Nguyên tắc tính thuế, khai thuế, nộp thuế
Tư tưởng xuyên suốt của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế là đề cao tính tự giác và trách nhiệm của người nộp thuế (NNT) trong việc tuân thủ nghĩa vụ thuế theo nguyên tắc tự tính, tự khai, tự nộp thuế. Nguyên tắc này tiếp tục được kế thừa, bổ sung và được Nghị định 83/2013/NĐ-CP cụ thể hóa tại điều 5 với các trường hợp cụ thể như sau:
Một là, NNT phải thực hiện tự tính, tự khai chính xác, trung thực và đầy đủ các nội dung trong tờ khai, nộp đủ các tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế và thực hiện nộp đủ số tiền thuế theo tờ khai, theo thời hạn quy định đối với từng loại thuế tương ứng với hoạt động thực tế của mình. Sau khi hết hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định, NNT phát hiện hồ sơ khai thuế có sai sót thì được khai bổ sung, điều chỉnh hồ sơ khai thuế và nộp hồ sơ cho cơ quan thuế trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra, thanh tra thuế.
Hai là, khi cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau kiểm tra, thanh tra nhưng sau này nếu NNT phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp và được kiểm tra, thanh tra vẫn còn sai sót thì NNT được tự khai bổ sung, điều chỉnh; việc xử lý căn cứ chế độ quy định và nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc khai sót, chưa đúng phải điều chỉnh.
Ba là, với trường hợp cơ quan quản lý thuế thực hiện việc tính thuế hoặc ấn định thuế thì NNT phải nộp theo đúng thời hạn ghi trên thông báo nộp thuế hoặc quyết định thu thuế của cơ quan quản lý thuế.
Bốn là, trường hợp NNT tạm ngừng hoạt động kinh doanh có văn bản đề nghị gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp thì không phải nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nếu trong thời gian tạm ngừng hoạt động mà NNT có hoạt động kinh doanh trở lại (kể cả việc mua vào, chưa bán ra) thì NNT phải có văn bản thông báo gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp biết đồng thời thực hiện nộp hồ sơ khai thuế theo quy định.
Năm là, NNT được thỏa thuận trước với cơ quan thuế về phương pháp xác định giá tính thuế (gọi tắt là APA) được thực hiện theo nguyên tắc giao dịch độc lập phản ánh giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết, trên cơ sở quy định của pháp luật Việt Nam, quy định tại các hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế mà Việt Nam đã ký và phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc đàm phán APA do Tổng cục Thuế quyết định căn cứ vào đề nghị của NNT hoặc đề nghị của cơ quan thuế nước ngoài.
Quản lý rủi ro trong quản lý thuế
Điểm mới của Luật Quản lý thuế và Nghị định 83/2013/NĐ-CP là giao trách nhiệm cho Bộ Tài chính xây dựng, ban hành các quy định quản lý rủi ro và bộ tiêu chí đánh giá rủi ro theo các chức năng để đáp ứng yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ, cụ thể đối với lĩnh vực thuế và hải quan. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thuế, hải quan các cấp trong việc sử dụng thông tin về NNT để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý rủi ro; quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin nghiệp vụ, cơ sở dữ liệu về NNT để đánh giá rủi ro trong quản lý thuế; đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của NNT để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế và xác định, lựa chọn đối tượng kiểm tra, thanh tra thuế; kiểm tra các điều kiện đăng ký hồ sơ khai thuế để xác định các hình thức kiểm tra, mức độ kiểm tra thực tế hàng hoá xuất nhập khẩu (XNK), lựa chọn đối tượng kiểm tra sau thông quan... theo quy định của pháp luật.
Tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu
Thứ nhất, xác định trước mã số, trị giá hải quan, xác nhận trước xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
(i). Trước khi làm thủ tục hải quan, NNT cần cung cấp các thông tin, chứng từ liên quan cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi sẽ làm thủ tục hải quan và có văn bản đề nghị xác định trước mã số, hoặc xác định trước trị giá hải quan, hoặc xác nhận trước xuất xứ cho hàng hóa dự kiến XNK (gọi chung là xác định trước).
Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, Cục Hải quan tỉnh, thành phố có văn bản đề nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (TCHQ) xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 25 ngày làm việc, Tổng cục trưởng TCHQ thông báo bằng văn bản về kết quả xác định trước và công khai trên trang thông tin điện tử của TCHQ. Nếu không đủ cơ sở, thông tin để xác định trước thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Tổng cục trưởng TCHQ có văn bản thông báo hoặc đề nghị tổ chức, cá nhân bổ sung thêm thông tin, tài liệu.
(ii). Với hàng hóa phức tạp cần phải phân tích, giám định, xác minh làm rõ thì thời hạn thông báo kết quả có thể kéo dài hơn nhưng tối đa không quá 90 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp cần xác minh làm rõ tại cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài thì thời hạn xác minh thực hiện theo thỏa thuận đã ký với nước ngoài.
(iii). Văn bản thông báo kết quả xác định trước có giá trị sử dụng trong thời hạn tối đa 03 năm để khai hải quan và làm thủ tục hải quan khi hàng hóa thực tế XNK phù hợp với thông tin, tài liệu mà tổ chức, cá nhân cung cấp. Việc gia hạn tiếp được TCHQ có văn bản thông báo theo đề nghị của tổ chức, cá nhân có yêu cầu, nếu không có thay đổi về thông tin, tài liệu và căn cứ ban hành văn bản thông báo kết quả xác định trước.
(iv). Tổng cục trưởng TCHQ ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế trong trường hợp phát hiện văn bản thông báo kết quả xác định trước chưa phù hợp. Văn bản thông báo kết quả xác định trước chấm dứt hiệu lực trong trường hợp quy định của pháp luật làm căn cứ để ban hành thông báo kết quả xác định trước có sự thay đổi, thời gian chấm dứt hiệu lực kể từ ngày quy định của pháp luật làm căn cứ ban hành thông báo kết quả xác định trước thay đổi có hiệu lực thi hành.
Vấn đề hết sức lưu ý là: Văn bản thông báo kết quả xác định trước không có hiệu lực áp dụng trong trường hợp hàng hóa hoặc hồ sơ thực tế XNK khác với hàng hóa hoặc hồ sơ đề nghị xác định trước.
Thứ hai, biện pháp ưu tiên trong quản lý thuế đối với hàng hóa XNK
Biện pháp ưu tiên trong thủ tục quản lý thuế được áp dụng đối với NNT được TCHQ công nhận là DN ưu tiên với quyền lợi được hoàn thuế trước, kiểm tra sau trong thời hạn lần đầu là 3 năm và có thể được gia hạn thêm 3 đến 5 năm. Để trở thành DN ưu tiên, NNT phải đáp ứng 05 tiêu chí: (i) Không bị các cơ quan thuế, hải quan xử lý về hành vi gian lận, trốn thuế, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong thời gian 2 năm liên tục trở về trước, kể từ ngày TCHQ nhận được văn bản của NNT đề nghị được công nhận là DN ưu tiên; (ii) Thực hiện thanh toán hàng XNK qua ngân hàng; (iii) Thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử; (iv) Không bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về kế toán trong thời gian 2 năm liên tục trở về trước; (v) Đáp ứng mức kim ngạch XNK hàng năm hoặc quy mô đầu tư do Bộ Tài chính quy định.
Việc tạm đình chỉ áp dụng biện pháp ưu tiên (từ 2 đến 6 tháng) trong trường hợp DN vi phạm 01 trong 4 các tiêu chí từ (i) đến (iv) nêu trên. Tuy nhiên, sẽ thực hiện việc đình chỉ áp dụng ưu tiên trong các trường hợp: DN không khắc phục vi phạm; DN có văn bản đề nghị không thực hiện biện pháp ưu tiên đã được công nhận; Hết thời hạn được công nhận là DN ưu tiên mà không có văn bản đề nghị gia hạn. Thẩm quyền quyết định việc công nhận, gia hạn, tạm đình chỉ, đình chỉ, quản lý DN ưu tiên là Tổng cục trưởng TCHQ.
Thay đổi, bổ sung thông tin đăng ký thuế
Theo quy định của Luật Quản lý thuế 2006 và Luật Doanh nghiệp 2005 thì trong mọi trường hợp, NNT phải thông báo với cơ quan thuế về các thông tin khi có sự thay đổi so với hồ sơ đăng ký thuế đã nộp. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp “quên” và phát sinh nhiều hệ lụy phức tạp, bị xử phạt hành chính. Nghị định 83/2013/NĐ-CP quy định việc khai bổ sung thông tin mỗi khi có thay đổi sau:
Một là, khi có thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế đã nộp, trong thời hạn 10 ngày làm việc NNT phải thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp về các thông tin thay đổi. Đối với NNT đã được cấp đăng ký thuế nhưng chưa thông báo thông tin về các tài khoản của người nộp thuế đã mở tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng với cơ quan thuế trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành (15/9/2013) thì phải thông báo bổ sung, thời hạn chậm nhất ngày 31/12/2013.
NNT trong quá trình sản xuất, kinh doanh (SXKD), định kỳ hàng quý khi có thay đổi, bổ sung số tài khoản tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thì phải thông báo cho cơ quan thuế tại tờ khai thuế TNDN tạm tính hàng quý.
Hai là, trường hợp có sự thay đổi trụ sở của NNT dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì NNT có trách nhiệm nộp đủ số tiền thuế còn nợ; đề nghị hoàn số tiền thuế nộp thừa (trừ thuế TNCN), thuế GTGT chưa khấu trừ hết thuộc diện hoàn thuế theo quy định (hoặc đề nghị cơ quan thuế xác nhận số tiền thuế GTGT chưa khấu trừ hết để làm căn cứ chuyển cơ quan thuế quản lý mới tiếp tục theo dõi) trước khi thay đổi trụ sở.
Ba là, trường hợp thông tin trong giấy chứng nhận đăng ký thuế thay đổi, cơ quan thuế quản lý trực tiếp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thuế đã cấp và cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế mới cho NNT.
Bốn là, trường hợp thực hiện đăng ký thuế theo trình tự, thủ tục một cửa liên thông theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh thì thực hiện thay đổi, bổ sung đăng ký thuế theo trình tự, thủ tục đó.
Nội dung khai và kỳ hạn khai các loại thuế
Một là, khai thuế GTGT theo quý thay cho việc khai hàng tháng trước đây áp dụng đối với NNT là tổ chức, DN có quy mô vừa vànhỏvới tiêu chí cụ thể là mức doanh thu của năm trước liền kề (2012) từ 20 tỷ đồng trở xuống. Theo ước tính thì có khoảng gần 87% tổng số DN trong cả nước sẽ được giảm tần suất kê khai thuế GTGT từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm. Lợi ích mang lại cho NNT thuộc nhóm này không chỉ là giảm được 2/3 số lần làm thủ tục khai nộp thuế, mà họ còn tận dụng được số tiền thuế GTGT hàng tháng (lẽ ra phải nộp ngay như trước đây) để dùng làm nguồn vốn kinh doanh tạm thời, giảm được sức ép về dòng vốn trong thời gian chưa đến kỳ hạn nộp theo quý.
Trường hợp NNT mới bắt đầu hoạt động SXKD thì trong thời gian năm đầu tiên (12 tháng) phải khai thuế GTGT theo tháng; Sau khi SXKD đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch tiếp theo sẽ căn cứ vào mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của năm trước để thực hiện khai thuế GTGT theo tháng hay khai theo quý.
Tư tưởng xuyên suốt của Luật Quản lý Thuế và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật là đề cao tính tự giác và trách nhiệm của người nộp thuế trong việc tuân thủ nghĩa vụ thuế. Nguyên tắc này tiếp tục được kế thừa, bổ sung, cụ thể hóa tại Nghị định 83/2013/NĐ-CP.
Việc khai thuế GTGT theo quý được ổn định theo chu kỳ 3 năm dương lịch, chu kỳ khai theo quý đầu tiên được thực hiện ổn định từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành cho đến hết năm 2016. Trường hợp NNT thuộc diện khai thuế theo quý nhưng muốn thực hiện khai thuế theo tháng thì gửi thông báo cho cơ quan thuế biết. Việc khai thuế theo tháng hay theo quý được ổn định trọn năm dương lịch.
Hai là, khai thuế GTGT theo từng lần phát sinh chỉ áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ do NNT kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai mà không thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương cấp tỉnh khác với nơi đóng trụ sở chính (gọi tắt là kinh doanh ngoại tỉnh); không áp dụng đối với việc kinh doanh vãng lại giữa các quận/huyện trong cùng một tỉnh. Trường hợp việc khai thuế phát sinh nhiều lần trong một tháng thì NNT có thể đăng ký với cơ quan thuế để thực hiện khai thuế GTGT theo tháng.
Ba là, khai thuế đối với hàng hóa XNK (bao gồm thuế GTGT, thuế tiêu thu đặc biệt (TTĐB), thuế XNK, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) liên quan đến hàng hóa XNK) được thực hiện theo từng lần phát sinh như lâu nay. Trường hợp đăng ký tờ khai hải quan một lần để XNK nhiều lần theo quy định của pháp luật về hải quan thì việc khai thuế, tính thuế thực hiện theo từng lần thực tế XNK tại thời điểm làm thủ tục hải quan cho hàng hóa XNK.
Điểm hết sức lưu ý cần cảnh báo tại đây là: Đối với hàng hóa XNK thuộc đối tượng không chịu thuế XNK, thuế TTĐB, thuế GTGT, thuế BVMT hoặc đã được miễn thuế, xét miễn thuế XNK hoặc đã được áp dụng thuế suất ưu đãi, ưu đãi đặc biệt, theo hạn ngạch thuế quan nhưng sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế, xét miễn thuế, áp dụng thuế suất ưu đãi, ưu đãi đặc biệt, theo hạn ngạch thuế quan thì NNT phải thực hiện đúng các quy định về quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật khi có sự thay đổi. NNT thực hiện thông báo với cơ quan hải quan nơi đã làm thủ tục hải quan các lô hàng này để thực hiện đăng ký lại tờ khai hải quan mới phù hợp với việc thay đổi. Việc khai thuế bổ sung và hồ sơ khai thuế bổ sung đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
Riêng trường hợp hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án ưu đãi đầu tư đã được ưu đãi về thuế nhập khẩu theo lĩnh vực, địa bàn đầu tư theo quy định của pháp luật liên quan nhưng sau đó chuyển nhượng cho đối tượng khác mà người nhận chuyển nhượng tiếp tục thực hiện dự án tại địa bàn, lĩnh vực được ưu đãi thì tiếp tục được hưởng ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật và người chuyển nhượng, người nhận chuyển nhượng không phải thực hiện kê khai nộp thuế nhập khẩu.
Bốn là, khai thuế TNCN bao gồm khai theo tháng, khai theo quý, khai theo năm và khai theo từng lần phát sinh và thực hiện theo quy định của pháp luật thuế TNCN. Đối với tổ chức chi trả thu nhập thực hiện khai quyết toán thuế năm cần nộp tờ khai quyết toán thuế và tài liệu khác liên quan; định kỳ nếu có số thuế TNCN đã khấu trừ bình quân tháng từ 50 triệu đồng trở xuống thì khai tạm nộp theo quý, nếu cao hơn mức này thì khai nộp theo tháng.
Năm là, khai thuế của nhà thầu nước ngoài nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu (hoặc thuế TNCN) cần chú ý: (i) Đối với nhà thầu nước ngoài là tổ chức nước ngoài: Khai thuế GTGT và thuế TNDN theo từng lần phát sinh. Trường hợp phát sinh nhiều lần trong một tháng thì NNT (bao gồm cả bên Việt Nam trong các hợp đồng nhà thầu) có thể đăng ký với cơ quan quản lý thuế để chuyển sang khai thuế theo tháng, hoặc theo quý. Kết thúc hợp đồng nhà thầu phải thực hiện khai quyết toán thuế; (ii) Đối với nhà thầu nước ngoài là cá nhân nước ngoài thì tổ chức chi trả thu nhập hoặc bên Việt Nam trong hợp đồng nhà thầu thực hiện theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về thuế TNCN.
Sáu là, khai thuế liên quan đến hồ sơ áp dụng Hiệp định thuế và các thỏa thuận quốc tế khác (bao gồm cả nhà thầu nước ngoài và các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng của Hiệp định, thoả thuận về thuế, miễn trừ thuế): NNT đối với hàng hóa XNK, hoặc NNT có hoạt động XNK, SXKD cung cấp hàng hóa, dịch vụ có thu nhập thuộc diện không chịu thuế, hoặc được miễn thuế, giảm thuế theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì thực hiện khai, nộp hồ sơ không chịu thuế, miễn thuế, giảm thuế theo điều ước quốc tế cùng với hồ sơ khai thuế.
Bảy là, đối với hoạt động sản xuất thuỷ điện: Nghị định số 83/2013/NĐ-CP quy định cụ thể nguyên tắc là: Khai nộp thuế GTGT địa phương nơi đóng trụ sở chính và nộp thuế GTGT vào kho bạc địa phương nơi có nhà máy sản xuất thủy điện. Nếu nhà máy nằm chung trên các địa phương thì phân chia số thu theo tỷ lệ tương ứng của giá trị đầu tư; Khai, nộp thuế TNDN tôn trọng nguyên tắc ưu tiên cho địa phương nơi sản xuất theo quy định của Luật thuế TNDN, có xét đến tổ chức hạch toán của cơ sở sản xuất thủy điện; Khai, nộp thuế tài nguyên: Cơ sở sản xuất thủy điện thực hiện khai, nộp thuế tài nguyên tại địa phương nơi đăng ký kê khai nộp thuế; thực hiện việc nộp thuế cho các tỉnh nếu thuế tài nguyên được phân chia cho các địa phương khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và hồ sơ khai thuế tài nguyên được sao gửi cho cơ quan thuế địa phương nơi được hưởng nguồn thu thuế tài nguyên.
Tám là, khai thuế theo năm và tạm nộp hàng tháng áp dụng đối với hoạt động kinh doanh thường xuyên của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán. Trường hợp có mức doanh thu thuộc diện không phải nộp thuế GTGT theo quy định của Luật thuế GTGT và có thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế TNCN theo quy định của pháp luật thuế TNCN thì không phải nộp.
Quy định mới của Nghị định 83/2013/NĐ-CP là cơ quan thuế thực hiện công khai danh sách hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện không phải nộp theo phương pháp khoán và công khai số thuế phải nộp của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán đầy đủ, kịp thời trên trang thông tin điện tử của ngành Thuế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Nghị định số 83/NĐ-CP: Những quy định mới cần quan tâm
(Tài chính) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đã được thông qua, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. Để triển khai thi hành Luật, ngày 22/7/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Bài viết phân tích những nội dung mới trong công tác quản lý thuế được quy định tại Nghị định này.
Xem thêm