Ngân hàng Nhà nước: Điều hành tỉ giá chặt chẽ theo tín hiệu thị trường

PV.

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục quản lý thị trường ngoại hối và điều hành tỉ giá chặt chẽ theo tín hiệu thị trường, phù hợp với các cân đối vĩ mô và cán cân thanh toán quốc tế, thực hiện các biện pháp tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Bởi vậy, những giải pháp điều hành tỷ giá đã giúp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chủ động, linh hoạt trong việc điều hành tỉ giá

Năm 2015 là một năm đầy biến động và nhiều thách thức trong công tác điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách tỉ giá nói riêng trong bối cảnh đồng USD liên tục lên giá do kỳ vọng Fed điều chỉnh tăng lãi suất và Trung Quốc bất ngờ điều chỉnh mạnh tỉ giá đồng Nhân dân tệ kéo theo làn sóng giảm giá mạnh của các đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Việt Nam.

Để ổn định tỉ giá và thị trường ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thay đổi cơ chế điều hành tỉ giá theo hướng chủ động, linh hoạt, thực hiện các biện pháp mua và bán ngoại tệ can thiệp thị trường khi cần thiết, kết hợp giữa điều hành tỉ giá với các công cụ chính sách tiền tệ để giảm áp lực lên tỉ giá và thị trường ngoại tệ,duy trì chênh lệch giữa lãi suất VND và USD để đảm bảo việc nắm giữ tiền đồng có lợi hơn so với USD, khuyến khích doanh nghiệp và người dân chuyển từ nắm giữ USD sang VND, phát hành tín phiếu NHNN trên thị trường mở để hút tiền về, hạn chế áp lực đầu cơ tỉ giá.

Không những thế, NHNN đã tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trong việc quản lý thị trường, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm về quản lý ngoại hối; triển khai các giải pháp đổi mới, sắp xếp căn bản thị trường vàng, hạn chế tác động của biến động giá vàng lên tỉ giá; kịp thời thông tin, tuyên truyền dưới nhiều hình thức để định hướng, ổn định thị trường.

Đồng thời,NHNN theo dõi chặt chẽ những diễn biến trên thị trường ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế, tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi USD và tỉ giá bình quân liên ngân hàng phù hợp với diễn biến cung cầu ngoại tệ trên thị trường, đảm bảo thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thông suốt.

Trước những khó khăn về dư thừa thanh khoản trong ngắn hạn trong khi lãi suất tăng cao trong dài hạn, qua đó gián tiếp cản trở mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất cho vay và ổn định tỉ giá NHNN đã rất chủ động, linh hoạt trong điều hành để đưa ra những giải pháp phù hợp với điều kiện, tình hình mới. Trên thực tế, ngay sau khi NH Trung ương Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng Nhân dân tệ vào ngày 11/8, ngày 12/8, NHNN đã linh hoạt, kịp thời điều chỉnh biên độ tỉ giá giữa VND và USD tăng từ +/-1% lên +/-2%.

Tiếp đó, NHNN đã chủ động dẫn dắt thị trường, xóa bỏ tâm lý kỳ vọng, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Fed tăng lãi suất và biến động của thị trường tài chính thế giới, ngày 19/8, NHNN đã điều chỉnh tỉ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD thêm 1%, đồng thời mở rộng biên độ tỉ giá từ +/-2% lên +/-3%.

Thêm vào đó, tình trạng “đô la hóa” trong nền kinh tế đã khiến đầu cơ, găm giữ đồng USD trở thành một thói quen trong nền kinh tế. Khi thị trường quốc tế biến động, tâm lý găm giữ tăng cao, các tổ chức kinh tế chưa có nhu cầu USD thực cũng đẩy mạnh mua ngoại tệ để phòng thủ, tạo ra vấn nạn cầu ảo đối với đồng USD, gây áp lực lên tỉ giá.

Để giải quyết vấn đề này, NHNN đã có những bước đi và giải pháp được đánh giá là sáng tạo nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ đồng USD trên thị trường. Trong đó đáng chú ý nhất là việc giảm lãi suất đối với đồng USD, qua đó tăng tính hấp dẫn của VND, điều chỉnh lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng ở mức phù hợp nhằm hạn chế các ngân hàng đầu cơ ngoại tệ và ban hành Thông tư 15/2015/TT-NHNN quy định các TCTD chỉ được bán kỳ hạn cho các nhu cầu ngoại tệ trước ngày thanh toán từ 3 ngày trở lên nhằm xóa bỏ tình trạng cầu ảo do các doanh nghiệp mua ngoại tệ trước hạn.

Kết quả là thị trường ngoại tệ ổn định, tỉ giá trên thị trường giảm xuống dưới mức tỉ giá bán của NHNN và phản ánh sát hơn cung-cầu thực của nền kinh tế. Các TCTD đã tự cân đối được ngoại tệ và gần đây không phải xin mua ngoại tệ từ NHNN.

Với việc điều hành tỉ giá mang tính chủ động và linh hoạt hơn, tỉ giá và thị trường ngoại tệ trong giai đoạn này đã ổn định hơn so với giai đoạn trước, tỉ giá giao dịch của các NHTM diễn biến linh hoạt trong biên độ cho phép.

Nhờ đó, thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam được cải thiện, lòng tin vào giá trị của đồng Việt Nam được củng cố, tình trạng "đô la hóa" giảm mạnh, các TCTD có xu hướng mua ròng ngoại tệ từ khách hàng và bán lại cho NHNN, cán cân thanh toán cải thiện dần và đang thặng dư ở mức cao. NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Tập trung nhóm giải pháp mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn TCTD

Trên cơ sở bám sát tình hình diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ, NHNN đã chủ động điều chỉnh giảm nhanh và mạnh các mức lãi suất chính sách để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ.

Cơ chế điều hành chính sách tiền tệ đã có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng chủ động, dẫn dắt thị trường, từng bước chuyển từ cơ chế điều tiết theo khối lượng sang điều hành theo lãi suất. Cụ thể, NHNN đã thực hiện công bố định hướng điều hành lãi suất và triển khai đồng bộ các biện pháp để đạt mục tiêu là giảm dần mặt bằng lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ dân; tiến hành điều chỉnh linh hoạt các mức lãi suất điều hành, kết hợp với áp dụng biện pháp hành chính phù hợp theo diễn biến thị trường.

Cùng với nỗ lực giảm lãi suất huy động, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên, triển khai hàng loạt chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi.

Về điều hành thị trường tiền tệ, các nhóm giải pháp tín dụng được tập trung thực hiện theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động của các TCTD. Theo đó, NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD, có điều chỉnh linh hoạt, thực hiện các giải pháp hướng dòng vốn tín dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh đó, NHNN cũng chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế, tổ chức nhiều đoàn công tác, phối hợp với chính quyền địa phương nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ vay vốn ngân hàng giữa các doanh nghiệp và TCTD trên địa bàn.

NHNN đã chỉ đạo toàn ngành triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần khơi thông dòng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và một số chương trình kinh tế trọng điểm, phù hợp với tính đặc thù về ngành nghề và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cũng như yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trước những diễn biến ngày càng phức tạp trên toàn cầu. Đây là những mắt xích kinh tế quan trọng, từng bước tạo ra sự phát triển đồng bộ và cân đối trong nền kinh tế quốc dân.

Mặt bằng lãi suất và tín dụng đã thay đổi tích cực

Trong thời gian qua, nhờ triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngân hàng, các yếu tố chính trên thị trường này như mặt bằng lãi suất và tín dụng đã thay đổi tích cực.

Đến nay, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh theo mục tiêu đề ra của NHNN, chỉ bằng 40% lãi suất vào nửa cuối năm 2011 và thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 (là giai đoạn kinh tế phát triển ổn định).

Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 9-11%/năm. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục ổn định ở mức thấp (6-7%/năm đối với kỳ hạn ngắn), các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm.

Lãi suất cho vay đối với một số chương trình kinh tế trọng điểm giảm khoảng 0,5-0,6%/năm xuống khoảng 6,5-6,6%/năm nhằm hỗ trợ tốt hơn cho một số ngành, lĩnh vực đặc thù và các đối tượng chính sách. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3-6,7%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3-5,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,5-6,7%/năm.

Với việc triển khai thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ và quyết liệt của NHNN, hoạt động tín dụng đã có xu hướng cải thiện dần theo mục tiêu đề ra. Trong những năm qua, hiệu quả tín dụng tăng cao nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, hệ thống ngân hàng được bảo đảm an toàn và phát triển bền vững. Nhờ đó, thanh khoản của TCTD được bảo đảm, nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng được đẩy lùi. Việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế.