập lưng ông. Trong lúc đó và khi dự trữ vàng của Nga tăng lên, Nga đã thiết lập một hệ thống SWIFT (gồm các ngân hàng và tổ chức tài chính) thay thế. Hiện nó đang được thử nghiệm nội bộ nhưng có thể đưa ra toàn cầu chỉ trong vài tháng. Bất cứ nước nào muốn tránh bị đồng USD thao túng có thể sử dụng hệ thống mới này để trao đổi tiền tệ quốc tế.
Hệ thống này sẵn sàng giao dịch dầu lửa bằng đồng nội tệ hoặc đồng tiền khác ngoài USD. Thêm vào đó, với liên minh kinh tế của mình, Nga và Trung Quốc có thể sớm phát hành đồng tiền mới, một giỏ tiền tệ mà có thể thu hút những nước muốn tránh bị lệ thuộc vào đồng USD, trước mắt sẽ là các nước BRICS và SCO.
Hệ thống này có thể vận hành giống như đồng euro lúc mới đầu - như một giỏ tiền tệ mà mỗi đồng tiền được định giá theo một vài chỉ số then chốt của nền kinh tế nước đó. Ban đầu hệ thống tiền tệ mới có thể dựa trên vàng.
Một hệ thống tiền tệ mới như vậy sẽ có thể sớm chiếm 25 - 30% nền kinh tế thế giới, thách thức đồng USD như là một đơn vị dự trữ toàn cầu. 10 năm trước, 90% dự trữ thế giới bao gồm chứng khoán có mệnh giá USD. Hiện nay tỷ lệ này đã rút xuống chỉ còn khoảng 60%, khi các đồng tiền như nhân dân tệ đang nhanh chóng giành vị trí như tiền tệ dự trữ, đặc biệt ở châu Á. Ngay cả Australia gần đây cũng tuyên bố sẽ tăng mức nắm giữ đồng Nhân dân tệ.
Sự xuất hiện của một kế hoạch tiền tệ không lệ thuộc vào đồng USD mang tính phương Đông là mục tiêu mà cả Nga và Trung Quốc đều có lợi ích.