Ngành Dệt may: Nâng cao năng lực để đón cơ hội mới
Quý I/2013, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 3,79 tỷ USD, tiếp tục đứng đầu danh sách nhóm hàng xuất khẩu của cả nước. Tình hình sản xuất của các doanh nghiệp (DN) lạc quan hơn khi đơn hàng sản xuất đã ổn định đến hết quý II, thậm chí quý III.
Theo Tập đoàn dệt may Việt Nam, năm 2012, dù nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của các thị trường lớn đều giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, song kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường này vẫn tăng trưởng, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất.
Đặc biệt, Hàn Quốc đang trở thành thị trường tiềm năng với sức tiêu thụ khá lớn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD (năm 2012), tăng 20,9%, trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ 4 trong số các nước nhập khẩu của Việt Nam, sau Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản. Mới đây, Hiệp hội dệt may Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Hiệp hội Dệt thành phố Daegu (Hàn Quốc), nhằm góp phần khai thác hiệu quả hơn Hiệp định thương mại tự do về hàng hóa giữa ASEAN - Hàn Quốc, đón đầu những cơ hội của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang tích cực tham gia.
Theo nhiều lãnh đạo DN lớn, thời gian qua chiến lược phát triển của ngành dệt may có những bước đi đúng đắn thông qua chuyển dần từ tăng trưởng theo số lượng sang nâng cao năng suất lao động, gia tăng hàm lượng nội địa hóa. Nhiều DN chủ động đầu tư trang thiết bị, nhân lực để đón đầu xu hướng dịch chuyển đơn hàng của nhà nhập khẩu Nhật Bản từ nước khác sang nên đã có đơn hàng sản xuất ổn định hết quý II, thậm chí quý III. Điều này thể hiện rõ tính linh hoạt, hiệu quả của chiến lược mà ngành đang áp dụng là tiếp tục duy trì tốt các thị trường đang có, tận dụng những ưu thế cạnh tranh của thị trường nhỏ và tăng thị phần ở những thị trường mới như Nga, Đông Âu, Trung Đông…
Theo các chuyên gia, khi Hiệp định TPP được ký kết, các hiệp định khu vực tự do ASEAN, Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Trung Quốc có hiệu lực, thuế suất hàng may mặc xuất khẩu Việt Nam vào các thị trường này là 0% nên khả năng bùng nổ đơn hàng có thể xảy ra. Do đó, các DN cần khẩn trương phát triển năng lực cung ứng bằng việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, tăng tỷ lệ nội địa hóa để có thể nắm bắt cơ hội mới.
Để tiếp tục khai thác tốt năng lực sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như phát triển mạnh hơn trong xuất khẩu, Bộ Công thương tiếp tục tập trung vào một số giải pháp như củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm đến với người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất.
Ngoài ra, Bộ cũng khuyến khích DN cải tiến công nghệ, sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được để giảm chi phí góp phần giảm nhập siêu; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên, nhằm tăng hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh...