Ngành dệt may: Nâng tỷ lệ nội địa hóa để tăng sức cạnh tranh

Theo giacavattu.com.vn

(Tài chính) Từ đầu năm đến nay, trong đà phục hồi chậm của nền kinh tế thế giới, xuất khẩu (XK) dệt may (DM) vẫn tiến triển khá thuận lợi dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ thị trường XK cũng như nhập nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Ngành dệt may: Nâng tỷ lệ nội địa hóa để tăng sức cạnh tranh
Nga được đánh giá là thị trường khá quan trọng, dự kiến kim ngạch XK trong năm nay sẽ đạt hơn 300 triệu USD. Nguồn: internet

Theo Hiệp hội DM Việt Nam, kim ngạch XK 11 tháng năm 2014 của ngành đạt 21,548 tỷ USD (chưa kể đến vải không dệt và phụ liệu XK), tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2013. Ước cả năm 2014, toàn ngành sẽ XK 24-24,5 tỷ USD, tăng 18-19% so với năm 2013 và là mức tăng lớn nhất trong 3 năm qua. Có được kết quả đáng khích lệ đó là do giữ được mức tăng trưởng mạnh tại những thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. DN đã đáp ứng tốt các tiêu chí chất lượng, giá cả và thời hạn giao hàng. Riêng tại EU, Việt Nam đang có cơ hội mở rộng thị trường do nhu cầu hàng DM trên thế giới rất lớn, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU dự kiến được ký kết vào năm tới. Trong số những thị trường mới, Nga được đánh giá là thị trường khá quan trọng, dự kiến kim ngạch XK trong năm nay sẽ đạt hơn 300 triệu USD (tăng 220 triệu USD so với năm 2011). Điều đó chứng tỏ, năng lực cạnh tranh của hàng DM Việt Nam ngày càng tăng. Ngoài ra, khi hiệp định thương mại Việt Nam với Liên minh Thuế quan Nga - Kazakhstan - Belarus được ký kết, chính sách thuế, hải quan thuận lợi hơn cho DN thì khả năng tăng trưởng sang những thị trường mới này sẽ có nhiều triển vọng. Thêm vào đó là xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh sang Việt Nam do giá nhân công ở những nước này tăng cao. Hơn nữa, các nhà nhập khẩu cũng kỳ vọng các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương… sắp được ký kết sẽ có những ưu đãi về thuế cho hàng XK Việt Nam. Chính vì vậy, đơn hàng của các DN khá dồi dào cho đến cuối năm và có triển vọng tích cực sang tới quý I-2015.

Bên cạnh việc đa dạng thị trường XK, các DN DM còn chú trọng đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguồn cung nguyên phụ liệu để tránh phụ thuộc vào một thị trường. Làm được điều này không hề đơn giản, nhưng theo một số chuyên gia, đây là thời điểm để các DN nắm lấy thế chủ động.

Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội DM Việt Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn DM Việt Nam (Vinatex) cho biết, tăng tỷ lệ nội địa hóa là một trong những yếu tố giúp tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng của hàng Việt Nam. Những nỗ lực của Chính phủ trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương là một trong những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành; cũng là sức hút để các đơn đặt hàng từ quốc gia khác dịch chuyển về Việt Nam.

Chủ động nguồn nguyên phụ liệu, nâng cao giá trị gia tăng, đi lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu là những mục tiêu ngành DM Việt Nam hướng tới. Xét một cách toàn diện về điều kiện kinh tế - xã hội và mặt bằng chung của các DN, quá trình này rất gian nan, đòi hỏi sự đầu tư lớn về công sức và thời gian cũng như tư duy dám nghĩ dám làm của lãnh đạo ngành, tập đoàn và các đơn vị. Từ nay cho đến khi các hiệp định thương mại được ký kết và có hiệu lực, DN tiếp tục mở rộng năng lực, đầu tư vào nguyên phụ liệu, liên kết giữa các khâu sản xuất sợi, vải và may để hoàn thiện chuỗi cung ứng. Dịch chuyển nhanh từ gia công với tỷ lệ trong nhập khẩu nguyên liệu cao sang hình thức sản xuất tự chủ động nguyên liệu (FOB) và sản xuất trọn gói kèm thiết kế (ODM) để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đồng thời tạo giá trị gia tăng cao hơn.