Một số quy định mới
Nghị định 87/2012/NĐ-CP gồm 3 Chương với 17 Điều, được ban hành với 3 điểm mới cơ bản liên quan đến người khai hải quan, hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho thương mại. Nghị định được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo sự nhất quán về thủ tục hải quan quy định tại Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; đồng thời đảm bảo tính kế thừa những nội dung đang thí điểm thành công của Quyết định 149/2005/QĐ-TTg và Quyết định 103/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; sửa đổi, bổ sung các nội dung còn bất cập, loại bỏ một số nội dung không đạt hiệu quả trong quá trình thí điểm; và vẫn đảm bảo tính dự báo trong điều kiện văn bản quy phạm pháp luật luôn được xây dựng và hoàn thiện; đặc biệt đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và cơ quan hải quan.
Nghị định 87/2012/NĐ-CP đã mang lại nhiều lợi ích cho DN trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu nếu DN đăng ký làm thủ tục hải quan điện tử. Cụ thể là: Tăng mức độ tự động và mở rộng thời gian khai báo hải quan. So với giai đoạn thí điểm, thủ tục hải quan điện tử sẽ được tự động hóa thêm 3 khâu là kiểm tra, đăng ký tờ khai và phân luồng tờ khai.
Theo quy định tại Điểm b khoản 1 Điều 4 của Nghị định còn cho phép người khai hải quan điện tử được quyền khai hải quan 24/7 thay vì trong giờ hành chính như đối với thủ tục hải quan thủ công. Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký tờ khai hải quan điện tử 24/7; Công chức hải quan xử lý tờ khai trong giờ hành chính.
Bên cạnh đó, người khai hải quan điện tử được sử dụng chứng từ in ra từ Hệ thống khai hải quan điện tử (có đóng dấu và chữ ký của người khai hải quan điện tử) đối với lô hàng đã được cơ quan hải quan chấp nhận thông quan trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để làm chứng từ vận chuyển hàng hóa trên đường. Đồng thời, được lựa chọn hình thức nộp lệ phí hải quan và các loại phí do cơ quan hải quan thu hộ các hiệp hội, tổ chức (nếu có) cho từng tờ khai hải quan hoặc nộp gộp theo tháng; Được sử dụng chứng từ in ra từ Hệ thống khai hải quan điện tử (có đóng dấu và chữ ký của người khai hải quan điện tử) đối với lô hàng đã được cơ quan hải quan chấp nhận thông quan trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để làm chứng từ vận chuyển hàng hóa trên đường.
Đây thực sự là tin vui cho các DN hoạt động xuất nhập khẩu vì sẽ tiết kiểm được rất nhiều chi phí về thời gian, theo đó cũng sẽ giảm đáng kể chi phí về tiền bạc; mặt khác cũng giảm thiểu cơ hội tiếp xúc của cán bộ hải quan với DN, giảm phát sinh tiêu cực.
Tuy nhiên, thực hiện được thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại, Nghị định 87/2012/NĐ-CP yêu cầu về việc đáp ứng các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin và kỹ năng khai báo hải quan của người khai hải quan. Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bên liên quan quy định cụ thể về trách nhiệm của mỗi bên trong việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác sử dụng Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; quy định cụ thể các điều kiện về công nghệ thông tin và kỹ năng khai hải quan điện tử của người khai hải quan điện tử.
Việc đưa quy định trên vào Nghị định là khá chặt chẽ và đã được tính toán để tạo sự tương thích giữa Luật Hải quan với Luật Giao dịch điện tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, quy định trên còn xuất phát từ thực tiễn trong quá trình thí điểm thủ tục hải quan điện tử (giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2012) đã xảy ra nhiều trường hợp người khai hải quan do không nắm vững kỹ năng cũng như chưa làm chủ được phần mềm khai hải quan dẫn đến tình trạng phải khai lại hay gửi trùng thông tin của một tờ khai nhiều lần đến cơ quan hải quan, gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Bên cạnh đó, cơ quan hải quan là cơ quan ra quyết định cuối cùng về việc thông quan, giải phóng hàng hóa căn cứ vào các quyết định của các cơ quan nhà nước có liên quan; thời gian phân tích và đưa ra các quyết định phụ thuộc vào thời gian cơ quan hải quan tiếp nhận thông tin. Vì vậy, cần thiết phải quy định trách nhiệm cung cấp và trao đổi thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành cho cơ quan hải quan để tạo điều kiện cắt giảm thủ tục hành chính cho người khai hải quan và giảm thời gian thông quan, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chính thức Cơ chế hải quan một cửa quốc gia do các quy định hiện hành về vấn đề này mới chỉ mang tính chất thí điểm (theo Quyết định 48/2011/QĐ-TTg ngày 31/8/2011).
Những quy định tại Điều 10 Nghị định cho phép các khâu tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai hải quan điện tử được tự động hóa thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Như vậy, so với giai đoạn thí điểm, thủ tục hải quan điện tử sẽ được tự động hóa thêm 3 khâu là kiểm tra, đăng ký tờ khai và phân luồng tờ khai. Trong thời gian thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử theo Thông tư 222/2009/ TT-BTC, ba khâu nghiệp vụ là kiểm tra, đăng ký tờ khai và phân luồng tờ khai được công chức hải quan thực hiện thủ công thông qua các nghiệp vụ “kiểm tra sơ bộ” và “kiểm tra phân luồng” nên có thể phát sinh nhiều bất cập và không đảm bảo là “thủ tục hải quan điện tử” mà chỉ là “khai báo điện tử”.
Qua quá trình kiểm tra, đánh giá và phản ánh của cộng đồng DN thì đối với thủ tục hải quan điện tử, giai đoạn từ khi tiếp nhận thông tin khai hải quan đến khi kết thúc khâu phân luồng tờ khai thường bị kéo dài không đảm bảo theo Tuyên ngôn phục vụ khách hàng của ngành Hải quan. Vì vậy, để thủ tục hải quan điện tử được thực hiện theo đúng nghĩa tự động hóa, giảm tối đa sự can thiệp trực tiếp của công chức hải quan vào quy trình thủ tục, cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan đối với mỗi lô hàng, cần thiết phải xây dựng thủ tục hải quan theo hướng tự động hóa các khâu tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký tờ khai và phân luồng tờ khai trên cơ sở thiết lập các tiêu chí rủi ro, đi đôi với việc tăng cường công tác phúc tập tờ khai nhằm kịp thời phát hiện những rủi ro, cảnh báo cho các khâu nghiệp vụ sau hoặc cập nhật thông tin rủi ro vào Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan phục vụ cho quản lý hải quan đối với DN. Đây là một nỗ lực lớn của ngành Hải quan trong việc nghiên cứu, cải cách quy trình thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu.
Tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang chuẩn bị đồng bộ các điều kiện để đảm bảo chính thức thực hiện thủ tục hải quan điện tử từ ngày 01/01/2013, bao gồm:
Về văn bản hướng dẫn: Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính dự thảo Thông tư quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại, dự kiến sẽ có hiệu lực cùng thời điểm của Nghị định 87/NĐ-CP;
Về hạ tầng công nghệ thông tin: Tổng cục Hải quan đã tiến hành hiệu chỉnh các phần mềm đã thực hiện trong giai đoạn thí điểm để phù hợp với các quy định mới tại Nghị định 87/NĐ-CP, đảm bảo Hệ thống hoạt động thông suốt đúng thời gian triển khai; Đôn đốc 21 Cục Hải quan đang triển khai thí điểm thủ tục hải quan điện tử chuẩn bị các điều kiện cần thiết (cơ sở vật chất, nguồn lực...) để đảm bảo việc chuyển đổi từ thí điểm sang triển khai chính thức thủ tục hải quan điện tử đúng kế hoạch; Rà soát, đánh giá hiện trạng và bổ sung trang thiết bị, nguồn lực cần thiết để đảm bảo 13 Cục Hải quan còn lại triển khai thủ tục hải quan điện tử đúng thời gian quy định; Tập huấn, tuyên truyền đến đông đảo cộng đồng doanh nghiệp để người khai hải quan nhanh chóng nắm bắt các quy định mới, tránh sự bỡ ngỡ và xáo trộn khi chính thức thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
Ngoài ra, thông qua Chuyên trang trả lời bạn đọc trên Website Hải quan; các Tổ tư vấn, hỗ trợ tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố; thành lập các tổ hỗ trợ tại Tổng cục Hải quan hỗ trợ về nghiệp vụ và kỹ thuật....
Nghị định 87/2012/NĐ-CP: Thêm nhiều hành lang pháp lý mới về hải quan điện tử
(Tài chính) Nhằm tiếp tục tạo thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN) và cơ quan hải quan trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, ngày 23/10/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại. Với những quy định mới, Nghị định 87/2012/NĐ-CP đã tạo lập hàng lang pháp lý cao hơn, rộng hơn và đẩy mạnh hơn nữa cải cách hiện đại hóa hải quan.
Xem thêm