Người nước ngoài được mua bất động sản du lịch?
Nhiều địa phương đang lúng túng, chưa thể cấp giấy chứng nhận sở hữu các dự án bất động sản nghỉ dưỡng cho người nước ngoài trước lo ngại về an ninh - quốc phòng
Bộ Xây dựng vừa đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) năm 2014, theo đó cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam.
Cơ hội thu hút đầu tư, phục hồi thị trường
Liên quan đến đề xuất này, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã có văn bản kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi khoản 2 điều 14 Luật Kinh doanh BĐS, cho phép cá nhân nước ngoài được mua các BĐS khác không phải là nhà ở; bổ sung vào Luật Kinh doanh BĐS quy định về điều kiện mua, thuê mua, thuê các loại BĐS không phải nhà ở của cá nhân nước ngoài.
VNREA khẳng định việc cho phép người nước ngoài mua công trình xây dựng không phải là nhà ở như BĐS du lịch sẽ góp phần thu hút nguồn vốn lớn đầu tư vào phân khúc này mà vẫn có thể quản lý bằng các quy định về điều kiện, thủ tục mua BĐS của người nước ngoài tương tự như quy định đối với nhà ở.
Ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch VNREA, mong muốn những cơ chế, chính sách thông thoáng về sở hữu BĐS của người nước ngoài thể hiện qua những sửa đổi đồng bộ của pháp luật về đất đai, kinh doanh BĐS, xây dựng, du lịch, tín dụng, xuất nhập cảnh... sẽ sớm được áp dụng, như một giải pháp cấp bách giúp thị trường hồi phục nhanh sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Đồng thời, đây cũng là giải pháp dài hạn để Việt Nam trở thành điểm đến nghỉ dưỡng, hưu trí và đầu tư BĐS của người nước ngoài, tăng ưu thế cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Cũng về vấn đề trên, ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc Furama Resort (Đà Nẵng), khẳng định nhiều nước trên thế giới đã cho phép người nước ngoài mua BĐS du lịch. Đây được xem như là thông lệ nhằm tạo làn sóng thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
"Sở hữu ở đây không có nghĩa là người nước ngoài sẽ ở đó mà là họ đầu tư, bỏ tiền ra mua các căn hộ du lịch hay căn hộ khách sạn. Sau đó, các căn hộ thuộc sở hữu của người nước ngoài vẫn được doanh nghiệp Việt Nam quản lý, chia lợi nhuận theo ký kết, mỗi năm chủ sở hữu sẽ có một thời gian ngắn nghỉ dưỡng tại BĐS của họ" - ông Vinh nhấn mạnh.
Chính vì thế, ông Vinh cho rằng hoàn toàn không đáng lo về yếu tố an ninh - quốc phòng khi thông qua đề xuất này. "Nếu được thì nên quyết sớm và thông qua sớm để các doanh nghiệp có BĐS du lịch được "cởi trói", khơi thông nguồn cung này và tìm kiếm được nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn. Tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến BĐS du lịch tại Việt Nam" - ông Vinh nói.
Kèm điều kiện về an ninh - quốc phòng
Trong thời gian qua, các thị trường như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thu hút được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là ở phân khúc nhà ở; còn ở BĐS nghỉ dưỡng thì còn rất ít. Hiện nhiều địa phương vẫn lúng túng trong việc cấp giấy chứng nhận sở hữu các dự án BĐS nghỉ dưỡng nên phần nào hạn chế cơ hội của các nhà đầu tư vào phân khúc này.
Theo Hội Môi giới BĐS tỉnh Khánh Hòa, Khánh Hòa hiện có 30 dự án condotel. Riêng TP. Nha Trang có 17 dự án với khoảng 15.000 phòng. Trong khi đó còn nhiều dự án khác ở Khu Du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Nhiều dự án đi vào hoạt động ổn định như: Vinpearl Empire Condotel hơn 1.200 căn, Vinpearl Beachfront Condotel gần 900 căn, Havana hơn 850 căn, Ariyana gần 400 căn, Champa Island hơn 300 căn...
Ông Trần Nam Bình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cho rằng luật đã cho phép người nước ngoài mua nhà ở các dự án với số lượng nhất định nhưng kèm nhiều điều kiện an ninh quốc phòng khác. Các dự án ở TP. Nha Trang, chủ đầu tư, chính quyền nhiều lần có văn bản hỏi bên công an và quốc phòng về việc người nước ngoài mua nhà nhưng chưa có câu trả lời nên tất cả dự án, nhất là dự án căn hộ du lịch, người nước ngoài đều không được mua bán.
"Tôi ủng hộ việc người nước ngoài được mua bán BĐS theo đúng quy định pháp luật. Nhất là đối với căn hộ du lịch, người nước ngoài có thể mua bán để nghỉ dưỡng, du lịch lâu dài. Như vậy, họ mới an tâm sinh sống, tạo nguồn thu, giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội" - ông Bình đánh giá.
Ông Trần Xuân Tây, Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, cũng cho rằng việc mở cửa cho người nước ngoài mua bán BĐS du lịch là điều nên làm. "Luật vẫn cho phép người nước ngoài mua nhà ở các dự án nhưng nhà thì phải gắn liền với đất. Người Việt Nam phải bỏ tiền mua đất rồi xây nhà còn người nước ngoài thì chỉ mua nhà là bất hợp lý" - ông Tây nói.
Theo ông Tây, cần mở cửa cho phép mua bán đất đai nhưng đi kèm với các điều kiện về an ninh - quốc phòng và được mua trong một thời gian nhất định có thể là 50-70-90 năm. Riêng về căn hộ du lịch, bản chất là phục vụ du lịch lâu dài nên phải tạo điều kiện để người nước ngoài mua bán, sở hữu căn hộ. Điều kiện đi kèm là phải đăng ký xuất nhập cảnh, đăng ký với ban quản lý căn hộ du lịch, công an địa phương để giám sát, bảo đảm an ninh trật tự.
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo BĐS Đà Nẵng, khẳng định về phía cơ quan nhà nước, khi xem xét thông qua chủ trương này thì sẽ phải tính toán đến những vị trí có thể được phép. "Không phải cứ cho phép là có thể bán ồ ạt mà chúng ta có thể quy định khu vực nào, dự án nào được phép mở bán cho người nước ngoài để có thể quản lý về mặt an ninh - quốc phòng" - ông Lập nói.
Theo Bộ Xây dựng, từ khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 đến nay, đã có khoảng 549 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) được cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam.