Thực trạng và nguyên nhân nợ xấu tại DNNN

Thực trạng nợ xấu của DNNN

Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện này thì vấn đề giải quyết nợ xấu của các DN ở nước ta là bài toán nan giải nhất trong ngắn hạn. Nợ xấu của DN được các nhà khoa học bàn thảo nhiều và được xem là nguyên nhân cơ bản gây tắc nghẽn sự lưu thông lành mạnh của nền kinh tế, gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng và cũng phản ánh khó khăn của sản xuất kinh doanh của DN nhìn từ góc độ chỉ số hàng tồn kho tăng cao. Nợ xấu tăng cao đã và đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế, cản trở quá trình tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu DNNN và làm giảm niềm tin của người dân vào vai trò quản lý, điều hành của Chính phủ. Theo đánh giá, dự báo của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế (JPMorgan Chase, HSBC, Fitch Ratings...), nợ xấu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao nếu Chính phủ không có kế hoạch cụ thể nhằm giải quyết kịp thời, triệt để vấn đề này.

Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại đang ở mức 8,6%, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán; trong đó nợ xấu tại khu vực DNNN rất lớn. Số liệu của một số nhà khoa học cho thấy khu vực DNNN hiện đóng góp vào 70% nợ xấu của toàn hệ thống, trong đó các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chiếm 53% số nợ xấu. Theo Đề án tái cấu trúc khu vực DNNN của Bộ Tài chính năm 2012 thì dư nợ của 80/96 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đến cuối 2010 là 872.860 tỷ đồng, bằng 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Tính đến tháng 9/2011, dư nợ vay ngân hàng của DNNN lớn đạt trên 415.000 tỷ đồng, tương đương gần 17% tổng dự nợ tín dụng tại các ngân hàng. Trong đó, nợ vay của 12 tập đoàn kinh tế nhà nước lên tới gần 218.740 tỷ đồng, dư nợ lớn nhất thuộc về những DN lớn như Tập đoàn Dầu khí (PVN - 72.300 tỷ đồng), điện lực (EVN - 62.800 tỷ đồng), than & khoáng sản (Vinacomin - 19.600 tỷ đồng). Với những con số như trên thì nợ xấu của khu vực tập đoàn, tổng công ty trong hệ thống ngân hàng sẽ chiếm tới 30-35% tổng dư nợ của khối này. 

Một đặc điểm nổi bật là nợ xấu của các DN Việt Nam gắn khá chặt chẽ với khu vực bất động sản (BĐS). Dư nợ cho khu vực này vay chiếm dưới 16% nhưng các tài sản thế chấp bằng BĐS cho các khoản vay khác nhau chiếm tới 60-80% tổng giá trị tài sản thế chấp. Khi thị trường BĐS suy giảm, những khoản nợ xấu, nợ quá hạn được thế chấp bởi BĐS sẽ rất khó thanh lý. Việc thanh lý mạnh các tài sản thế chấp sẽ tiếp tục khiến giá BĐS giảm thêm và càng làm trầm trọng thêm tình hình nợ xấu của nền kinh tế. Chính đặc điểm này khiến cho công tác xử lý nợ xấu của các DN sẽ gặp nhiều trở ngại hơn trong bối cảnh hiện nay.

Nguyên nhân khiến nợ xấu của DNNN tăng cao

Thứ nhất, tổ chức, nhân sự và biện pháp quản trị rủi ro của các ngân hàng thương mại còn nhiều hạn chế, chỉ có khoảng 40% ngân hàng thương mại tiếp cận được chuẩn quốc tế (Basel 3);

Thứ hai, chạy đua tăng trưởng tín dụng diễn ra trong thời gian dài, luôn trên 20%, thậm chí lên tới 51,39% (năm 2007), cùng với việc nới lỏng điều kiện cho vay khiến nợ xấu tăng cao;

Thứ ba, tác động của kinh tế thế giới phục hồi chậm và kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại làm cho DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hàng tồn kho tăng cao, không còn khả năng trả nợ ngân hàng. Đối với khu vực DNNN có nợ xấu nhiều là do khu vực này được hưởng những ưu đãi về tín dụng nên các DNNN có xu hướng sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn các DNkhu vực khác. Tuy tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của DNNN có xu hướng giảm trong những năm gần đây nhưng vẫn ở mức 2,52 lần vào năm 2009, cao hơn nhiều so với mức 1,78 lần của khu vực tư nhân và 1,39 lần của khu vực vốn FDI. Các DNNN trung ương thậm chí có tỷ lệ này cao hơn, lên tới 3,53 lần.

Thứ tư, sở hữu chéo, đầu tư ngoài ngành của các ngân hàng và DNNN diễn ra phổ biến đã dẫn tới các khoản cho vay, đầu tư lòng vòng, bất chấp quy định, gây hậu quả nghiêm trọng;

Thứ năm, một số cán bộ ngân hàng suy thoái đạo đức nghề nghiệp, cấu kết, móc ngoặc với DN để trục lợi cá nhân và cho vay không đúng quy định;

Thứ sáu, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế, nhất là không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm quy định về hạn chế cấp tín dụng và đầu tư một số lĩnh vực rủi ro cao.

Giải pháp xử lý nợ xấu tại DNNN

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, góp phần giảm nợ xấu của các DN, trong thời gian qua, Chính phủ đã triển khai thực hiện một số giải pháp: (1) Chính sách miễn giảm thuế, phí (thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế sử dụng đất...) đã hỗ trợ DN có thêm nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối tượng áp dụng rộng rãi, gồm các DN được hưởng lợi trực tiếp và cả các DN được hưởng lợi gián tiếp thông qua quan hệ mua bán - đầu vào, đầu ra (hơn 200.000 DN được gia hạn thuế giá trị gia tăng, với số tiền trên 11.000 tỷ đồng; giải quyết nợ thuế thu nhập cho trên 8.200 DN với số tiền 347 tỷ đồng; giảm 50% thuế cho hơn 3.000 DN với số tiền 339 tỷ đồng; giải quyết thuế môn bài cho hơn 40.000 hộ đánh bắt hải sản...). (2) Các ngân hàng thương mại đã rà soát các khoản vay, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ giãn nợ và đơn giản hoá thủ tục vay cho DN có kết quả kinh doanh và phương án kinh doanh tốt; lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên giảm mạnh xuống 13%. (3) Các bộ, ngành đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, củng cố, xây dựng và mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và kinh tế thế giới, DN vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn: (1) DN vẫn khó tiếp cận vốn vay nhất là thời gian cho vay ngắn (3 - 6 tháng); hạn mức cho vay chỉ đáp ứng 30 - 50% nhu cầu vay của DN. Mặt khác, việc thực thi các cam kết về giảm, giãn nợ của ngân hàng còn hạn chế do Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể và chế tài xử phạt chưa rõ ràng nên nhiều ngân hàng thương mại vẫn đặt điều kiện khắt khe về tài sản thế chấp, yêu cầu trả nợ cũ; (2) Các biện pháp xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư đạt kết quả chưa cao, thị trường tiêu thụ tiếp tục bị thu hẹp, hàng tồn kho tăng cao nhất là hàng nông sản, thực phẩm, công nghiệp, vật liệu xây dựng..., sức mua giảm mạnh; (3) Chi phí sản xuất tăng và gây khó khăn cho DN trong việc hạ giá thành sản phẩm và giải quyết hàng tồn kho

 Đối với nợ xấu tại khu vực DNNN để giải quyết lại càng khó khăn hơn. Khác với các DN tư nhân, vốn có thể dễ dàng bán tài sản hoặc nhượng cổ phần cho các DN khác để có tiền trả nợ ngân hàng nhằm tránh phá sản, các DNNN rất khó có thể bán tài sản hoặc cổ phần nhà nước theo giá thị trường trong giai đoạn kinh tế suy thoái. Vì vậy, các khoản nợ mà các DNNN vay thường phải trông đợi vào sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước dưới các hình thức xóa nợ, khoanh nợ, chuyển nợ, bổ sung vốn…

Các hình thức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, từ khoanh nợ (như việc khoanh nợ cho Vinashin tại các ngân hàng thương mại) thì Chính phủ vẫn phải bỏ một phần tiền ra để bù đắp; hình thức chuyển nợ (như của Vinashin cho Vinalines và PVN) có thể khiến các DNNN khác lâm vào khó khăn và cuối cùng gánh nặng lại đè lên vai Nhà nước.

Từ kinh nghiệm thực tế của thế giới cho thấy, để giải quyết vấn đề nợ xấu trong nền kinh tế phải mất một thời gian khá dài từ 5 đến 10 năm, do vậy đối với Việt Nam, chúng ta cần phải có một lộ trình mang tính chiến lược cụ thể thì mới có thể giải quyết tận gốc rễ của vấn đề. Cần xử dụng đa dạng các biện pháp can thiệp, cả vai trò hỗ trợ của Nhà nước và sự chủ động của các ngân hàng thương mại, trong sự phối hợp với các DN:

- Tăng cường vai trò điều tiết, quản lý, điều hành của Chính phủ với mục tiêu chủ yếu là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh của các DN.

- Theo kinh nghiệm nhiều nước, cần lập Ủy ban Nhà nước xử lý nợ, có sự tham gia của NHNN, Bộ Tài chính và các cơ quan giám sát khác nhau, tạo điều kiện cho Nhà nước chủ động can thiệp để hỗ trợ thị trường. Cần quan trọng nhất là công khai minh bạch quá trình xử lý này, với sự chỉ đạo thống nhất, tránh bị lợi dụng, từng bước đạt chuẩn nợ xấu theo thông lệ quốc tế. Hình thành công ty mua bán nợ xấu quốc gia, có chức năng, nhiệm vụ xử lý nợ xấu thông qua hoạt động mua bán hoặc chứng khoán hoá tài sản xấu của các DN. Các công ty này sẽ xác định tổng tài sản xấu cần xử lý, xác định giá trị thị trường tài sản xấu, xây dựng phương án thực thi, tìm kiếm đối tác và tiến hành thanh lý; có thể chuyển quyền chủ nợ đối với DN (nằm trong danh mục nợ xấu) thành quyền cổ đông của DN, sau đó chuyển nhượng cổ phần để thu về tiền mặt; các khoản nợ tại khu vực DNNN có thể chuyển hoàn toàn sang cho công ty mua bán nợ này. Khi đó, bằng các giải pháp tập trung, công ty mua bán nợ quốc gia có thể dễ dàng trao đổi với bên chịu trách nhiệm tái cấu trúc các DNNN để xử lý các khoản nợ này theo hướng bán các gói nợ cho các tổ chức tín dụng hoặc chuyển đổi các gói nợ thành cổ phần.

- Các ngân hàng sử dụng các công cụ dự phòng của mình, cũng như việc tái cơ cấu DN và ngân hàng để có tình trạng nợ xấu được lành mạnh hơn, vấn đề này có thể xử lý để giảm nhẹ một phần tình trạng nợ xấu; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng thương mại nhỏ, yếu kém hợp nhất, sáp nhập với các ngân hàng lớn, sử dụng tiềm lực tài chính của các ngân hàng lớn để xử lý nợ xấu.

- Cần nắm chắc tình trạng nợ xấu với số liệu chính xác để xử lý đúng thực tế bằng các giải pháp kịp thời, sát thực (số liệu của hệ thống ngân hàng còn có sự khác biệt lớn giữa báo cáo của các DN, đánh giá của NHNN và đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và các chuyên gia, các tổ chức quốc tế).

- Tranh thủ sự ủng hộ của các định chế tài chính và tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu. Tham vấn kinh nghiệm của các định chế tài chính lớn (IMF, WB...) trong quá trình cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng, đồng thời tranh thủ nguồn vốn của các tổ chức này nhưng không chấp nhận điều kiện ràng buộc để tránh sự tác động, can thiệp vào các quyết sách điều hành kinh tế; yêu cầu các ngân hàng thương mại công bố cụ thể nợ xấu và khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân góp vốn hoặc tham gia đấu thầu, thanh lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng yếu kém để thu hồi tiền mặt; cho phép ngân hàng thương mại bán trực tiếp các khoản nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài: nới rộng giới hạn sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng trong khoảng thời gian nhất định (từ 10 đến 20 năm), nhưng yêu cầu phải giảm dần tỷ lệ sở hữu trong các năm tiếp theo thông qua việc bán lại cổ phần cho cổ đông trong nước.

Bài đăng Tạp chí Tài chính số 11-2012

Một số vấn đề về nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước

TS. Hoàng Xuân Hòa - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Trung ương Đảng

(Tài chính) Tính đến ngày 12/2011, cả nước còn 1.309 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), với tổng tài sản gần 1.800.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 700.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 162.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) là 231.000 tỷ đồng, hằng năm đóng góp khoảng 27-30% GDP. Dù có nhiều lợi thế về nguồn lực nhưng hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước còn thấp, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất cân đối tài chính, thua lỗ kéo dài, nợ xấu gia tăng. Bởi vậy, giải quyết nợ xấu tại các doanh nghiệp nhà nước là vấn đề “nóng” cần giải quyết trong bối cảnh hiện nay…

Xem thêm

Video nổi bật