Người Mỹ đã bỏ lỡ 200 tỷ USD trên thị trường chứng khoán

Theo TTVN/Bloomberg

Người Mỹ đã bỏ lỡ tới 200 tỷ USD trên thị trường chứng khoán (TTCK) khi vội vã rút tiền ra khỏi thị trường trong vòng 4 năm qua vì lo sợ khủng hoảng tài chính.

 Người Mỹ đã bỏ lỡ 200 tỷ USD trên thị trường chứng khoán
Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê từ Bloomberg và Morningstar Inc, kể từ tháng 3/2009 tới nay, tài sản tại các quỹ tương hỗ, quỹ ETF cũng như các quỹ đóng đã tăng tới 85%, lên 5.600 tỷ USD trong khi chỉ số Standard & Poor’s 500 tăng tới 94%. 

Các số liệu trên cho thấy bất chấp TTCK tăng điểm mạnh nhất kể từ năm 1998, niềm tin của nhà đầu tư không thể phục hồi sau khi ngành tài chính sụp đổ và thổi bay 11 nghìn tỷ USD khỏi thị trường và nền kinh tế chậm chạp hồi phục sau thời kỳ suy thoái nặng nền nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Nhà đầu tư cũng ồ ạt rút tiền ra khỏi thị trường với lo ngại về các khoản cắt giảm ngân sách đe dọa sẽ một lần nữa đẩy nền kinh tế vào thời kỳ suy thoái.

Tuần trước, chỉ số S&P 500 đã tăng 1,2%, lên mức 1.430,15 điểm. Tính từ đầu năm, chỉ số này đã tăng tổng cộng 14% với sự dẫn dắt của các cổ phiếu tài chính và tiêu dùng. Giờ đây, các công ty có lợi nhuận gắn chặt với sự phục hồi của nền kinh tế chính là nhóm mang lại nhiều lợi nhuận nhất. Trong số 500 công ty thuộc chỉ số S&P, có tới 481 cổ phiếu hiện có giá cao hơn so với thời điểm tháng 3/2009. Cổ phiếu của Expedia Inc., công ty du lịch trực tuyến có trụ sở tại Washington, đã tăng tới 577%. Cổ phiếu của các công ty xây dựng nhà ở cũng tăng vọt cùng với sự phục hồi của thị trường nhà đất. 

Cũng theo dữ liệu từ Bloomberg, các cá nhân đã giảm bớt tỷ trọng tài sản đổ vào chứng khoán từ 72,5% trong năm 2009 xuống chỉ còn 72%. Số liệu này tính đến tất cả các loại cổ phiếu, trái phiếu và các quỹ tương hỗ hỗn hợp. Lần đầu tiên trong vòng 20 năm, nhà đầu tư đang giảm tỷ trọng cổ phiếu mà họ nắm giữ trong các quỹ lương hưu bất chấp thị trường đang đi lên.  

Tỷ lệ các hộ gia đình đổ tiền vào các quỹ tương hỗ đầu tư vào cổ phiếu cũng sụt giảm xuống mức thấp thứ 2 kể từ năm 1997. 

Trong khi đó, dòng tiền đổ về các khoản đầu tư mang lại mức thu nhập cố định và có độ an toàn cao. Kể từ tháng 3/2009 đến nay, các nhà quản lý quỹ tập trung đầu tư vào trái phiếu công ty và tín phiếu kho bạc đã nhận được gần 1.000 tỷ USD. Chính sách giữ lãi suất ở mức gần 0 của Cục dự trữ liên bang cùng với tỷ lệ lạm phát ở mức thấp nhất trong gần 50 năm đã giúp các chứng khoán nợ tăng giá tới 29% kể từ khi nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Obama bắt đầu. 

Dữ liệu từ Bloomberg cũng cho thấy tổng giá trị của các vụ IPO tại Mỹ trong năm 2012 chỉ đạt khoảng 41,2 tỷ USD, thấp hơn 28% so với năm 2007. Các vụ thâu tóm có tổng giá trị 524 tỷ USD, giảm so với mức 585 tỷ USD của năm 2011. Trước đó, các vụ IPO bùng nổ khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Trong suốt 13 năm qua, hoạt động IPO đạt đỉnh vào năm 2000, khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế là 4,1%.  Năm tồi tệ nhất chính là năm 2009, khi kinh tế Mỹ suy giảm 3,1%. 

Lượng tiền mặt mà các công ty Mỹ đang nắm giữ hiện đang ở mức cao kỷ lục – 1.030 tỷ USD. Theo James Butterfill, người đang giúp quản lý 64 tỷ USD tại Coutts & Co. có trụ sở tại London, các công ty không có nhiều lựa chọn trong đầu tư trong bối cảnh chính sách cũng như tình hình kinh tế vĩ mô không ổn định như hiện nay. 

Tuy nhiên, kể cả những nhà đầu tư được hưởng lợi sau khi kiên nhẫn bám trụ với thị trường cũng phải đối mặt với rất nhiều biến động và phải trải qua tới 3 lần thị trường điều chỉnh mạnh. Tháng 8/2011, sau khi S&P hạ tín nhiệm AAA của Mỹ, chỉ số Dow Jones đã có biên độ dao động lên tới 400 điểm trong 4 ngày liên tiếp. Trong khi đó, biên độ dao động trung bình của chỉ số S&P 500 trong năm 2008 cũng là 1,74% - cao nhất kể từ thời kỳ Đại khủng hoảng.