Ngành nông nghiệp năm 2014 "thắng đậm"

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Với GDP đạt 3,31%, ngành Nông nghiệp năm 2014 được đánh giá có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 3-4 năm gần đây, góp phần tạo đà đưa nông nghiệp và nông thôn năm 2015 đạt kết quả toàn diện hơn nữa.

 Ngành nông nghiệp năm 2014 "thắng đậm"
Với GDP đạt 3,31%, ngành Nông nghiệp năm 2014 được đánh giá có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 3-4 năm gần đây. Nguồn: internet

Lần đầu xuất khẩu cán mốc 31 tỷ USD

Bộ Nong nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết ngành năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND 63 tỉnh, thành trên cả nước. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tham dự và chỉ đạo Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết:  Năm 2014, ngành NN&PTNT triển khai kế hoạch trong điều kiện tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN), lực lượng nông dân cả nước, kết quả phát triển toàn ngành nông nghiệp đã thu được nhiều thành tựu. 

Trước tiên, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,31% (tăng 0,67% mức tăng của năm 2013), kết quả này lấy lại được đà tăng trưởng với mức tăng trưởng khá, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước

Đồng thời, cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cả năm ước đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Thặng dư thương mại của ngành ước đạt 9,5 tỷ USD tăng 7,7% so với năm 2013.

Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng giá trị so với năm 2013, tiêu biểu như: thủy sản đạt 7,92 tỷ USD; đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ 6,54 tỷ USD; cà phê đạt 3,6 tỷ USD; rau quả đạt 1,47 tỷ USD; hạt tiêu đạt 1,2 tỷ USD hạt điều đạt 2 tỷ USD.

Xuất khẩu tăng mạnh tạo điều kiện thuận lợi duy trì giá trong nước có lợi cho nông dân. Nhiều sản phẩm nông sản đã giúp người nông dân lãi hàng tỷ đồng/ha góp phần giảm nhập siêu cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng: Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, nông nghiệp, nông thôn nước ta đang còn bộc lộ những tồn tại, yếu kém như: Tốc độ tăng trưởng GDP của toàn ngành đã tăng lại trong năm 2014, dự kiến đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn 2006-2010.

Khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản chưa cao, thị trường xuất khẩu thiếu ổn định. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; Huy động nguồn lực xã hội cho ngành còn thấp... Các DN chưa đầu tư nhiều vào ngành nông nghiệp; nhiều chính sách chưa khơi dậy được tiềm năng phát triển của ngành. Vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ, an toàn vệ sinh thực phẩm... vẫn còn nhiều tồn tại.

Phát huy đà tăng trưởng

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, năm 2015, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu hướng tới xây dựng nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, hiệu quả và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường.

Mục tiêu cụ thể của ngành năm 2015 là  tăng trưởng GDP toàn ngành phấn đấu đạt từ 3% đến 3,3%; Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản đạt 32 tỷ USD.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao kết quả của ngành Nông nghiệp đạt được trong năm qua. Ngành nông nghiệp đã đạt kết quả toàn diện và cần tiếp tục phát huy đà tăng trưởng này.

Đề xuất các giải pháp phát triển ngành năm 2015, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Thời gian tới, phải nỗ lực để phát triển, mở rộng các thị trường mới như thị trường Đông Âu, EU,... nhằm tăng cường xuất khẩu nông sản. Đặc biệt, đề nghị tập trung nâng cao hiệu quả quản lý ngành, thực hiện tái cơ cấu DN, tái cơ cấu đầu tư công, tăng cường đổi mới công nghệ., trong đó chú trọng liên kết giữa nhà khoa học, nông dân và DN.

Năm 2015, Bộ NN& PTNT đã xin phép và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý rà soát lại Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nông nghiệp (Quyết định 124/2012/QĐ-TTg ngày 2/2/2012) phục vụ tái cơ cấu. Đây là nhiệm vụ lớn, toàn ngành phải tập trung rà soát, điều chỉnh; đặc biệt chú trọng đối với quy hoạch phát triển các cây công nghiệp như cao su, cà phê, điều, hạt tiêu.