Ngôi làng thêu lên "màu cờ Tổ quốc"

Theo Hoàng Long/congthuong.vn

Làng Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) là làng thêu, may những lá cờ Tổ quốc như muốn lưu giữ hình ảnh đất nước qua từng đường kim, mũi chỉ.

Lá cờ Tổ quốc thêu tay đong đầy tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc
Lá cờ Tổ quốc thêu tay đong đầy tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc

Từ bao đời nay, làng Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) được mệnh danh là "nơi lưu giữ màu cờ Tổ quốc" thông qua từng đường kim, mũi chỉ khi thêu dệt nên hàng triệu triệu lá cờ đỏ sao vàng.

Theo lời các cụ cao niên trong làng, từ thế kỷ XVI, nơi đây đã nổi tiếng bởi các sản phẩm thêu, dệt truyền thống. Hàng trăm năm trước, nhiều người làng đã lên "Kẻ Chợ" (nội thành Hà Nội ngày nay) mở cửa hàng bán các sản phẩm do chính những đôi tay tài hoa của người làng làm ra.

Tháng 8/1945, các nghệ nhân trong làng Từ Vân đã được Ủy ban kháng chiến giao một "nhiệm vụ đặc biệt" đó là thêu hàng vạn lá cờ Tổ quốc chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám toàn thắng. Trong dòng người náo nức và rừng cờ phấp phới trên quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945 đã có những lá cờ đỏ sao vàng được tạo nên bởi những người thợ làng Từ Vân. Từ đó cho đến nay, người dân vẫn luôn tự hào về nghề thêu may cờ Tổ quốc vinh quang của làng.

Cô Vương Thị Nhung, 46 tuổi, chủ xưởng thêu may thủ công duy nhất còn lại của làng chia sẻ: “Gia đình tôi hiện nay đã lưu truyền nghề thêu may cờ Tổ quốc được 4 đời. Tôi luôn cảm thấy vinh dự và hãnh diện khi là một trong những người tạo nên những lá cờ Tổ quốc chuyển đi các nơi, hiện diện trong nhiều sự kiện quan trọng. Gia đình những năm qua vẫn duy trì sản xuất, thêu cờ, may in cờ, tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong làng và các làng lân cận. Các dịp lễ tết, Quốc khánh... cũng là thời gian gia đình lại bận rộn ngày đêm để kịp trả hàng cho khách.”

Có những thời điểm, đặc biệt là dịp các đội tuyển thể thao Việt Nam thi đấu, những ngày lễ lớn kỷ niệm theo năm chẵn, cả gia đình cô Nhung phải huy động hàng chục thợ cắt, may, thêu, làm ngày làm đêm. Chồng cô, chú Đặng Hồng Hưởng, 54 tuổi, là người phụ trách việc in ấn, thiết kế những mẫu cờ phục vụ đoàn thể. Nhờ có công nghệ hỗ trợ mà công việc của gia đình cô cũng phần nào bớt vất vả. “Nhiều đơn hàng lên đến 30 - 40 vạn lá cờ! Kể như đợt Quốc khánh 2/9 năm nay.” - cô tiết lộ.

Đã theo nghề gần 40 năm, cô Nhung kể, bố cô là một trong những người đầu tiên đem nghề làm cờ về làng Từ Vân. Trước gia đình có 10 anh chị em, trong đó 3 người làm nghề truyền thống, nhưng giờ chỉ còn duy nhất vợ chồng cô bám trụ lại. Bởi nghề thêu may cờ không cho thu nhập cao, mà người làm cờ phải thực sự khéo léo, tỉ mẩn trong từng đường kim, mũi chỉ, do đó phải ai thực sự đam mê mới gắn bó được với nghề này. Trong làng vẫn còn nhiều gia đình khác may cờ, nhưng tất cả đều là may, in công nghiệp hàng loạt, ít bộc lộ chất thêu nghệ thuật từ xưa.

Cô Nhung nói: “Trước đây, một lá cờ làm hoàn toàn thủ công nên mất nhiều thời gian, có khi nửa ngày mới may xong một lá vì hình ngôi sao khó cắt, nếu là cờ thêu thì có khi mất vài ngày. Nay có máy móc hỗ trợ thì nhanh hơn, nhưng làm cờ thì không thể ẩu. Muốn có một lá cờ đẹp phải trải qua nhiều công đoạn như pha vải, đo, cắt, chèn sao, khâu vá..., khâu nào cũng phải cẩn trọng, nâng niu để lá cờ phẳng phiu, đường kim mũi chỉ gọn gàng.” Loại vải để thêu cờ được cô Nhung đặt mua từ làng La Khê (quận Hà Đông), còn chỉ thêu được mua từ làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì).

Theo cô Nhung, hiện tại cô vẫn muốn gắn bó với nghề làm ra những lá cờ mang "hồn thiêng sông núi" bởi nó đã là một phần ký ức của biết bao con người làng Từ Vân. Mỗi khi nhìn những lá cờ Tổ quốc đặt trang trọng trong các buổi lễ hay nhiều lúc xem chương trình vô tuyến,…được nhìn thấy sản phẩm của gia đình làm ra, trong lòng vợ chồng cô Nhung lại trào lên niềm tự hào khi đã góp một phần nhỏ bé tô thắm thêm niềm tự hào dân tộc.

Với mong muốn truyền nghề lại cho thế hệ đi sau, hiện trong làng Từ Vân, nhiều gia đình đã định hướng cho con làm quen với nghề từ khi còn nhỏ. Nhiều em nhỏ, phần đông là nữ, mới học lớp 6, lớp 7 đã được bố mẹ gửi gắm qua gia đình cô Nhung để học thêu cờ Tổ quốc.

Không những vậy, hoạt động thêu cờ cũng như danh tiếng của làng Từ Vân cũng thu hút không ít bạn trẻ đến tìm hiểu, trải nhiệm. Bạn Hoàng Thu Hằng, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội xúc động: “Đây là một trải nghiệm thực sự đáng nhớ! Được tận tay thêu lên lá cờ, được nghe cô kể chuyện mới biết các cô các chú đã tận tâm với nghề như thế nào. Từ đó, em thêm yêu và tự hào về lá Quốc kì của đất nước hơn!”

Niềm vui của những người thêu may cờ như gia đình cô Nhung ở làng Từ Vân không chỉ là “đứa con tinh thần” đến được với khách hàng, mà còn được đón nhận và treo ở những nơi trang trọng, để niềm tự hào dân tộc được nhân lên bội phần. “Thêu được lá cờ chúng tôi cũng rất tự hào, công việc gắn bó với chúng tôi suốt cả một cuộc đời. Những lá cờ được treo ở những nơi linh thiêng, trang trọng càng khiến chúng tôi yêu nghề, thêm tâm huyết với nghề, theo đuổi nghề đến suốt đời”.

Trải qua biết bao biến cố, thăng trầm, cho đến nay nghề thêu may cờ Tổ quốc ở làng Từ Vân vẫn được duy trì dù hiện không nhiều gia đình đảm nhận. Khó khăn, vất vả là vậy song những lá cờ được làm ra từ bàn tay tài hoa, cần mẫn của những người thợ Từ Vân vẫn bền bỉ, óng đẹp theo thời gian, tung bay trên khắp mọi miền Tổ quốc. Từ biên cương xa xôi tới nơi đầu sóng chủ quyền của đất nước, lá cờ của dân làng Từ Vân vẫn phấp phới đầy kiêu hãnh.

Ngôi làng thêu lên

“Muốn có một lá cờ đẹp phải trải qua nhiều công đoạn như pha vải, đo, cắt, chèn sao, khâu vá..., khâu nào cũng phải cẩn trọng, nâng niu để lá cờ phẳng phiu, đường kim mũi chỉ gọn gàng.”

Ngôi làng thêu lên

Loại vải để thêu cờ được đặt mua từ làng La Khê (quận Hà Đông), còn chỉ thêu được mua từ làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì).

Ngôi làng thêu lên

“Được tận tay thêu lên lá cờ, được nghe cô kể chuyện mới biết các cô các chú đã tận tâm với nghề như thế nào.” – Hoàng Thu Hằng chia sẻ.

Ngôi làng thêu lên

Ngoài cờ tổ quốc người dân tại đây còn làm các sản phẩm cờ Đội, cờ Đoàn

Hiện nay, làng nghề Từ Vân là một địa chỉ đỏ cung cấp hàng triệu lá cờ Tổ quốc mỗi năm phục vụ nhu cầu của người dân, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị trên cả nước.

Vắt qua hàng thế kỷ, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng được dệt nên từ những bàn tay tài hoa của người dân làng nghề đã góp phần giữ hồn Tổ quốc cho hôm nay và muôn đời sau.