Ngành Ngân hàng năm 2014: 10 sự kiện đáng nhớ

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Năm 2014, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực, là bức tranh sáng màu trong tổng thể nền kinh tế, xây dựng và nâng cao niềm tin công chúng với hệ thống ngân hàng.

Ngành Ngân hàng năm 2014: 10 sự kiện đáng nhớ
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

1. Điều hành chủ động, linh hoạt

Với việc thực thi chính sách tiền tệ, chủ động, linh hoạt của NHNN, lạm phát tiếp tục ổn định và cả năm tăng chưa tới 2%. Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng ổn định, trong đó mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm 1,5 - 2%/năm; tỷ giá ổn định và dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng mạnh, đạt mức cao nhất từ trước đến nay đạt mức kỷ lục, trên 35 tỷ USD đã góp phần nâng cao an toàn tài chính quốc gia.

Với việc điều hành chính sách tiền tệ, chủ động, linh hoạt như vậy, mặc dù tình hình Biển Đông có biến động phức tạp, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn giữ được sự ổn định, tạo được niềm tin vững chắc đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

2. Tăng trưởng tín dụng hiệu quả

Tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 24/12/2014 đã tăng hơn 13% so với cuối năm 2013 và dự kiến cả năm 2014 tín dụng tăng khoảng 12 - 14% như chỉ tiêu định hướng đề ra từ đầu năm. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Hiệu quả tăng trưởng tín dụng ngày càng cao và tập trung vào sản xuất với giải pháp đột phá như: Cho vay theo mô hình liên kết theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để hình thành sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp; Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản; Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã được triển khai trên tất cả 63 tỉnh, thành phố của cả nước, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ dân...

3. Thị trường vàng ổn định

Với các biện pháp tăng cường quản lý thị trường vàng như tiến hành đấu thầu vàng, tổ chức lại mạng lưới mua, bán vàng miếng, chấm dứt huy động và cho vay vàng, cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán, quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán vàng miếng... giá vàng trong nước ổn định hơn và hạn chế tình trạng đầu cơ vàng. Nguồn lực đất nước không bị phân tán vào tài sản dự trữ này. Tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế từng bước được cải thiện.

4. Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu là điểm sáng

Quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD đã thực hiện được các mục tiêu và theo đúng lộ trình đặt ra trong đề án. Đến nay, thành công chính, nổi bật nhất là đảm bảo được tính thanh khoản hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ, tạo sự ổn định trong ngành, là cơ sở để ổn định hệ thống tài chính, kinh tế vĩ mô. Rủi ro hệ thống giảm dần, an toàn hệ thống các TCTD và khả năng chi trả của các TCTD được cải thiện. NHNN đã kiểm soát được tình hình của các NHTMCP yếu kém. Khả năng chi trả của các ngân hàng này đã được cải thiện đáng kể, tài sản của Nhà nước và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, vì vậy nguy cơ đổ vỡ hệ thống từng bước được giảm bớt.

NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện thể chế, thanh tra, giám sát để bảo đảm hoạt động của hệ thống các TCTD an toàn, tuân thủ theo quy định của pháp luật, giảm tình trạng sở hữu chéo, từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng, tiệm cận với thông lệ quốc tế. Điển hình như Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư 09/2014/TT-NHNN quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02 với những quy định chặt chẽ hơn so với quy định phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro...

Theo báo cáo của các TCTD, đến cuối tháng 10/2014, nợ xấu chiếm khoảng 3,87% tổng dư nợ. Đồng thời, nợ xấu được phản ánh chính xác hơn, phù hợp hơn chuẩn mực quốc tế tạo điều kiện để NHNN và các TCTD minh bạch hóa nợ xấu, quyết tâm xử lý triệt để và hiệu quả hơn từ đó thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đề án xử lý nợ xấu đã đề ra.

Từ khi thành lập và hoạt động đến 23/12/2014, VAMC đã duyệt mua được 123.000 tỷ đồng nợ gốc và đã xử lý được hơn 4.000 tỷ đồng nợ xấu. NHNN đang cùng các cơ quan chức năng hoàn thiện cơ chế của VAMC.

5. Quan hệ quốc tế được tăng cường

Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã tiếp ông Jim Yong Kim - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) trong chuyến công tác lần đầu đến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Việc tham gia chủ động và tích cực của NHNN phù hợp với đường lối chính trị, chủ trương đối ngoại trong chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong các diễn đàn hợp tác tài chính, tiền tệ, thể hiện hình ảnh một Việt Nam sẵn sàng hội nhập, mở cửa mạnh mẽ trước xu thế hội nhập chung của cộng đồng tài chính quốc tế.

6. Cải cách hành chính được đánh giá cao

Năm 2014, theo kết quả được Bộ Nội vụ công bố, NHNN đứng thứ hai về chỉ số cải cách hành chính 2013 (PAR Index 2013), đạt 80,38%. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã được dư luận và cử tri cả nước đánh giá cao với 323 phiếu tín nhiệm cao, chiếm 67%; 118 phiếu tín nhiệm, chiếm 24,5%; chỉ có 41 phiếu tín nhiệm thấp, chiếm 8,5%.

7. Góp sức nâng hạng quốc gia

Những thành công của ngành Ngân hàng đã được các tổ chức quốc tế và trong nước đánh giá cao. Tổ chức xếp hạng Moody’s đã nâng mức tín nhiệm đối với trái phiếu của Chính phủ Việt Nam, hệ thống ngân hàng lên một bậc, từ mức B2 lên mức B1 và mức triển vọng được đánh giá là ổn định. Đồng thời, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đã nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, cụ thể, mức xếp hạng phát hành trái phiếu Chính phủ (IDR) bằng đồng nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam được nâng lên một bậc từ mức “B+” thành “BB-”.

8. Đẩy mạnh truyền thông chính sách

Phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các cơ quan truyền thông, báo chí giải quyết được những vấn đề dư luận quan tâm, tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong dư luận về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần nâng cao niềm tin công chúng, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với hệ thống ngân hàng.

9. Nâng cao vai trò đoàn thể

Trong năm 2014, góp sức vào thành công chung của ngành Ngân hàng có vai trò rất lớn của các cấp ủy Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên… Các tổ chức đoàn thể này được củng cố, tạo sự đoàn kết, thống nhất trên toàn hệ thống để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Và với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái ấy, toàn thể hơn 200 nghìn cán bộ viên chức của ngành Ngân hàng đã tham gia các hoạt động an sinh xã hội với số tiền khoảng 1.200 tỷ đồng và ngành Ngân hàng được Quốc hội đánh giá là điểm sáng trong công tác xóa đói giảm nghèo.

10. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt

Năm 2015, Nghị quyết Quốc hội đã nêu mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó đề ra kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 5% và tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,2%. Bám sát mục tiêu của Quốc hội và trên cơ sở đánh giá các kết quả đạt được trong năm 2014, trong năm tới, NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo thanh khoản của các TCTD.