Ngân hàng mua bán sáp nhập: + và –
(Tài chính) Sau gần hai năm kể từ thương vụ mua bán, sáp nhập ngân hàng đầu tiên đến nay, năm thương hiệu đã biến mất khỏi thị trường ngân hàng.
Mặc dù diễn ra chậm hơn mục tiêu, kỳ vọng, song hoạt động mua bán – sáp nhập ngân hàng cũng đã bước đầu góp phần ngăn chặn được sự đổ vỡ, phá sản của một số ngân hàng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống.
Cuối tuần trước, đại hội cổ đông bất thường của ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) đã thông qua phương án sáp nhập với ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank), bao gồm cả đề án sáp nhập, hợp đồng sáp nhập và điều lệ mới của ngân hàng sau sáp nhập (sau khi sáp nhập vẫn giữ tên HDBank). Đồng thời, đại hội cũng thông qua giao dịch HDBank mua lại công ty Tài chính Việt Société Générale – công ty con của tập đoàn Société Générale (Cộng hoà Pháp).
Như vậy, đây là trường hợp mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng thứ tư diễn ra kể từ cuối năm 2011 đến nay.
Những “điểm cộng”
Trước đó không lâu, 8.9, tổng công ty cổ phần Tài chính dầu khí Việt Nam (PVFC) và ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank) cũng đã tổ chức đại hội đồng cổ đông hợp nhất, với tên gọi ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank).
Hoạt động mua bán, sáp nhập ngân hàng nằm trong kế hoạch tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém với thương vụ đầu tiên là hợp nhất ba ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank), Đệ Nhất (FicomBank) thành ngân hàng SCB. Gần một năm sau đó, tháng 8.2012, ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội cũng đã thâu tóm thành công ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank)…
Không khó để có thể thấy những “điểm cộng” của những thương vụ M&A nói trên.
Chẳng hạn ngân hàng SCB, được hình thành trên cơ sở hợp nhất ba ngân hàng với tình hình tài chính bi đát, rập rình nguy cơ mất thanh khoản, sau một năm (tính đến 31.12.2012), ngân hàng đã nâng tổng tài sản từ hơn 144 tỉ đồng lên hơn 149 tỉ đồng; dư nợ tín dụng từ hơn 64.000 tỉ đồng lên hơn 87.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 77 tỉ đồng; nợ quá hạn/tổng dư nợ từ 12,8% xuống còn 8,8%… Đến hết quý 1/2013, ngân hàng đã thanh toán khoản vay tái cấp vốn của ngân hàng Nhà nước từ hơn 18.000 tỉ đồng còn 2.800 tỉ đồng; hoàn trả khoản vay hỗ trợ từ ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV) gần 2.500 tỉ đồng…
Cùng với sự biến mất của thương hiệu Habubank một thời, SHB đã được đứng vào hàng ngũ những ngân hàng TMCP lớn với vốn điều lệ 9.000 tỉ đồng, tổng tài sản đến 30.6.2013 đạt 104.524 tỉ đồng; 329 điểm giao dịch tại 27 tỉnh thành trong cả nước và chi nhánh tại Lào, Campuchia với gần 2 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp; lợi nhuận trước thuế sáu tháng đầu năm 2013 đạt hơn 400 tỉ đồng…
Ngân hàng HDBank, dự kiến nâng vốn điều lệ lên 8.100 tỉ đồng, với hơn 200 điểm giao dịch trên cả nước; trên 3.600 cán bộ nhân viên… PVcomBank – sau sáp nhập dự kiến có vốn điều lệ 9.000 tỉ đồng, quy mô tài sản 100.000 tỉ đồng, 102 điểm giao dịch trên khắp cả nước…
Bên cạnh “điểm cộng” về quy mô vốn, tổng tài sản, hệ thống giao dịch, những ngân hàng sau sáp nhập, như SHB, HDBank còn cái được lớn khác, như tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê, ghi nhận, là rút ngắn thời gian phát triển kinh doanh để đạt mục tiêu trở thành một ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn – mà một ngân hàng thông thường có thể phải mất đến năm năm mới đạt được.
Cùng với đó, hoạt động mua bán – sáp nhập các ngân hàng yếu kém cũng mang đến những “cái được” cho hoạt động ngân hàng nói chung, đó là tránh được những vụ đổ bể ngân hàng, gây hiệu ứng tiêu cực dây chuyền cho cả hệ thống; hạn chế những lộn xộn trên thị trường ngân hàng như các cuộc chạy đua lãi suất – phần lớn xuất phát từ những ngân hàng nhỏ, để rồi kéo theo cả hệ thống….
… Và những cái giá phải trả
Tuy nhiên, để đạt được những điều đó, các ông chủ ngân hàng cũng phải trả những cái giá không nhỏ!
Trước hết, đó là sự biến mất của một loạt những thương hiệu ngân hàng sau mấy chục năm gây dựng, như thương hiệu Tín Nghĩa, Đệ Nhất, Habubank, Tài chính Dầu khí, Phương Tây và tới đây là Đại Á. Điều đó đồng nghĩa mất mát, hao tổn về tiền bạc, tài sản, thời gian, trí tuệ, sức lực mà các cổ đông ngân hàng đã bỏ ra.
Một trong những cái giá không nhỏ khác, các ông chủ ngân hàng đang phải gánh sau các thương vụ mua bán, nhập là giải quyết khối nợ xấu. Chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng sau sáp nhập thừa nhận, dù đã lường trước độ “xấu”, nhưng việc xử lý những khoản nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập quả là một thách thức. Và tình trạng mệt mỏi, ngắc ngứ với mớ nợ xấu phải ôm lại từ các ngân hàng yếu kém là phổ biến với ông chủ các ngân hàng. Đơn cử như SHB, vừa phải có văn bản giải trình uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về khoản chênh lệch đáng kể lợi nhận sau thuế giữa quý 2 năm nay với quý 2 năm 2012, là do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng thêm bởi các món vay quá hạn được sáp nhập từ Habubank. Trước đó, kết quả kinh doanh quý 3/2012, SHB còn gây “choáng” khi công bố kết quả kinh doanh lỗ luỹ kế tới 1.105 tỉ đồng, do các đơn vị kinh doanh thuộc Habubank lỗ luỹ kế 1.715 tỉ đồng (dù SHB cũ vẫn lãi 610 tỉ đồng).
Nguyên phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, cho rằng, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song các ngân hàng sau sáp nhập vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước, trong đó gian nan nhất là xử lý đống nợ xấu. Các ngân hàng rất cần nguồn tài chính từ bên ngoài, như trường hợp tập đoàn vàng bạc đá quý Doji tham gia cơ cấu ngân hàng TienPhong Bank, hay Thiên Thanh mua lại ngân hàng Đại Tín…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây cho biết, Chính phủ đang xem xét gia tăng sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng, doanh nghiệp, với tỷ lệ sở hữu có thể lên tới 49%, trong tương lai gần. Các chuyên gia tài chính, ngân hàng, cho rằng đây là một tín hiệu tích cực, cho hoạt động xử lý nợ xấu cũng như tái cơ cấu ngân hàng.