Rộng mở cơ hội kinh doanh với thị trường Nga

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Ông Bùi Đình Dĩnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cho biết có rất nhiều cơ hội và tiềm năng để các doanh nghiệp Việt và hàng hóa Việt tiến vào thị trường Nga một cách sâu rộng hơn.

 Rộng mở cơ hội kinh doanh với thị trường Nga
Kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Nga năm 2012 đạt 3,7 tỷ USD, tăng 19,7%. Nguồn: internet
Tại hội thảo “Cơ hội kinh doanh với thị  trường Nga và EU” do Bộ Công Thương phối hợp với VCCI, Cơ quan đại diện Thương mại Nga tại TP. Hồ Chí Minh tổ  chức ngày 11/12 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Thương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), cho biết trong những năm qua, mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Nga đang ngày một phát triển.

Trong đó, kim ngạch thương mại 2 chiều đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Nga năm 2012 đạt 3,7 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2011 và tăng gấp 5 lần so với 10 năm trước. Chỉ tính trong 10 tháng năm 2013, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 2,3 tỷ USD. Trong đó Việt Nam xuất sang Nga hơn 1,6 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này với giá trị trên 730 triệu USD.

Về quan hệ đầu tư, tính đến tháng 11/2013. Nga đứng thứ 19 trong tổng số gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 93 dự án. Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 2 tỷ USD.

Việt Nam cũng đang có 17 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn khoảng 2,4 tỷ USD.

Một hướng mới mà Việt Nam đang tập trung ưu tiên chính là phát triển năng lượng hạt nhân. Phía Nga sẵn sàng trở thành đối tác chính của Việt Nam trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân với kinh nghiệm và lợi thế về công nghệ của mình, mà khởi đầu sẽ là nhà máy Ninh Thuận 1.

Ngoài ra, du lịch cũng là một thế mạnh trong hợp tác giữa hai nước. Nga tiếp tục là 1 trong 10 thị trường tăng trưởng hàng đầu về du lịch ở Việt Nam. Hiện tại, hai nước đang triển khai thực hiện Chương trình hợp tác văn hoá-thể thao-du lịch giai đoạn 2013-2015.

Theo ông Nikolai Kapuskin, Phó Cơ quan Thương mại Nga tại TP. Hồ Chí Minh, Nga và Việt Nam là hai thị trường hoàn toàn có thể bổ sung cho nhau. Việt Nam có thế mạnh về sản xuất lương thực, thực phẩm... đặc biệt là sản phẩm nhiệt đới. Nga có điểm mạnh về máy móc, thiết bị luyện kim, phân bón, dầu khí… Đây là điểm thuận lợi trong phát triển thương mại giữa hai nước.

Nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt tại Nga

Từ năm 2012, Nga là thành viên thứ 156 của WTO, theo đó, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nga theo lộ trình cam kết của Nga sẽ chịu mức thuế thấp hơn từ 30-50%.

Như vậy, thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng của Việt Nam sang Nga cũng sẽ được giảm ngay như hàng điện máy và thiết bị. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị  trường Nga được giảm thêm 25% thuế quan so với mức thuế Nga cam kết, vì Việt Nam nằm trong nhóm các nước hưởng ưu đãi thuế quan của Liên minh Hải quan.

Điều này không chỉ là cơ hội cho Việt Nam, mà còn là cánh cửa dẫn đến một thị trường lớn với khoảng cách địa lí không quá xa Nga như Bắc Mỹ hay Tây Âu.

Theo ông Nikolai Kapuskin, Nga là một thị trường khá dễ tính, do vậy, hàng hoá của Việt Nam dễ xâm nhập hơn. Tuy nhiên, hàng Việt Nam cũng cần phải cải tiến chất lượng thì mới có thể cạnh tranh được với hàng hoá của các nước khác đang ồ ạt tấn công vào thị trường Nga hiện nay.

Ông Bùi Đình Dĩnh cho biết, có rất nhiều cơ hội và tiềm năng để các doanh nghiệp Việt và hàng hóa Việt tiến vào thị trường Nga một cách sâu rộng hơn.  

Đó là, giữa 2 nước đã có mối quan hệ truyền thống và gắn bó lâu năm nên người Nga có những tình cảm ưu ái cũng như thói quen khi sử dụng hàng Việt. Tại Nga có rất nhiều người Việt sinh sống, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động và Hội doanh nghiệp Việt tại Nga sẽ tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường Nga.

Đặc biệt, quá trình đàm phán FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan) đã tiến đến vòng đàm phán thứ 4 tại Đà Nẵng (ngày 9-13/12/2013). Khi thành công sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu, chuyển hướng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước Liên Xô cũ và  Đông Âu nhằm tạo nên một thị trường tiêu thụ hàng hóa rộng lớn, giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Sau khi FTA được ký kết, chắc chắn cánh cửa xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Nga và các nước trong Liên minh Hải quan sẽ được rộng mở. Từ đó, tạo tiền đề thuận lợi để kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga đạt 7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020 như Thông cáo chung giữa hai nước đưa ra trong năm nay.