Người dân Thủ đô cùng vào cuộc đấu tranh chống buôn lậu

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Sáng nay 14-8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo Quyết định 389/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) chủ trì buổi làm việc với TP. Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Người dân Thủ đô cùng vào cuộc đấu tranh chống buôn lậu
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh:Nguồn Internet

Nhân buổi làm việc, UBND TP. Hà Nội công bố Quyết định số 3209 về việc Thành lập Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP. Hà Nội (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội). Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội được thành lập nhằm tăng cường kiểm tra, xử lý, nâng cao hiệu quả đấu tranh đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng.

Báo cáo công tác 7 tháng đầu năm 2014, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn giảm so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên công tác này vẫn còn bộc lộ những tồn tại ở nhiều cấp độ, quy mô khác nhau. Xuất hiện các phương thức thủ đoạn tinh vi, tổ chức hoạt động tạo thành các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm có sự câu kết chặt chẽ giữa các chủ đậu nậu trên khu vực biên giới và trong nội địa.

Điển hình như sử dụng chứng từ quay vòng để vận chuyển, buôn bán hàng hóa nhập lậu; gian lận trong kê khai nhập khẩu hàng hóa (kê khai hàng hóa nhập khẩu sai về mã số, trị giá và số lượng). Các đối tượng còn thay đổi về quy mô và hình thức vận chuyển, địa điểm tập kết hàng hóa, cửa khẩu nhập khẩu. Tại một số điểm kinh doanh ở các trung tâm thương mại, khu vực kinh doanh lớn, các hộ kinh doanh đóng thuế ở hình thức thuế khoán, tiêu thụ hàng nhập lậu qua mua gom và bán hàng không xuất hóa đơn gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý nguồn gốc hàng hóa.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ rõ, tình hình buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp, nhất là đối với mặt hàng dệt may, da giấy, mỹ phẩm. Đáng lưu ý, việc mua nguyên liệu, nhãn mác hoàn thiện sản xuất tại các làng nghề tăng cao. Hàng hóa kém chất lượng từ Trung Quốc giả mạo xuất xứ, tên thương mại, nhãn hiệu các sản phẩm của Việt Nam như đồ vệ sinh, khóa, bóng đèn, xăm lốp… gia tăng. Hàng hóa hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng, tồn kho nhiều nên dẫn tối hành vi sửa hạn sử dụng; gia cầm nhập lậu đưa vào tiêu thụ vẫn còn tồn tại.

Để nâng cao công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, ông Nguyễn Ngọc Tuấn kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành bổ sung và hướng dẫn thực hiện Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính; quy định cụ thể và tăng cường năng lực cho bộ phận kiểm định hàng hóa thực phẩm, rau, củ, quả, nông phẩm, phụ gia… tại cửa khẩu. Đề nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cung cấp thông tin về dối tượng và thống kê hàng nhập khẩu như thực phẩm chức năng, sữa trẻ em, rượu, bia, thuốc lá; chỉ đạo lực lượng chức năng tại các địa phương: Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng… phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn TP. Hà Nội để ngăn chặn việc vận chuyển hàng lậu ngay từ các cửa khẩu.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những thành tích mà các lực lượng chức năng như Hải quan, Công an, Quản lý thị trường đã đạt được trong thời gian qua. Kết quả đó đã góp phần bảo vệ an ninh, an toàn cộng đồng, bình ổn thị trường.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận tình trạng này đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và trật tự an toàn xã hội, thất thu về thuế rất lớn. Thủ đô vẫn còn là trung tâm tiêu thụ, buôn bán hàng lậu lớn, đặc biệt là các trung tâm thương mại, chợ, trên nhiều tuyến phố.

Với vai trò của thủ đô, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính quyền cơ sở các quận, huyện, xã, phường phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài; kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất phù hợp với thực tiễn, cần thiết thay đổi, xử lý nghiêm cán bộ thoái hóa. Các lực lượng cần tiếp tục tuyên tuyền để người dân không tham gia, tiếp tay mà tập trung tố giác, cùng các lực lượng vào cuộc đấu tranh chống buôn lậu; các lực lượng Hải quan, Công an, Quản lý thị trường khẩn trương xử lý các hành vi vi phạm, điều tra, truy tố một số vụ việc điển hình nhằm lập lại kỷ cương, kỷ luật. 

Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cần ban hành quy chế, phân công nhiệm vụ cho các lực lượng một cách khoa học, xử lý công việc theo liên ngành, không bao che, dung túng cho các hành động sai trái. Trong đó, những cá nhân có thành tích thì kịp thời khen thưởng, địa phương nào để buôn lậu phức tạp thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm.