Nghị định số 87/2012/NĐ-CP: Nâng “chất” cho thủ tục hải quan điện tử
Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2012/NĐ-CP ngày 23/10/2012 quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại, đã mở ra một khung khổ pháp lí cao hơn, một hành lang pháp lí rộng lớn hơn để triển khai hoạt động này trên phạm vi cả nước.
Nâng cao trình độ của người khai hải quan
Để thực hiện thủ tục hải quan điện tử, người khai hải quan phải đáp ứng các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin và yêu cầu về kỹ năng khai báo hải quan. Quy định này được cụ thể hóa tại Điều 4 Nghị định (Khoản 2 Điểm d). Theo đó, người khai hải quan có trách nhiệm đáp ứng các điều kiện về công nghệ thông tin và kỹ năng khai hải quan điện tử.
Dự kiến vào quý IV-2012, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thay thế Thông tư 222/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính (gọi tắt là Thông tư). Trong đó, quy định người khai hải quan phải “Trang bị đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật trong hoạt động giao dịch điện tử đảm bảo cho việc khai báo, truyền, nhận, lưu trữ thông tin khi truy cập và trao đổi thông tin với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; sử dụng hệ thống khai hải quan điện tử đã được cơ quan Hải quan xác nhận tương thích với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan”.
Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành điều chỉnh về giao dịch điện tử chưa có văn bản nào quy định các điều kiện cụ thể về hạ tầng kỹ thuật của các tổ chức, cá nhân khi giao dịch điện tử với cơ quan Nhà nước. Đây là quy định mới, hoàn toàn phù hợp với Luật Giao dịch điện tử. Mục tiêu của quy định trên giúp đảm bảo việc khai hải quan điện tử thông suốt, hạn chế các sai sót ảnh hưởng đến quá trình thông quan hàng hóa, cũng như phân định rõ trách nhiệm khi xảy ra sự cố...
Ngoài ra quy định trên còn xuất phát từ thực tiễn trong quá trình thí điểm thủ tục hải quan điện tử (2005-2012) đã xảy ra nhiều trường hợp người khai hải quan do không nắm vững kỹ năng khai hải quan cũng như chưa làm chủ được phần mềm khai hải quan dẫn đến tình trạng phải khai đi khai lại nhiều lần hay gửi trùng thông tin của một tờ khai nhiều lần đến cơ quan Hải quan, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Nghị định cũng quy định cụ thể về việc sử dụng chữ ký số khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại Điều 4 (Khoản 2). Khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử người khai hải quan phải sử dụng chữ ký số, và chữ ký số hợp lệ phải được đăng ký với cơ quan Hải quan trước khi sử dụng.
Quy định về việc sử dụng chữ ký số khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử đã quy định tại Thông tư 222/2009/TT-BTC, tuy nhiên chưa nêu cụ thể thế nào là chữ ký số hợp lệ của người khai hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử, phạm vi hiệu lực của chữ ký số đã đăng ký với cơ quan Hải quan… Với những quy định mới này tại Nghị định sẽ tạo điều kiện cho người khai hải quan và cơ quan Hải quan trong việc sử dụng chữ ký số khi thực hiện giao dịch điện tử hải quan.
Trao đổi thông tin
Khoản 2 Điều 17 Nghị định quy định nguyên tắc yêu cầu các bộ, cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp với cơ quan Hải quan trong việc chuẩn hóa danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành; cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các cơ quan quản lý chuyên ngành và các đối tượng có liên quan cho cơ quan Hải quan để phục vụ việc đưa ra các quyết định thông quan hàng hóa. Việc chuẩn hóa danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành sẽ tạo điều kiện tăng tính tự động hóa của Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, giảm thiểu các thủ tục hành chính và các thao tác thủ công khi thực hiện kiểm tra, đối chiếu.
Cơ quan Hải quan là cơ quan ra quyết định cuối cùng về việc thông quan, giải phóng hàng hóa căn cứ vào các quyết định của các cơ quan Nhà nước có liên quan; thời gian phân tích và đưa ra các quyết định phụ thuộc vào thời gian cơ quan Hải quan tiếp nhận thông tin. Vì vậy, cần thiết phải quy định trách nhiệm cung cấp và trao đổi thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành cho cơ quan Hải quan để tạo điều kiện cắt giảm thủ tục hành chính cho người khai hải quan và giảm thời gian thông quan, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chính thức Cơ chế hải quan một cửa quốc gia do các quy định hiện hành về vấn đề này mới chỉ mang tính chất thí điểm (theo Quyết định 48/2011/QĐ-TTg ngày 31/8/2011).
Việc quy định các đối tượng nêu trên được phép trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan giúp cho thủ tục hải quan điện tử mang đúng nghĩa tự động.
Tăng mức độ tự động và mở rộng thời gian khai báo hải quan
Những quy định tại Điều 10 Nghị định cho phép các khâu tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai hải quan điện tử được tự động hóa thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Trong thời gian thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử theo Thông tư 222, ba khâu nghiệp vụ là kiểm tra, đăng ký tờ khai và phân luồng tờ khai được công chức hải quan thực hiện thủ công thông qua các nghiệp vụ “kiểm tra sơ bộ” và “kiểm tra phân luồng” nên phát sinh nhiều bất cập, có trường hợp bị lợi dụng bởi những mục đích cá nhân dẫn đến một mặt không đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện thủ tục hành chính giữa cơ quan Hải quan và người khai hải quan, mặt khác không đảm bảo đây là thủ tục hải quan điện tử mà chỉ là “khai báo điện tử”.
Qua quá trình kiểm tra, đánh giá và phản ánh của cộng đồng DN thì đối với thủ tục hải quan điện tử, giai đoạn từ khi tiếp nhận thông tin khai hải quan đến khi kết thúc khâu phân luồng tờ khai thường bị kéo dài không đảm bảo theo Tuyên ngôn phục vụ khách hàng của ngành Hải quan.
Vì vậy, để thủ tục hải quan điện tử được thực hiện theo đúng nghĩa tự động hóa, giảm tối đa sự can thiệp trực tiếp của công chức hải quan vào quy trình thủ tục, cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan đối với mỗi lô hàng, cần thiết phải xây dựng thủ tục hải quan theo hướng tự động hóa các khâu tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký tờ khai và phân luồng tờ khai trên cơ sở thiết lập các tiêu chí rủi ro. Đi đôi với việc tăng cường công tác phúc tập tờ khai nhằm kịp thời phát hiện những rủi ro, cảnh báo cho các khâu nghiệp vụ sau hoặc cập nhật thông tin rủi ro vào Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan phục vụ cho quản lý hải quan đối với DN.