Ngân hàng lo thoái vốn

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) “M&A được xem là một trong những giải pháp phù hợp để các ngân hàng thương mại có cùng dáng dấp chủ sở hữu về chung một nhà. Theo đó, xóa được tình trạng sở hữu chéo theo quy định của Thông tư 36”, một vị chuyên gia đánh giá.

Ngân hàng lo thoái vốn
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo quy định tại Thông tư 36, có hiệu lực từ 1/2/2015, một NHTM chỉ được sở hữu tối đa hai TCTD và tỷ lệ sở hữu vốn không quá 5%. Hạn cuối cùng để các NHTM thực hiện thoái vốn là 1/2/2016 – tức tròn một năm kể từ khi Thông tư có hiệu lực. Như vậy, đối với những NH đang nắm giữ tỷ lệ sở hữu tại 3-4 TCTD sẽ phải khẩn trương thoái vốn. Một năm không phải là dài để cho các NH sắp xếp lại, xác định xu hướng phát triển dài hạn trong tương lai. Chính vì thế, thị trường chuyển nhượng đã có chuyển động mạnh mẽ ngay từ đầu năm.

Cuối tháng 1/2015, sau những ngày trầm lắng, bỗng dưng mã EIB của Eximbank thường xuyên xuất hiện những giao dịch “khủng”. Đơn cử vào ngày 23/1 có 60 triệu cổ phiếu EIB (gần 4,85% cổ phần của EIB) đã tiến hành giao dịch thoả thuận. Đến ngày đầu tuần tiếp ngay đó (26/1), vẫn là những phiên giao dịch mạnh cổ phiếu EIB. Chỉ trong 2 phiên liên tiếp cuối tháng 1, EIB có giao dịch thỏa thuận với tổng khối lượng là 93 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.200 tỷ đồng.

Nhiều người đặt câu hỏi, liệu ông chủ NH nào đang thực hiện thoái vốn tại EIB? Theo nguồn tin của TBNH, trong số giao dịch khủng trên có một lượng cổ phiếu của một ông chủ NH chuyển giao cho một “đại gia” từng làm bà chủ của một NH khác. Bà chủ này cũng vừa thoái vốn tại NH của chính mình để tìm đối tác mới. Với việc nắm giữ một lượng cổ phiếu lớn như vậy, bà chủ mới sẽ nắm quyền chi phối lớn tại NH này.

Một NH đáng chú ý khác là Vietcombank. Hiện Vietcombank cũng đang nắm giữ 8,24% cổ phần tại Eximbank và họ cũng đánh tiếng sẽ sớm thoái vốn bởi Vietcombank là một trong những NH có tỷ lệ sở hữu vượt trần. Cụ thể, NH này sở hữu 11% tại MB; 8,2% tại Eximbank; 5,3% tại SaigonBank…

Một số NH kiến nghị với NHNN cho thêm thời gian để thực hiện thoái vốn. Cụ thể, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Vietcombank, Tổng giám đốc Phạm Quang Dũng đã kiến nghị với NHNN: việc thoái vốn cần có thời gian, giảm tác động đến giá bán cổ phiếu. Vì vậy, Vietcombank xin NHNN cho gia hạn thời gian chuyển nhượng để tìm đối tác.

Về kiến nghị lùi thời gian thoái vốn, Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NH Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, quy định đã đề ra, các NH nên cố gắng thực hiện, chứ không nên đặt vấn đề xin lùi. Đồng tình với việc không nên lùi thời hạn áp dụng, nhưng TS. Trần Du Lịch cho rằng, khi xử lý từng trường hợp cụ thể, với thẩm quyền của cơ quan quản lý, NHNN có thể có cơ chế mềm dẻo để tạo điều kiện vừa thúc đẩy NHTM tích cực tái cấu trúc theo định hướng, nhưng cũng không làm cho họ quá khó khăn. Nhất là đối với những NH mới được giao tham gia sở hữu NH khác.

Tuy việc thoái vốn trong vòng một năm tới của các NH có thể sẽ ổn khi TTCK sôi động hơn, nhưng NHNN nên linh hoạt “châm chước” với những trường hợp đặc biệt là quan điểm của TS. Cấn Văn Lực. Theo ông Lực, các NH có thể thoái những khoản nhỏ dễ dàng trước, đặc biệt những khoản mang tính chất ngoài ngành. Trong quá trình triển khai có vướng mắc, các NH phải báo cáo đến cơ quan quản lý để giải quyết kịp thời, không ảnh hưởng đến lộ trình của cả hệ thống.

Để thực hiện thoái vốn nhanh, theo nhận định của các chuyên gia, việc tìm đối tác với mức giá phù hợp rất quan trọng. Theo ông Lực, câu chuyện về định giá không hề đơn giản trong bối cảnh hiện nay, nhất là cổ phiếu tại các NH chưa lên sàn. Vì vậy, việc NHNN yêu cầu các NHTM khẩn trương lên kế hoạch niêm yết trên TTCK, vừa tăng độ minh bạch thông tin, giảm sở hữu chéo, còn giúp cho việc định giá cổ phiếu đơn giản hơn. Về vấn đề này, TS. Lịch đánh giá đây là một định hướng tốt của cơ quan quản lý.

Để các NH tốt lên sàn thành công, theo ông Lịch, nên dùng biện pháp kinh tế hơn là hành chính. Ví dụ như đối với những công ty đại chúng (trong đó có NH) lên sàn thì được tính thuế thu nhập DN thấp hơn những công ty chưa lên. “Có như vậy mới khuyến khích được DN lên sàn. Nếu cơ chế như nhau thì chắc chắn họ không mặn mà đối với việc này”, ông Lịch nhấn mạnh.

Một giải pháp giảm tỷ lệ sở hữu cũng được các NH tính đến đó là M&A. Theo lãnh đạo MaritimeBank, NH này cố gắng hoàn tất thương vụ sáp nhập NHTMCP Phát triển Mê Kông (MDB) trước Tết Nguyên đán. Việc sáp nhập MDB sẽ giúp NH xóa sở hữu chéo với tỷ lệ vượt trần quy định là 10%. Hay như sáp nhập với Saigonbank, Vietcombank sẽ giảm tỷ lệ sở hữu vượt trần tại NH này.

“M&A được xem một trong những giải pháp phù hợp để các NHTM có cùng dáng dấp chủ sở hữu về chung một nhà. Theo đó, xóa được tình trạng sở hữu chéo theo quy định của Thông tư 36”, một vị chuyên gia đánh giá.

Nhằm giảm tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống NH, TS. Lịch cho rằng: Các NH nhỏ, yếu kém mà có sự tham gia của NH lớn cần ngồi lại để tính chuyện M&A. Mặt khác, có như vậy hệ thống NH Việt Nam mới có những định chế tài chính đủ sức cạnh tranh với NH khu vực.

Ngày 31/1/2015, NHNN đã tuyên bố mua lại toàn bộ vốn cổ phần của NHTMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB). Mục tiêu của biện pháp can thiệp này là tạo thuận lợi cho VNCB trong việc triển khai phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả. Có thể nói, đây là biện pháp mới về tái cơ cấu ngân hàng, được NHNN thực hiện lần đầu tiên từ trước đến nay, thể hiện thái độ kiên quyết của NHNN trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu các TCTD và đề án xử lý nợ xấu theo đúng mục tiêu và lộ trình đề ra.

Thái độ kiên quyết của NHNN trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động ngân hàng cũng được thể hiện khi NHNN quyết định áp dụng Thông tư số 36/TT-NHNN từ ngày 1/2/2015 theo đúng lịch trình đề ra, mặc dù nhiều ý kiến đề nghị hoãn áp dụng Thông tư này. Thông tư số 36/TT-NHNN ngày 20/11/2014 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư 36/TT-NHNN được đánh giá là có tác động hạn chế hoạt động cho vay để kinh doanh chứng khoán và nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu khi bắt buộc các NHTM phải minh bạch hóa thông tin cổ đông.