Nghi vấn chuyện đăng cai World Cup 2022
(Tài chính) Trong khi cả thế giới nóng lên vì World Cup 2014 thì trong hậu trường, người ta lại bàn tán xôn xao về việc “đi đêm” của Qatar với các quan chức Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), chi tiền để mua phiếu bầu quyền đăng cai World Cup 2022.
Quyền đăng cai có giá bao nhiêu?
Đầu tháng 6/2014, tờ Sunday Times của Anh công bố nguồn tin cựu quan chức đứng đầu Liên đoàn bóng đá Qatar, đã chi trên 5 triệu USD để mua phiếu bầu từ FIFA, giúp Qatar thắng thầu đăng cai World Cup 2022.
Thực ra, thông tin này không mới nhưng nó lại giúp dư luận hiểu thêm những gì đang "lùm xùm" xung quanh giải thể thao cao quý này. Ngay từ đầu năm, tạp chí bóng đá Pháp, France Football cũng đăng tải nguồn tin tương tự cho biết, Qatar bị cáo buộc dùng tiền nên mới thắng thầu trong cuộc bầu chọn tổ chức hồi tháng 12/2010.
Kết quả, Qatar đã qua mặt nhiều ứng cử viên nặng ký mà không gặp phải trở ngại nào như Mỹ hay Australia. Thậm chí France Football còn nêu đích danh lá phiếu của Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Phi (CAF) và một ủy viên FIFA cũng đã được mua với giá 1,5 triệu USD/phiếu…
France Football còn khẳng định cựu Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy khi đó đang tại nhiệm đã yêu cầu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) là cựu cầu thủ Michel Platini, người vốn đang do dự bỏ phiếu cho Mỹ lại chuyển sang ủng hộ Qatar vì lý do chính trị. Theo nguồn tin này, tháng 12/2010, Michel Platini được mời dự tiệc tại điện Elysee với Tổng thống Nicolas Sarkozy, quốc vương Qatar và Sebastien Bazin và ông chủ Câu lạc bộ Paris Saint-Germain.
Trong cuộc họp kín, cả Sarkozy lẫn Platini và Quốc vương Qatar đã thảo luận về đầu tư của Qatar vào bóng đá Pháp nên đến năm 2011, Công ty Qatar Investment Authority đã mua 70% cổ phần của Câu lạc bộ Paris Saint - Germain… Đổi lại, Pháp quay sang bỏ phiếu cho Qatar với nhiều đích đến, trong đó có lý do chính trị và kinh tế.
Cũng phải nói thêm rằng, tuy bỏ tiền ra mua phiếu bầu nhưng Qatar không hề mặn mà với tình yêu bóng đá, hay muốn cái tiếng lẫn cái miếng như đã công bố mà là lấy lòng phương Tây, nhất là trong bối cảnh an ninh bức xúc và bất ổn như ở Trung Đông hiện nay.
Cùng với bóng đá, Qatar còn mua nhiều tác phẩm nghệ thuật của phương Tây, các câu lạc bộ thể thao, kể cả Câu lạc bộ Football Club của Mỹ, nhiều dự án lớn như cao ốc Chrysler tại Manhattan, siêu thị Harrods hay tòa nhà chọc trời Shard ở London, Anh...
FIFA sẽ bỏ phiếu lại World Cup 2022?
Ngay sau khi nguồn tin nói trên được tiết lộ, dư luận tỏ ra bất bình. Một số hãng tài trợ chính cho World Cup như Coca-Cola, Visa, hay Sony đã đề nghị FIFA vào cuộc, điều tra sự thật càng sớm càng tốt. Nhân sự kiện trên, dư luận còn muốn biết thêm liên quan đến việc đối xử bất công của Qatar đối với những người lao động nhập cư, đặc biệt là vụ một ngàn công nhân xa xứ tại Qatar đã bị thiệt mạng trong khi xây dựng sân vận động mới Al Wakrah.
Tờ Sunday Times cho biết, họ đã thu thập được hàng triệu email, tài liệu cũng như các giao dịch chuyển khoản ngân hàng cho thấy, Mohammed Bin Hammam đã chi hơn 5 triệu USD trong quá trình đấu thầu. Các cáo buộc đều diễn ra trước khi đấu thầu đăng cai World Cup 2018 và 2022, công việc điều tra này do luật sư, cựu chưởng lý người Mỹ Michael Garcia đứng đầu.
Ngoài Sunday Times, tờ France Football cũng cho biết họ sẽ gửi những bằng chứng thu thập được lên cho FIFA để phục vụ cho việc điều tra.
Trong khi Ủy ban đạo đức của FIFA vào cuộc thì Frank Beckenbauer, người được tôn vinh "ông hoàng bóng đá" đã bị phạt bởi thiếu hợp tác với cơ quan điều tra trong nghi án tham nhũng quyền đăng cai World Cup 2022, Beckenbauer bị cấm tạm thời mọi hoạt động liên quan đến bóng đá trong vòng 90 ngày. Đặc biệt "ông hoàng bóng đá" đã bỏ phiếu bầu cho Qatar trên tư cách thành viên quyền lực của FIFA.
Liên quan về những cáo buộc về World Cup 2022, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đã phản đối việc tổ chức lại việc bỏ phiếu cho tới khi có kết quả điều tra. Còn Chủ tịch Ủy ban Olympic Qatar thì cho rằng, cáo buộc nhắm vào Qatar là có ý đồ phân biệt chủng tộc.
Cùng quan điểm với Qatar, Sheikh Ahmad al-Sabah, Chủ tịch Hội đồng các Ủy ban Olympic quốc gia châu Á, đã lớn tiếng bảo vệ Qatar, đồng thời khẳng định các cáo buộc là hành động phân biệt chủng tộc, nhắm vào Qatar và thế giới A-rập.
Trong khi đó, cựu chưởng lý Michael Garcia cho biết, ông sẽ chuyển các kết luận điều tra lên cho Ủy ban đạo đức của FIFA ngay trong năm 2014 cùng với kết quả điều tra do Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tiến hành độc lập để giúp FIFA có quyết định chính thức.